Nhiều ngày qua, người dân Đà Lạt lẫn du khách thể hiện sự bức xúc về dự án khách sạn, nhà hàng bên sân golf Đồi Cù Đà Lạt.
Chiếm hữu tầm nhìn vàng của Đà Lạt
Đứng từ hồ Xuân Hương, đặc biệt là vị trí quảng trường Lâm Viên (quảng trường trung tâm của Đà Lạt), tòa nhà bên trong sân golf Đồi Cù che gần như toàn bộ hai đỉnh núi thiêng Langbiang. Dù đứng ở góc nào, người dân đều không thể thấy được 1/2 núi Langbiang như trước khi có tòa nhà này.
Đáng nói, biểu tượng ngôi sao của Trường đại học Đà Lạt cũng bị chắn hoàn toàn. Xuất hiện từ năm 1957 khi thành lập Viện đại học Đà Lạt (tiền thân Trường đại học Đà Lạt) và biểu tượng này đã ăn sâu vào tâm thức người Đà Lạt.
Trong quá khứ, người dân Đà Lạt có thể định hướng giữa sương mù mờ mịt nhờ các điểm cao đã thành biểu tượng: tháp chuông Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt nằm ở hướng đông; biểu tượng con gà trên nóc Nhà thờ Chánh Tòa (Nhà thờ Con Gà) nằm ở hướng nam; ngôi sao đỏ của Trường đại học Đà Lạt nằm ở hướng bắc.
Chính vì thế, việc tòa nhà bên trong sân golf Đồi Cù đang xây che chắn gần như toàn bộ tầm nhìn về núi thiêng Langbiang, che toàn bộ biểu tượng ngôi sao Trường đại học Đà Lạt khiến người dân bức xúc.
Công trình đang xây là tòa nhà câu lạc bộ golf do Công ty Hoàng Gia Đà Lạt làm chủ đầu tư có diện tích xây dựng 6.120m2, nằm ở khu vực lỗ golf số 8. Khối tòa nhà câu lạc bộ golf được xây dựng với nhiều công năng, trong đó có nhà hàng và lưu trú với tổng chiều cao 12m.
Tác động thô bạo, dân bức xúc
"Từ khi khoanh vùng Đồi Cù rồi giao cho doanh nghiệp kinh doanh 30 năm trước, chúng ta mất đi một không gian công cộng đã gắn với nhiều thế hệ người Đà Lạt từ khi vùng đất này hình thành. Giờ người dân không chỉ mất mặt đất Đồi Cù mà mất luôn không gian bên trên, mất luôn hướng nhìn thoáng đãng" - ông Đặng Trần Huỳnh Đức (người Đà Lạt) bức xúc.
Còn ông Trần Huỳnh Lâm (một kiến trúc sư tại TP.HCM đi du lịch tại Đà Lạt) nói: "Chủ đầu tư thay vì nương theo chiều cao cây thông để tạo nên sự hài hòa thì lại tìm một khoảng trống để mặt tiền công trình chiếm hữu góc nhìn về hồ Xuân Hương. Như vậy, công trình này đã chiếm luôn hai ưu thế đắc địa trong xây dựng: nằm trên đất vàng, chiếm hữu luôn tầm nhìn vàng".
Trong khi đó, kiến trúc sư Trần Công Hòa - Hội Kiến trúc sư tỉnh Lâm Đồng - phân tích: "Sân golf Đồi Cù là điểm nhấn quan trọng của quy hoạch Đà Lạt nằm trong khu vực "bất kiến tạo". Không gian này được ghi nhận qua các đồ án quy hoạch Đà Lạt.
Các đồ án tiếp sau đều tôn trọng không gian này trong suốt lịch sử phát triển của Đà Lạt. Việc tác động thô bạo từ mặt đất đến tầm cao đang làm gãy tầm nhìn quy hoạch đã được kế thừa qua nhiều giai đoạn phát triển và đã được chứng minh tính đúng đắn". Theo kiến trúc sư Trần Công Hòa, trục quy hoạch, cảnh quan bị gãy bởi sự xuất hiện một cách khiên cưỡng của công trình.
Đối với người dân Đà Lạt từ trước đến nay, việc hình thành một công trình dù khối tích lớn nhỏ khác nhau nhưng chiều cao được xác định rất đơn giản: không vượt quá ngọn thông. Sự hiểu này được cụ thể thông qua các quy định xây dựng tại địa phương.
Do đó, các chung cư tại Đà Lạt đều không vượt quá năm tầng. Một số công trình có chiều cao quá năm tầng như Trung tâm thương mại Dalat Center (chợ Đà Lạt khu C), dự án khách sạn Đồi Dinh... đều gây ra những tranh cãi quyết liệt.
Hoàng Gia Đà Lạt không chỉ muốn có một khách sạn trong Đồi Cù
Ngoài tòa nhà bên trong sân golf Đồi Cù đang xây dựng, trước đó tháng 2-2023, Công ty Hoàng Gia Đà Lạt từng có văn bản đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận chủ trương thực hiện dự án khu vui chơi giải trí nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại, hầm đỗ xe với quy mô bảy tầng.
Đề xuất này đã được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận về mặt chủ trương, giao cho các sở ngành nghiên cứu. Tuy nhiên khi dư luận lên tiếng phản ứng, tháng 4-2023 UBND tỉnh Lâm Đồng đã chính thức bãi bỏ. Công ty Hoàng Gia Đà Lạt hiện đang sở hữu nhiều công trình điểm nhấn có giá trị cao của Đà Lạt: sân golf Đồi Cù, khách sạn Dalat Palace, khách sạn Du Parc.
Tỉnh Lâm Đồng có cân nhắc kỹ?
Ông Lê Quang Trung, giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, cho biết các đặc tính về chiều cao, thiết kế, UBND tỉnh Lâm Đồng đã cân nhắc nhiều năm, lấy ý kiến nhiều sở ngành trước khi chấp thuận cho chủ đầu tư tiến hành xây dựng. Chiều cao tòa nhà dựa theo quy hoạch chung TP Đà Lạt đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Theo ông Trung, đặt góc nhìn từ hồ Xuân Hương về núi Langbiang là chưa đúng với góc nhìn quy hoạch. Ông nói: "Loa nhìn (góc nhìn, hệ quy chiếu - PV) quy hoạch được xác định từ đầu đèo Prenn về hướng núi Langbiang".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận