16/08/2018 14:46 GMT+7

Tôi là 'Học trò giỏi hiếu thảo'

ĐẠI LÂM (Đắk lắk)
ĐẠI LÂM (Đắk lắk)

TTO - Hơn 20 năm trước, có một cô học sinh nhỏ bé nhà nghèo được nhận học bổng "Học trò giỏi hiếu thảo" của báo Tuổi Trẻ (nay được tiếp nối là chương trình "Tiếp sức đến trường"). Khoảnh khắc đó đã giúp cô sống đẹp, vươn lên...

Tôi là Học trò giỏi hiếu thảo - Ảnh 1.

Những năm 1990, gia đình tôi rất khó khăn: bố bị ung thư bao tử mất sớm khi đứa út mới 5 tuổi, một mình mẹ còng lưng nuôi 3 chị em tôi.

Ngày hạnh phúc nhất đời

Mẹ hết làm rẫy của nhà lại đi làm thuê cho người ta. Khi có ít vốn, mẹ tôi mở quán bán bún riêu và thỉnh thoảng vá xe đạp cho mấy nhóc học sinh trong thôn. Mấy chị em tôi cũng giúp mẹ làm việc nhà, làm rẫy hái cà phê. 

Ngoài giờ học, chị em tôi thường bằm thịt, giã tôm cua cho mẹ nấu bún riêu. Nhiều bữa bún ế, cả nhà ăn bún thay cơm. Ăn nhiều tới mức đến tận bây giờ tôi cũng hiếm khi dám ăn bún riêu, chỉ ngửi mùi cũng thấy… no rồi!

Ngày đó tôi còm nhom, bé xíu, lại hay đau bệnh. Có lần mẹ phải đạp xe chở tôi đi học mấy tuần liền vì yếu quá không tự đi được. 

Dù vậy, tôi học rất giỏi nên được nhiều thầy cô thương. Năm tôi học lớp 10, tôi được nhà trường chọn để giới thiệu xét học bổng "Học trò giỏi hiếu thảo" của báo Tuổi Trẻ bởi đủ cả các tiêu chí nghèo, học giỏi, hiếu thảo.

Ngày tôi được đi nhận học bổng "Học trò giỏi hiếu thảo" là ngày hạnh phúc nhất của tôi lúc bấy giờ. 

Lần đầu tiên tôi và các bạn học sinh của các tỉnh Tây Nguyên có hoàn cảnh khó khăn được ở khách sạn. Lại còn được ban tổ chức cho đi thăm Bảo tàng Cách mạng, đi nghe cồng chiêng tại nhà rông của buôn, giao lưu với sinh viên Đại học Tây Nguyên. 

Cảm xúc của một cô bé 16 tuổi lần đầu tiên trong đời được đặt chân vào một ngôi trường đại học rộng lớn không gì có thể diễn tả được. 

Tôi bị choáng ngợp trước ngôi trường mang vẻ đẹp của những ngôi nhà sàn của các dân tộc Tây Nguyên, với hai hàng hoa sứ thơm ngát và thầm ao ước sau này mình sẽ được học ở đây.

Sáng hôm đó, khi đến lượt được gọi tên lên sân khấu nhận học bổng, tim tôi đập thình thịch. Cảm giác hồi hộp xen lẫn hạnh phúc tự hào làm tôi bối rối. 

Tôi như bước đi trên mây, dù xung quanh mình có rất nhiều người bạn mới quen. Tôi nhớ người trao tận tay học bổng cho mình là anh Võ Quốc Thắng - tổng giám đốc Công ty gạch Đồng Tâm. 

Sau buổi lễ, chúng tôi được dự một bữa cơm thân mật với anh và được nghe anh dặn dò, động viên thân tình.

Phần học bổng đó là món quà vô giá giúp tôi vượt qua những khó khăn của gia đình để tiếp tục vươn lên. Cũng chính vì phần học bổng đó mà tôi luôn bắt mình phải cố gắng, nỗ lực hơn để không thấy xấu hổ với phần thưởng mà mình đã được nhận

ĐẠI LÂM

Giúp tôi sống đẹp, có trách nhiệm

Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được nhận học bổng 1 triệu đồng - số tiền rất lớn đối với gia đình tôi. 

Phần học bổng đó là món quà vô giá, giúp tôi vượt qua những khó khăn của gia đình để tiếp tục vươn lên. 

Cũng chính vì phần học bổng đó mà tôi luôn bắt mình phải cố gắng, nỗ lực hơn để không thấy xấu hổ với phần thưởng mà mình đã được nhận. 

Mỗi khi kết quả học tập bị sa sút là tôi lại thấy có lỗi, dù không ai nhắc nhở gì. Cũng nhờ có chuyến đi nhận học bổng được đến Đại học Tây Nguyên năm ấy mà tôi đã trở thành sinh viên của trường và gắn bó với trường tới bây giờ.

Nhiều năm trôi qua, tôi đã tự làm ra tiền đưa cho mẹ nhưng cảm xúc hạnh phúc, tự hào khi lần đầu tiên được cầm 1 triệu đồng học bổng đặt vào tay mẹ vẫn không thể nào quên được. 

Khoảnh khắc ấy tôi bỗng thấy mình đã là đứa con hiếu thảo, chứ không phải là gánh nặng của mẹ. 16 tuổi làm được như thế chắc mẹ tôi phải hãnh diện vì tôi lắm!

Học bổng của báo Tuổi Trẻ là một kỷ niệm đẹp trong đời học sinh của tôi để bây giờ khi đã trở thành một giảng viên, tôi luôn tìm cơ hội để những sinh viên nghèo của mình được nhận dù là những học bổng ít tiền, chỉ vài trăm ngàn đồng. 

Khi làm bí thư Đoàn khoa, tôi luôn có sẵn hồ sơ của vài sinh viên khó khăn trong cặp để khi có một suất học bổng nào đó đang thiếu chỉ tiêu là tôi nộp luôn.

Đôi lúc chỉ cần biết thông tin về một học bổng nào đó chuẩn bị xét mà sinh viên của tôi đáp ứng được yêu cầu là tôi gọi điện thoại xin trước một vài suất, tới mức có người ngạc nhiên vì sao tôi lại có sẵn hồ sơ xét học bổng đến vậy trong khi mọi người còn chưa biết thông tin. 

Có những học bổng chỉ 500.000 đồng nên ít sinh viên hào hứng (vì một năm một sinh viên chỉ được nhận một học bổng), nhưng tôi luôn động viên các em: đừng chê tiền ít vì góp gió sẽ thành bão. Phải trải qua những ngày tháng khó khăn mới hiểu được từng đồng quý tới mức nào…

Tôi đã sống rất nỗ lực và có trách nhiệm. Sự nỗ lực và trách nhiệm chắc chắn có phần tác động rất lớn từ một học bổng "Học trò giỏi hiếu thảo" ý nghĩa của báo Tuổi Trẻ, mà tiếp nối sau này là chương trình "Tiếp sức đến trường" diễn ra hằng năm vào tháng 8, như những ngày này.

Cùng Tuổi Trẻ "Tiếp sức đến trường"

Bài viết dự thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi" số này trùng với thời điểm báo Tuổi Trẻ đang phát động chương trình "Tiếp sức đến trường" - chương trình trao học bổng cho các tân sinh viên gặp khó khăn với thông điệp "Tân sinh viên khó khăn, hãy gọi Tuổi Trẻ".

Thêm một suất học bổng - thêm một cơ hội bước đến giảng đường và một tương lai rộng mở cho các bạn trẻ.

Với mục tiêu không để bất kỳ tân sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn, Tuổi Trẻ mong muốn bạn đọc đồng hành với chương trình bằng cách đóng góp kinh phí học bổng "Tiếp sức đến trường" hoặc email, viết thư, gọi điện thoại đến báo để giới thiệu những hoàn cảnh cần giúp đỡ.

Mọi đóng góp vui lòng gửi về phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc các văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ. Chuyển khoản đến tài khoản báo Tuổi Trẻ, số 113000006100, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM, vui lòng ghi rõ nội dung: "Ủng hộ học bổng Tiếp sức đến trường".

congtacxahoi@tuoitre.com.vn

0283.997.38.38 và 0918.033.133

Trân trọng cảm ơn!

Từ ngày 10 đến 15-8, cuộc thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi" đã nhận được bài dự thi của các tác giả: Mai Hà Trà Dung (TP.HCM); Nguyễn Thanh Dũng (Đồng Nai), Phan Văn Lộc (Nha Trang); Nguyễn Thị Tuyết Hằng (Cần Thơ); Nguyễn Trọng Tấn (Tiền Giang); Nguyễn Ngọc Hùng (Thừa Thiên - Huế), Le Duc Dong; Nguyễn Vũ Minh Thư; Vũ Anh Tuấn...

Tuổi Trẻ tiếp tục chào đón bài dự thi của bạn đọc. Bài dự thi vui lòng gởi về báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư ghi "Bài dự thi Khoảnh khắc thay đổi đời tôi) hoặc email khoanhkhaccuocdoi@tuoitre.com.vn. Trân trọng.

hd bank

Đồng hành cùng cuộc thi này

ĐẠI LÂM (Đắk lắk)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên