01/11/2018 21:39 GMT+7

Nói không với xả rác: Ngán ngẩm rác nhà ta từ nhà... hàng xóm

KTS LÊ CÔNG SĨ
KTS LÊ CÔNG SĨ

TTO - Làm công việc xây dựng, tôi từng chứng kiến nhiều câu chuyện dở khóc dở cười liên quan đến nạn xả rác. Diễn đàn "Nói không với xả rác", trân trọng giới thiệu bài viết dưới đây của KTS Lê Công Sĩ nói về thực trạng này.

Nói không với xả rác: Ngán ngẩm rác nhà ta từ nhà... hàng xóm - Ảnh 1.

Rác thải từ một công trình xây dựng - Ảnh: NHẬT NAM

Lần nọ, khi khách hàng tôi vừa cúng khởi công thì chủ nhà giáp ranh xuất hiện. Bằng sự cởi mở và thân thiện, vị chủ nhà giáp ranh cho biết ông không "khó dễ" gì với láng giềng lân cận bởi ai cũng sẽ có lần cất nhà. Chưa kể, quá trình xây dựng nhà phố liền kề gần như trường hợp nào cũng dễ có "lấn cấn"; vấn đề do các bên hóa giải với nhau. Tuy vậy theo ông mọi thứ đều có giới hạn của nó. 

Nhiều chuyện bực mình

Sở dĩ ông nói thế bởi lẽ nhà giáp ranh phía bên kia cũng vừa cất xong; khi thi công, thợ xây liên tục làm rơi vãi xi măng, cát đá lên nóc nhà ông. Tiếp đến, khi nhà hàng xóm thi công đến giai đoạn đúc lầu thì càng phiền hơn bởi công nhân thường xuyên ăn uống vô ý quăng rác lên nóc nhà của ông. 

Trời mưa, nước tràn, lên kiểm tra ông mới phát hiện rác trám bít sê-nô thoát nước nhưng khi sang nói chuyện với chủ nhà thì chỉ nhận được sự giải thích cho qua chuyện rồi… đâu lại vào đấy. Hiện nay, nhà đã thi công xong, công nhân rút đi nhưng "đống rác" vẫn còn hiện diện trên mái nhà của ông, trong khi lời hứa dọn rác của công nhân và chủ nhà lân cận cũng chỉ là "lời hứa gió bay"…

Nói không với xả rác: Ngán ngẩm rác nhà ta từ nhà... hàng xóm - Ảnh 2.

Rác xả bừa bãi bên ngoài một công trình xây dựng - Ảnh: NHẬT NAM

Lần khác tôi nhận thiết kế cải tạo một ngôi nhà phố hai tầng lầu. Dẫn tôi lên sân thượng, nội dung cải tạo đầu tiên và luôn được cô chủ nhà nhấn mạnh là thiết kế làm sao phải có bức tường ngăn phần hông ban công nhà cô với ban công nhà lân cận. Sở dĩ phải có bức tường như thế là vì theo cô nhà kế bên thường xuyên quét rác rồi … "tiện tay" hất thẳng sang nhà cô. 

Cô kể chủ nhà lân cận là công chức nhà nước hẳn hoi, trên ban công có trồng cây hoa giấy; cứ vài ngày cô lên lầu là y như rằng lá và xác hoa giấy rơi đầy ban công nhà cô trong khi phần ban công nhà lân cận sạch trơn. "Mật phục", cô mới phát hiện những chiếc lá và xác hoa giấy "đi lạc" vào ban công đích thị do chính chủ nhà kế bên "tiện tay" hất sang...

Vị kỷ, biết mình không biết người

Kể những câu chuyện trên, tôi cho rằng thói quen xả rác rơi vào nhiều tầng lớp: người được xã hội mặc định ý thức kém (như công nhân thi công xả rác lên mái nhà lân cận) đã đành, người không thể nói là kém ý thức (như vị công chức chủ nhà hất rác qua ban công hàng xóm) cũng không ngoại lệ. 

Điển hình cho tệ xả rác bừa bãi nơi người có trình độ và ý thức còn có thể kể đó là nhiều bạn trẻ vô tư xả rác nơi công cộng sau các lễ hội; nhiều vị khách sang trọng trong các quán nước chỉ vì để chiếc bàn của mình được sạch sẵn sàng lùa tất cả thức ăn thừa của chính mình xuống đất trong khi lẽ ra nên tìm cho nó vị trí phù hợp… 

Nói không với xả rác: Ngán ngẩm rác nhà ta từ nhà... hàng xóm - Ảnh 3.

Rác xả đầy ở một bãi biển - Ảnh: NHẬT NAM

Nhiều người cho rằng việc xả rác bừa bãi là do thói quen, xuất phát từ tình trạng thiếu hoặc kém ý thức. Tôi không nghĩ vậy. Tôi cho rằng những người xả rác nói chung hoàn toàn có ý thức, chỉ là ý thức của họ có vẻ "có vấn đề".

Chính xác hơn, cốt lõi của thói quen xả rác tùy tiện theo tôi là biểu hiện của sự vị kỷ: biết (nhà) mình mà chẳng biết (nhà) người khác! Thói vị kỷ sẽ giảm khi trình độ văn hóa nói chung của xã hội được nâng cao. 

Tuy vậy, rủi ro ở chỗ trình độ học vấn không "tỉ lệ thuận" trình độ văn hóa. Người có trình độ học vấn cao chưa hẳn có trình độ văn hóa cao và ngược lại. Người có văn hóa thường biết hạ nhiệt cái tôi vị kỷ của mình, biết đặt quyền lợi hay lợi ích của mình vào lợi ích chung của số đông. 

Ở nhiều quốc gia, người dân không xả rác bừa bãi, bất kể trình độ học vấn. Suy cho cùng do họ nuôi dưỡng được thói quen đặt lợi ích cá nhân vào lợi ích số đông và thượng tôn pháp luật. Hay nói cách khác trình độ văn hóa của họ ở mức tốt.

Để hạn chế xả rác bừa bãi, kêu gọi ý thức từ cộng đồng là quan trọng, song quan trọng hơn theo tôi vẫn nên là giải pháp chế tài. Một chế tài đủ mạnh và nghiêm sẽ hiệu quả hơn sự kêu gọi suông. 

Chế tài mạnh khiến người ta sẽ kiêng dè trước những thói quen vị kỷ, từ đó hình thành thói quen tốt là biết nghĩ đến môi trường chung, đến cộng đồng. Thực thi chế tài tình trạng xả rác bừa bãi theo tôi nên là lực lượng chuyên trách, trực thuộc chính quyền các cấp nhưng trước mắt có thể là lực lượng thực thi công tác quản lý trật tự đô thị nói chung.


Nói không với xả rác: Ngán ngẩm rác nhà ta từ nhà... hàng xóm - Ảnh 5.
KTS LÊ CÔNG SĨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên