Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) bắt tay với Thủ tướng Pakistan Imran Khan trong một cuộc gặp song phương bên lề cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ ngày 23-9 - Ảnh: REUTERS
"Tôi cho rằng tôi sẽ nhận được một giải Nobel vì nhiều thứ (đã làm được) nếu họ trao giải công bằng. Nhưng họ không cho thấy điều đó" - báo Washington Post dẫn lời của Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu ngày 23-9.
Bình luận này được ông Trump đưa ra trong một cuộc gặp song phương với Thủ tướng Imran Khan của Pakistan ở New York, sau khi nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố ông "sẵn sàng và có thể" làm trung gian hòa giải cho Ấn Độ - Pakistan về vấn đề tranh chấp kéo dài nhiều thập niên ở vùng Kashmir.
Thời điểm đó, một nhà báo Pakistan nói với Tổng thống Trump rằng: "Nếu ngài có thể giải quyết vấn đề Kashmir đáng chú ý này, rất có thể và nhất định ngài sẽ xứng đáng nhận giải Nobel".
Căng thẳng ở vùng Kashmir đã gia tăng từ khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tước quyền tự trị của vùng tranh chấp này vào tháng trước và đưa thêm quân tới đây, sau các vụ tấn công của những thành phần ly khai mà theo New Delhi là do Pakistan bảo trợ.
"Tôi có quan hệ rất tốt với cả Thủ tướng Modi và Thủ tướng Khan. Và bất cứ khi nào nếu họ đối thoại, tôi nghĩ mình sẽ là một trọng tài khá tốt, có thể gỡ rối một số điểm" - Tổng thống Trump chia sẻ.
Phát biểu trước báo giới, ông Trump còn ám chỉ tới giải Nobel hòa bình 2009 của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama. Theo Ủy ban Nobel Na Uy, ông Obama thời điểm đó được trao giải này là để công nhận những đóng góp của ông trong vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân và việc tạo ra một "khí hậu mới" trong quan hệ quốc tế.
"Họ đã trao một giải như thế cho ông Obama ngay sau khi ông ấy lên làm tổng thống và ông ấy không hề biết tại sao mình lại được nhận nó. Đó cũng là thứ duy nhất tôi đồng tình với ông ấy" - ông Trump nói với các phóng viên bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York.
Trước đây, Tổng thống Trump từng đề nghị rằng ông nên được xem xét trao một giải Nobel vì những đóng góp của mình trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận