Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (trái) và Tổng thống Joko Widodo bắt tay sau khi kết thúc cuộc gặp gỡ báo chí - Ảnh: QUỲNH TRUNG
Trong lễ đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Cung điện Bogor vào sáng 22-12, các em thiếu niên Indonesia trong trang phục truyền thống vẫy quốc kỳ hai nước và đồng thanh hô vang nhiều lần: "Welcome Vietnam - Indonesia" (Chào mừng Việt Nam - Indonesia).
20 em nhỏ, là học sinh trung học ở các ngôi trường gần dinh tổng thống, đã rất háo hức khi được tới Cung điện Bogor dự lễ đón một nguyên thủ Việt Nam sang thăm sau 9 năm, củng cố quan hệ hai nước trước thềm kỷ niệm 10 năm đối tác chiến lược (2013 - 2023).
Đối tác quan trọng của nhau
Indonesia và Việt Nam không chỉ là quốc gia láng giềng trong ASEAN mà còn có nhiều tương đồng về văn hóa, lịch sử. Cả hai từng là thuộc địa và cùng giành độc lập vào năm 1945.
Hai nước thiết lập mối bang giao từ rất sớm vào tháng 12-1955 và tình hữu nghị này được thúc đẩy không ngừng trong 67 năm qua thông qua các chuyến thăm của lãnh đạo hai nước.
Tại Cung điện Bogor vào sáng 22-12, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đích thân ra tận cửa xe đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, trao cái ôm nồng ấm trước khi chủ trì lễ đón nhà lãnh đạo Việt Nam với nghi thức trang trọng nhất trong âm thanh hùng tráng của 21 tiếng đại bác.
Sự tiếp đón của nước chủ nhà Indonesia khiến Chủ tịch nước và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam cảm thấy ấm áp.
Cho nên ngay trong những câu phát biểu đầu tiên với báo giới sau cuộc hội đàm, Chủ tịch nước đã chia sẻ: "Một lần nữa, thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, cảm ơn Tổng thống và người dân Indonesia vì sự đón tiếp nồng hậu, ấm tình, thân thiết".
Chủ tịch nước cho biết hai quốc gia đã vượt qua nhiều thách thức để trở thành đối tác quan trọng của nhau ngày nay và hy vọng dịp kỷ niệm 10 năm đối tác chiến lược vào năm 2023 sẽ mở ra trang mới trong hợp tác giữa hai bên.
"Tin cậy chính trị không ngừng được củng cố. Hợp tác kinh tế ngày càng phát triển mạnh mẽ. Hợp tác quốc phòng - an ninh, hợp tác biển đi vào chiều sâu. Hợp tác năng lượng, du lịch, văn hóa, giao thông vận tải, giáo dục và giao lưu nhân dân đang mở rộng, phát triển tốt đẹp" - nhà lãnh đạo Việt Nam đúc kết về những thành tựu hợp tác trong thời gian qua.
Nhu cầu hợp tác lớn
Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Joko Widodo khẳng định Việt Nam là đối tác có tầm quan trọng chiến lược của Indonesia ở khu vực. Ông cho biết thương mại song phương đã tăng trung bình 9,77%/năm trong 5 năm qua, riêng năm 2021 đạt con số ấn tượng là 11,6 tỉ USD.
Kim ngạch thương mại hai chiều 11 tháng đầu năm 2022 đạt 13 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay. Hai bên cũng đã cam kết đạt mục tiêu thương mại song phương 15 tỉ USD vào năm 2028.
Chia sẻ thêm về lĩnh vực này, Chủ tịch nước cho biết hai bên sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước đa dạng hóa các lĩnh vực đầu tư và phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, kinh tế xanh, năng lượng tái tạo, du lịch, dịch vụ và tăng cường các chuyến bay.
Tổng thống Widodo cũng thông tin hai nước sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo mà ông gọi là "những lĩnh vực quan trọng".
Hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký kết và trao đổi một số văn kiện hợp tác gồm bản ghi nhớ về hợp tác phòng chống khủng bố; bản ghi nhớ về hợp tác phòng chống mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, chất hướng thần và tiền chất; bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng và tài nguyên khoáng sản.
"Tôi hoan nghênh thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản. Điều này sẽ giúp thúc đẩy phát triển điện mặt trời, công nghệ hydro và mạng lưới điện thông minh" - Tổng thống Widodo nhấn mạnh.
Một lĩnh vực hợp tác quan trọng nữa mà hai bên chú trọng chính là tăng cường sự kết nối giữa hai nước nhằm duy trì dòng chảy thương mại và đưa lượng du khách trở về mức trước dịch. "Các hãng hàng không của hai nước dự kiến sẽ hoàn tất kế hoạch để mở các đường bay mới, từ Jakarta đến TP.HCM và ngược lại", ông Widodo cho biết.
Hoàn tất đàm phán phân định EEZ sau 12 năm
Tại cuộc trao đổi với báo giới nói trên, hai nhà lãnh đạo cùng thông báo Việt Nam và Indonesia đã hoàn tất đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) chồng lấn giữa hai nước ở các vùng biển xung quanh quần đảo Natuna ở Biển Đông.
Theo đó, hai bên đã kết thúc đàm phán phân định EEZ sau 12 năm nỗ lực với hàng chục vòng đàm phán, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Dù chưa ký thỏa thuận chính thức nhưng việc hoàn tất đàm phán về vấn đề phức tạp này sau hơn một thập niên là bước tiến lớn và là điểm nhấn quan trọng trong chuyến thăm Indonesia của Chủ tịch nước.
Bên cạnh đó, Biển Đông là một trong những chủ đề được lãnh đạo hai nước quan tâm thảo luận. Theo Chủ tịch nước, hai bên nhất trí phối hợp thúc đẩy một ASEAN đoàn kết, tự cường và phát huy vai trò trung tâm, duy trì lập trường chung của ASEAN về Biển Đông; đảm bảo hòa bình, an toàn, an ninh, tự do hàng hải và hàng không trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Thắt chặt hơn nữa quan hệ chiến lược Việt Nam - Indonesia
Chuyến thăm Indonesia của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là một dấu mốc mới trong mối quan hệ lâu đời có một không hai giữa hai nước. Một trong những khúc mắc là sự chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế cũng đã được giải quyết.
Hai nước đang tìm kiếm những cách tiếp cận và cách thức mới để làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác và quan hệ đối tác chiến lược nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế trong khu vực.
Hai nước không chỉ là những người bạn lâu năm rất tốt, láng giềng trên biển mà còn là đối tác chiến lược. Việt Nam là người bạn tin cậy của Indonesia.
Việt Nam chủ yếu nhập khẩu phân bón, xăng dầu, vật liệu đóng gói, máy móc, vải, giấy và bánh kẹo từ Indonesia, trong khi xuất khẩu gạo, dầu thô, xi măng, linh kiện điện tử và nông sản sang quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới này.
Hai nhà lãnh đạo đã cùng thẳng thắn nêu một số vấn đề trong thương mại. Chẳng hạn Tổng thống Widodo cho biết một số hàng nông sản của Indonesia đang gặp khó khăn khi vào Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, nhà lãnh đạo Việt Nam nêu ra một số khó khăn để hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường Indonesia rộng lớn. Nhìn về tương lai, cả hai đều đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào nhau. Các nhà đầu tư Indonesia đã đầu tư 600 triệu USD vào Việt Nam.
Trong tuyên bố ngày 22-12, Tổng thống Widodo xác nhận các cuộc đàm phán về ranh giới vùng đặc quyền kinh tế đã hoàn tất và gợi ý hai nước nên chuẩn bị một hiệp định hàng hải để ký kết sớm. Đó là một thông tin quan trọng đáng chú ý.
Cả Indonesia và Việt Nam đều là những nước chủ chốt trong khu vực ASEAN và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cả hai đều có nhận thức tương đồng về việc đạt được mục tiêu chung của cộng đồng ASEAN và duy trì hòa bình, an ninh trong khu vực.
Năm ngoái, hai nước nhất trí duy trì lập trường chung của ASEAN về vấn đề Biển Đông, thực hiện hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm kết thúc đàm phán với Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông hiệu lực và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Indonesia là một cơ hội quan trọng để tạo ra một diện mạo mới cho mối quan hệ lâu đời giữa hai nước.
Năm tới, khi cả Việt Nam và Indonesia kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đó sẽ là cơ hội để cả hai nước nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược này lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận