Theo Hãng thông tấn TASS của Nga, các yêu cầu về tăng tốc sản xuất vũ khí chính xác được Bộ trưởng Shoigu nêu ra trong cuộc họp với các tướng lĩnh Nga ngày 2-5.
Sản xuất vũ khí phải nhanh nhất, nhiều nhất
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga cũng nêu ra một vài số liệu, trong đó có nhu cầu vũ khí của quân đội và yêu cầu cải thiện hơn nữa tốc độ sửa chữa vũ khí.
Tại cuộc họp, ông Shoigu thừa nhận hoạt động của các đơn vị Nga trong "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine phụ thuộc phần lớn vào việc bổ sung kịp thời vũ khí và thiết bị quân sự khác.
Ông cũng xác nhận "các biện pháp cần thiết" đã được thực hiện để tăng tốc độ và số lượng sản xuất vũ khí cho quân đội "trong thời gian ngắn".
Theo ông, Nga đang giáng "những đòn nặng nề" vào Ukraine trên toàn bộ chiến tuyến, rằng Nga đang chiến đấu không chỉ với Ukraine mà còn với "sự hỗ trợ quân sự chưa từng có từ phương Tây".
Bộ trưởng Quốc phòng Nga khẳng định quân đội nước này đã nhận đủ vũ khí cho năm 2023 để "đánh bại kẻ thù" và đã phá hủy nhiều kho vũ khí phương Tây viện trợ cho Ukraine.
Đáng chú ý, ông cũng yêu cầu Tập đoàn Tên lửa chiến thuật (TRTV) tăng gấp đôi các nỗ lực sản xuất vũ khí chính xác cao "trong thời gian ngắn nhất có thể". TRTV chuyên sản xuất hệ thống tên lửa chống hạm, chống radar và một số tên lửa loại khác.
Số lượng vũ khí cơ bản được mua, tính đến thời điểm hiện tại, đã tăng gấp 2,7 lần so với đầu năm 2022 - thời điểm Nga chưa phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt".
Lực lượng đánh thuê vẫn đòi vũ khí
Theo Hãng tin Reuters, tình hình trên thực tế có thể khác với những gì ông Shoigu nêu ra, đặc biệt tại điểm nóng như Bakhmut.
Hôm 1-5 người đứng đầu tập đoàn "đánh thuê" Wagner Yevgeny Prigozhin cáo buộc Bộ Quốc phòng Nga đã không cung cấp đủ đạn dược cho các chiến binh của ông.
Lực lượng Wagner của tỉ phú Prigozhin đã lĩnh vai trò tiên phong trong tấn công ở Bakhmut suốt nhiều tuần qua, song vẫn chưa kiểm soát được toàn bộ thành phố chỉ vọn vẹn 40km2 này.
Giải thích cho điều này, ông chủ Wagner đã đổ lỗi cho việc thiếu đạn dược. Ông nói các tay súng của ông cần 300 tấn đạn pháo mỗi ngày, nhưng chỉ nhận được 1/3 trong số đó.
Theo giới quan sát, các yêu cầu của ông Shoigu ngày 2-5 cho thấy Matxcơva có thể đang chuẩn bị đối phó đợt phản công thứ ba của Ukraine dự kiến bắt đầu trong tháng 5 này.
Chiến sự giằng co và khốc liệt sẽ khiến cả hai bên tiêu hao nhiều vũ khí lẫn binh sĩ. Do đó, nếu bên nào có sự chuẩn bị trước và chịu đựng được lâu hơn, bên đó sẽ có lợi thế nhất.
Trong cuộc họp ngày 2-5, Bộ trưởng Shoigu cho biết nhờ "các biện pháp mới", số vũ khí bị lỗi đã giảm đi một nửa. Tốc độ sửa chữa vũ khí bị hỏng cũng tăng lên trong khi số bị hư đến mức không thể sửa được đã giảm đi đáng kể.
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga cũng tiết lộ nhiều vũ khí thế hệ mới đã được TRTV sản xuất hàng loạt nhưng không nêu cụ thể chủng loại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận