"Rõ ràng là AI sẽ có tác động đến mọi lĩnh vực trong cuộc sống của chúng ta", Hãng tin AFP dẫn lời ông Guterres nói ngày 18-7 tại cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về chủ đề này.
Nhà lãnh đạo Liên Hiệp Quốc cho rằng AI có những tiềm tăng tốt lẫn xấu. Theo đó, nó có thể được ứng dụng để giúp xóa đói giảm nghèo, chữa ung thư, chống biến đổi khí hậu... Nhưng ngược lại, nó cũng có thể gây ra "những hậu quả rất nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh toàn cầu".
Đối với các xung đột trên toàn cầu, AI có thể được dùng để xác định diễn tiến của bạo lực hoặc giám sát lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, nếu nó bị sử dụng cho mục đích xấu hoặc khủng bố có thể gây ra "chết chóc và hủy diệt ở mức độ khủng khiếp", đặc biệt là đối với vũ khí hạt nhân hoặc sinh học.
Ngoại trưởng Anh James Cleverly, quốc gia hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an, cũng nhận định AI "có thể tăng cường hoặc phá vỡ sự ổn định chiến lược toàn cầu".
"Nó thách thức các giả định cơ bản của chúng ta về phòng thủ và răn đe. Nó đặt ra những câu hỏi đạo đức về trách nhiệm giải trình đối với các quyết định gây chết người trên chiến trường", ông Cleverly cho biết. Anh dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh về AI vào cuối năm nay.
"Chúng ta cần khẩn trương định hình việc quản lý toàn cầu đối với các công nghệ này vì AI không có biên giới", ông Cleverly nói thêm.
Ông Guterres kêu gọi các quốc gia thành viên đưa ra một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý để "cấm các hệ thống vũ khí tự hành gây chết người" vào cuối năm 2026. Ngoài ra, ông cho rằng cần thành lập một nhóm làm việc thảo luận về việc để quản lý AI trên toàn cầu.
Theo đó, nhà lãnh đạo Liên Hiệp Quốc đề xuất thành lập một cơ quan mới trong Liên Hiệp Quốc để hỗ trợ quản lý việc sử dụng AI, theo mô hình của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế hoặc Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận