Vẫn còn cơ hội cho ngoại giao ở Niger
Ngày 8-8, Tổng thống Nigeria Bola Tinubu đã áp thêm các biện pháp trừng phạt tài chính đối với các cá nhân, tổ chức liên quan đến cuộc đảo chính ở Niger sau khi các nỗ lực ngoại giao mới nhất thất bại.
Động thái được đưa ra sau khi chính quyền quân sự ở Niger không cho phép phái đoàn chung từ các quốc gia Tây Phi, Liên minh châu Phi (AU) và Liên Hiệp Quốc nhập cảnh và bác bỏ áp lực từ Mỹ và Liên Hiệp Quốc để ngồi vào bàn đàm phán.
Các lãnh đạo nhóm Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) dự kiến họp vào ngày 10-8 để thảo luận về bước tiếp theo đối với Niger sau khi chính quyền quân sự phớt lờ hạn chót ngày 6-8 để khôi phục lại chính quyền Tổng thống Mohamed Bazoum. Theo Hãng tin Reuters, ECOWAS sẽ xem xét kế hoạch hành động quân sự đã nhất trí trước đó.
Tuy nhiên Nigeria, thủ lĩnh của nhóm ECOWAS, vẫn ưu tiên giải pháp ngoại giao để giải quyết khủng khoảng.
"Không có lựa chọn nào bị loại trừ", người phát ngôn của ông Tinubu nhấn mạnh, cho biết cuộc họp của ECOWAS sẽ đưa ra "các quyết định sâu rộng".
* Mỹ cảnh báo Wagner lợi dụng tình hình tại Niger. Trong phỏng vấn trên Đài BBC ngày 8-8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nghi ngờ tập đoàn lính đánh thuê Wagner dính líu đến vụ đảo chính ở Niger vào cuối tháng trước.
"Tôi nghĩ những gì đã xảy ra và những gì tiếp tục xảy ra ở Niger không phải do Nga hay Wagner xúi giục. Nhưng nếu họ tìm cách lợi dụng nó, và chúng ta thấy điều đã nhiều lần thấy xảy ra ở các quốc gia khác, nơi họ không mang lại gì ngoài những điều tồi tệ, điều đó sẽ không tốt.
Mọi nơi mà tập đoàn Wagner này đến đều kéo theo cái chết, sự hủy diệt và bóc lột", ông Blinken đưa ra nhận định thẳng thắn.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington vẫn hy vọng đảo ngược cuộc đảo chính tại Niger nhưng cũng rất "thực tế".
"Chúng tôi đã nói rõ, bao gồm trong các cuộc đối thoại với lãnh đạo quân sự (Niger), về những hậu quả nếu không khôi phục trật tự hiến pháp", Hãng tin AFP dẫn lời người phát ngôn Mỹ Matthew Miller.
Phía Mỹ cho biết đã dừng các hỗ trợ giáo dục, đào tạo, chiến dịch gìn giữ hòa bình và các chương trình chống khủng bố của Niger.
Phương Tây lo Ukraine phản công không thành
Bốn tuần sau khi Ukraine tiến hành phản công, phương Tây đang đánh giá "nghiêm túc" về khả năng thành công của Kiev, Đài CNN dẫn lời các quan chức cấp cao của Mỹ và phương Tây cho biết.
"Họ vẫn sẽ chờ xem, trong vài tuần tới, liệu (Ukraine) có cơ hội đạt được một số tiến triển hay không. Nhưng để họ thực sự có thể thay đổi cán cân của cuộc xung đột này, tôi nghĩ điều đó cực kỳ khó xảy ra", một nhà ngoại giao cấp cao của phương Tây nói với CNN.
"Các cuộc họp của chúng tôi rất nghiêm túc. Chúng tôi luôn tỉnh táo về những thách thức mà họ phải đối mặt. Đây là thời điểm khó khăn nhất của cuộc chiến", hạ nghị sĩ Mỹ Mike Quigley nói sau khi vừa trở về từ các cuộc họp ở châu Âu với các chỉ huy Mỹ đang huấn luyện lực lượng thiết giáp Ukraine.
Trên thực địa, Ukraine tiếp tục hứng chịu các đợt tấn công quyết liệt của Nga. Trong đêm rạng sáng ngày 8-8, giờ địa phương, phía Ukraine tố Nga hai lần dùng tên lửa tấn công Pokrovsk trong đêm, phá hủy một khách sạn nổi tiếng và nhiều căn hộ, làm chết ít nhất 7 người và nhiều người khác bị thương.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng thừa nhận phản công gặp khó khăn và đang "chậm hơn" so với kỳ vọng.
* Berlin duy trì triển khai hệ thống phòng không Patriot tại Ba Lan đến hết năm 2023. Ngày 8-8, Bộ Quốc phòng Đức cho biết chưa chắc sẽ tiếp tục giữ 3 hệ thống Patriot tại Ba Lan đến năm 2024 vì NATO cũng cần các hệ thống này cho lực lượng phản ứng nhanh.
Các hệ thống Patriot được đưa đến sát biên giới Ukraine sau khi tên lửa của Kiev bay lạc sang biên giới Ba Lan vào cuối năm ngoái.
Mỹ lo ngại module di động của Trung Quốc
Ngày 8-8, chủ tịch ủy ban về cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc tại Hạ viện Mỹ, ông Mike Gallagher, cùng với nghị sĩ Dân chủ Raja Krishnamoorthi đã cảnh báo Ủy ban Truyền thông liên bang (FCC) về nguy cơ các thiết bị y tế, xe cộ và nông nghiệp của Mỹ có thể bị truy cập và điều khiển từ xa nếu sử dụng các module di động của Trung Quốc như Quectel 603236.SS và Fibocom Wireless 300638.SZ.
Module di động là các thành phần cho phép các thiết bị Internet vạn vật (IoT) kết nối với Internet. Các nhà lập pháp Mỹ lo ngại nếu Trung Quốc "có thể kiểm soát module, họ có thể lấy cắp dữ liệu một cách hiệu quả hoặc tắt thiết bị IoT.
"Điều này gây ra mối lo ngại đặc biệt nghiêm trọng đối với cơ sở hạ tầng quan trọng và bất kỳ loại dữ liệu nhạy cảm nào", các nghị sĩ cho biết.
* Mỹ tự tin chia sẻ tình báo với Nhật Bản. Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định tin tưởng vào việc chia sẻ thông tin tình báo với đồng minh Bắc Á, bất chấp một số thông tin cho rằng tin tặc Trung Quốc đã xâm nhập mạng quốc phòng nhạy cảm bậc nhất của Tokyo.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản không xác nhận việc rò rỉ thông tin nhưng khẳng định an ninh mạng là nền tảng của liên minh Mỹ - Nhật.
Trước đó, tờ Washington Post đưa tin tin tặc quân sự của Trung Quốc sau khi xâm nhập mạng quốc phòng của Nhật Bản đã truy cập thông tin về năng lực quân sự, kế hoạch và đánh giá những thiếu sót của lực lượng Mỹ.
Tờ này cho rằng Tokyo đã củng cố độ an toàn mạng nhưng không đủ để ngăn tin tặc Trung Quốc và điều này có thể cản trở việc chia sẻ tình báo với đồng minh Washington.
Sa mạc và những tòa tháp
Nhắc tới Dubai, nhiều người nghĩ ngay tới những tòa nhà cao chọc trời. Nhưng ở góc ảnh này, tay máy Dileep SS Ambu người UAE cho thấy "hai thế giới" vẫn có thể tồn tại hài hòa bên nhau: những tòa tháp hiện đại và sa mạc - không gian sống bình yên của các loài động vật hoang dã. (Guardian)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận