05/07/2023 06:42 GMT+7

Tin tức thế giới 5-7: Nhà máy điện hạt nhân Ukraine đang nóng; Bầu cử thủ tướng Thái chưa xong

Ông Medvedev hé lộ số lính Nga mới tuyển; Nhà máy điện hạt nhân tại Ukraine lại nóng; Nhật Bản sắp xả nước phóng xạ qua xử lý từ Fukushima; Thụy Sĩ muốn nằm dưới 'ô phòng không' châu Âu... là một số tin tức thế giới đáng chú ý ngày 4-7.

Các binh sĩ Ukraine chuẩn bị triển khai một thiết bị bay không người lái ở chiến trường - Ảnh: REUTERS

Các binh sĩ Ukraine chuẩn bị triển khai một thiết bị bay không người lái ở chiến trường - Ảnh: REUTERS

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia lại nóng ngày 4-7 khi cả Nga và Ukraine cáo buộc lẫn nhau chuẩn bị "khiêu khích". Giới chức Nga cùng ngày hé lộ số lính mới tuyển trong năm nay.

* Nga, Ukraine cáo buộc nhau ở nhà máy Zaporizhzhia

Ngày 4-7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron về "những hành động khiêu khích nguy hiểm" của Nga tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Nhà lãnh đạo Ukraine cáo buộc "quân đội chiếm đóng đang chuẩn bị các hành động khiêu khích nguy hiểm tại Zaporizhzhia".

Một tuyên bố của lực lượng vũ trang Ukraine cho biết "các thiết bị nổ" đã được đặt trên nóc lò phản ứng thứ ba và thứ tư của nhà máy hôm 4-7. Một cuộc tấn công có thể xảy ra "trong tương lai gần".

Ở chiều ngược lại, ông Renat Karchaa - cố vấn của người đứng đầu Rosenergoatom, cho biết Ukraine đã lên kế hoạch thả đạn có tẩm chất thải hạt nhân xuống Zaporizhzhia. Rosenergoatom là công ty điều hành mạng lưới hạt nhân của Nga.

Số nhiên liệu phóng xạ này được vận chuyển từ một trong số năm nhà máy điện hạt nhân của Ukraine.

"Trong bóng tối của đêm 5-7, quân đội Ukraine sẽ cố gắng tấn công nhà ga Zaporizhzhia bằng thiết bị chính xác tầm xa và máy bay không người lái tấn công Kamikaze", các hãng thông tấn Nga dẫn lời ông Karchaa nói với truyền hình Nga. 

* Nga hé lộ số lính mới tuyển được

Cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho biết 185.000 tân binh đã gia nhập quân đội Nga với tư cách là lính hợp đồng chuyên nghiệp kể từ đầu năm.

"Theo Bộ Quốc phòng Nga, từ ngày 1-1 đến ngày 4-7, hơn 185.000 người đã được chấp nhận vào hàng ngũ lực lượng vũ trang. Trong đó có khoảng 109.000 người trong lực lượng dự bị, cũng như các công dân khác được gọi nhập ngũ phục vụ theo hợp đồng", ông Medvedev tiết lộ ngày 4-7.

Ông Medvedev, người hiện là phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cũng cho biết gần 10.000 tân binh đã tham gia sau cuộc nổi loạn chóng vánh của tập đoàn Wagner.

Năm ngoái, Nga đã công bố kế hoạch tăng quy mô lực lượng vũ trang của mình hơn 30% lên 1,5 triệu lính chiến đấu. 

Áp phích kêu gọi người dân tham gia với tư cách lính hợp đồng được dán khắp các thành phố của Nga. Các quảng cáo trên truyền hình cũng đưa ra thông điệp tương tự.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu kiểm tra một đơn vị huấn luyện tân binh hồi năm 2022 - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu kiểm tra một đơn vị huấn luyện tân binh hồi năm 2022 - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

* Thụy Sĩ muốn chung "ô phòng không" châu Âu

Ngày 4-7, Chính phủ Thụy Sĩ bày tỏ mong muốn tham gia vào "ô phòng không" Sky Shield. Đây là một kế hoạch phòng không chung do Đức thiết lập vào năm 2022 nhằm tăng cường khả năng phòng không của châu Âu.

Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Sĩ Viola Amherd dự kiến sẽ ký tuyên bố về ý định tham gia Sky Shield trong cuộc gặp với những người đồng cấp từ Áo và Đức ngày 7-7.

Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ xác nhận thông tin khi được Hãng tin Reuters liên hệ. Cho đến nay, khoảng 17 quốc gia châu Âu đã đăng ký Sky Shield bao gồm Đức, Anh, Phần Lan và Thụy Điển.

Sáng kiến này nhằm mục đích cắt giảm chi phí cho các quốc gia bằng cách phối hợp mua sắm các hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không như hệ thống tên lửa Patriot. Nó cũng nhằm mục đích cho phép hợp tác trong đào tạo, bảo trì và hậu cần.

* Nhật Bản chuẩn bị xả nước qua xử lý từ Fukushima

Theo tờ Nikkei Asia ngày 5-7, chính quyền Nhật Bản đang lên kế hoạch xả nước phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào tháng 8 tới.

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trước đó đã phê chuẩn kế hoạch này. Người đứng đầu IAEA, ông Rafael Mariano Grossi xác nhận việc xử lý nước nhiễm phóng xạ tại nhà máy Fukushima "đạt các tiêu chuẩn quốc tế".

IAEA cũng cam kết sẽ tiếp tục giữ sự minh bạch quốc tế trong vấn đề này, dựa trên các bằng chứng khoa học. Cơ quan này cũng sẽ mở một văn phòng tại nhà máy Fukushima để giám sát quá trình xả nước đã qua xử lý ra Thái Bình Dương.

* Thủ tướng Thái Lan có thể phải bầu đi bầu lại

Tân Chủ tịch Hạ viện Thái Lan Wan Muhamad Noor Matha đã cảnh báo như trên không lâu sau khi được bầu ngày 4-7. 

Ông thừa nhận không chắc cuộc bầu chọn thủ tướng Thái Lan có thể lặp lại bao nhiêu lần nếu ứng cử viên thủ tướng của Đảng Tiến bước (MFP) Pita Limjaroenrat không nhận được sự ủng hộ cần thiết.

Ông Wan Noor cũng cảnh báo nếu những nỗ lực lặp đi lặp lại vẫn thất bại, bắt buộc phải đưa ra giải pháp khác vì chủ tịch Hạ viện không thể nhiều lần thúc đẩy cùng một đề cử.

Tân chủ tịch Hạ viện Thái Lan năm nay 79 tuổi, là người của Đảng Prachachat thân quân đội. Liên minh 8 đảng do MFP lãnh đạo hiện đang chiếm 312 trong số 500 thành viên của Hạ viện.

Tuy nhiên, ứng cử viên cần ít nhất 376 phiếu bầu sự để có thể trở thành thủ tướng tiếp theo của Thái Lan vì cuộc bỏ phiếu sẽ có sự tham gia của 250 thượng nghị sĩ.

* Hà Lan, Anh bắt tay phát triển tàu chiến

Ngày 4-7, Bộ Quốc phòng Anh xác nhận sẽ cùng Hà Lan phát triển các chiến hạm chuyên dụng cho lực lượng tấn công đổ bộ của hai nước.

Lớp tàu chiến hỗ trợ đa năng (MRSS) sẽ sở hữu cả năng lực tấn công hải đối đất lẫn chiến đấu trên biển. Tàu cũng được kỳ vọng có khả năng vận chuyển binh sĩ, thiết giáp, xuồng, máy bay và các loại vũ khí cần thiết.

Quốc vụ khanh phụ trách mua sắm quốc phòng của Anh, ông James Cartlidge, nhấn mạnh các tàu MRSS sẽ bảo đảm hải quân Anh có thể hoạt động ở những vùng biển xa một cách hiệu quả.

Xe chờ chủ mới

Ảnh của AP

Ảnh của AP

Bãi đậu xe khổng lồ này chính là nơi bày những chiếc "xế hộp" mới sản xuất của một nhà máy thuộc hãng xe hơi Đức Volkswagen đặt tại vùng đô thị Sao Bernardo do Campo của bang Sao Paulo, Brazil.

Tổ chức của Nga - Trung Quốc sắp kết nạp Iran, cân nhắc thêm BelarusTổ chức của Nga - Trung Quốc sắp kết nạp Iran, cân nhắc thêm Belarus

Belarus được cho sẽ ký vào biên bản mở ra cơ hội làm thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), vốn có sự hiện diện của các nước lớn như Trung Quốc, Nga, và Ấn Độ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên