23/12/2022 08:25 GMT+7

Tên lửa Patriot có làm thay đổi cục diện cuộc chiến ở Ukraine?

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

Mỹ đã vượt qua lằn ranh mới khi tặng Ukraine món quà là hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot vốn có thể làm thay đổi cục diện cuộc chiến ở nước này trong thời gian tới, nhưng kèm theo đó cũng nhiều rủi ro không kém.

Tên lửa Patriot có làm thay đổi cục diện cuộc chiến ở Ukraine? - Ảnh 1.

Dữ liệu: TRẦN PHƯƠNG, nguồn: DW, NYT - Đồ họa: TUẤN ANH

Chuyến công du của Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đem lại kết quả tích cực. 

Từ nay Kiev sẽ có thêm hệ thống phòng thủ tên lửa mà quân đội Mỹ mô tả là "tối tân nhất", có thể chặn bất cứ đe dọa nào từ trên không trong mọi điều kiện thời tiết. 

Hệ thống này bao gồm các tên lửa và radar đánh chặn hiện đại được giới quan sát đánh giá sẽ rất hữu ích cho Ukraine.

Chuyến thăm theo phong cách Hollywood tới Washington của người đứng đầu chính quyền Kiev đã khẳng định những tuyên bố mang tính hòa giải của họ (Mỹ) về việc không có ý định đối đầu với Nga chỉ là những lời sáo rỗng.

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nói vào tối 21-12, chỉ trích Washington đang đổ tất cả các nguồn lực, vũ khí và năng lực tình báo khổng lồ của họ vào Kiev với "ý tưởng điên rồ là đánh bại người Nga trên chiến trường".

Không phải "viên đạn bạc"

Tại cuộc gặp người đồng cấp Mỹ Joe Biden vào ngày 21-12, ông Zelensky nói Patriot sẽ củng cố đáng kể hệ thống phòng không của Ukraine. 

Ông Biden khẳng định sẽ không để Kiev đơn độc, nhưng cũng nhấn mạnh Patriot chỉ nhằm phòng thủ chứ không phải leo thang cuộc chiến.

"Không giống các hệ thống khác mà phương Tây cung cấp cho Ukraine, (Patriot) có khả năng chống tên lửa đạn đạo (tùy vào loại tên lửa được sử dụng). 

Nếu Nga mua được số lượng đáng kể tên lửa đạn đạo từ Iran như nhiều người dự đoán thì hầu hết các hệ thống phòng không khác của Ukraine sẽ không thể bảo vệ trước chúng" - ông Karl Mueller, nhà khoa học chính trị cấp cao tại Tổ chức RAND Corporation, giải thích với Hãng tin AFP vì sao Mỹ thay đổi chính sách hỗ trợ cho Ukraine.

Kể từ đầu cuộc chiến, Washington chỉ cấp cho Kiev hai hệ thống phòng không hiện đại là NASAMS và Germany IRIS-T cùng một số thiết bị cũ hơn như S-300, HAWK và tên lửa Stinger. 

Việc có thêm Patriot giúp Ukraine xây dựng được lớp phòng thủ đa tầng với các hệ thống tầm thấp, trung, cao để chống lại các mối đe dọa khác nhau.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu chiến tranh Jack Watling của Viện các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh, việc Mỹ lưỡng lự thời gian qua không chỉ vì lo ngại làm leo thang chiến sự mà còn vì Washington hiện có ít hệ thống để phòng thủ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhu cầu khách hàng ngày càng tăng trong khi việc sản xuất đang hạn chế.

Theo các chuyên gia, Patriot không phải "viên đạn bạc" cho Ukraine, có nghĩa không phải giải pháp dễ dàng và nhanh chóng cho Ukraine. 

"Điều quan trọng cần lưu ý là hệ thống này sẽ không cung cấp sự bảo vệ ngay lập tức và do đó các cuộc tấn công của Nga vào hạ tầng năng lượng của Ukraine có thể sẽ tiếp tục trong thời gian ngắn. Patriot là một hệ thống phức tạp để vừa vận hành vừa bảo trì", tờ Guardian dẫn lời ông Watling.

Tương tự, cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, ông Mark Hertling, nói việc huấn luyện sử dụng Patriot sẽ mất vài tháng trong khi việc đào tạo bảo trì, sửa chữa có thể mất cả năm. "Đây không phải là một hệ thống đuổi theo drone hay tên lửa đạn đạo nhỏ. Nó có làm được không? 

Chắc chắn rồi. Nhưng việc dùng một tên lửa trị giá 3-5 triệu USD để hạ một drone trị giá 20.000 USD hoặc một tên lửa đạn đạo trị giá 100.000 USD của Nga không phải là sự đầu tư có lời. Những gì nó có thể làm là giải phóng các hệ thống tầm thấp và trung bình để loại những mục tiêu đó", ông Hertling giải thích.

Tên lửa Patriot có làm thay đổi cục diện cuộc chiến ở Ukraine? - Ảnh 4.

Hệ thống tên lửa Patriot tại một căn cứ không quân ở Saudi tháng 2-2022 - Ảnh: WSJ

Thực tại khốc liệt

Trước Quốc hội Mỹ, ông Zelensky đã có bài phát biểu xúc động kêu gọi Washington tiếp tục ủng hộ. "Tiền của các bạn không phải từ thiện. 

Đó là khoản đầu tư vào nền dân chủ và an ninh toàn cầu mà chúng tôi nhận một cách có trách nhiệm nhất", ông Zelensky nói. Và để thuyết phục "nhà đầu tư", ông nói năm sau sẽ là "bước ngoặt" trong cuộc chiến với Nga.

Tuy nhiên, lời kêu gọi của ông Zelensky không dễ làm thay đổi suy nghĩ của Đồi Capitol ngay lập tức. 

Tối 21-12, việc thông qua dự luật chi tiêu của Mỹ, trong đó có gần 50 tỉ USD hỗ trợ cho Ukraine, đã bị hoãn sau cuộc tranh luận chính sách nhập cư. 

Bế tắc về chính sách nhập cư là điều quan trọng hơn đối với Thượng viện Mỹ hiện nay để tránh việc chính phủ phải đóng cửa vào cuối tuần này. 

Trước đó, một số nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa cũng đã lên tiếng phản đối việc gửi thêm tiền ra nước ngoài, theo New York Times.

Sau chuyến thăm Washington, ông Zelensky sẽ mang lời hứa sát cánh "đến cùng" của Tổng thống Mỹ trở về với thực tế khốc liệt ở Ukraine là mùa đông lạnh giá và nguy cơ chiến tranh đi vào bế tắc. 

Tờ New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ nhận định trong năm tới tình hình chiến sự sẽ thay đổi nhưng theo hướng khó khăn hơn cho Ukraine khi Nga tập trung phòng thủ, giữ các vùng đã kiểm soát và đưa thêm quân ra tiền tuyến.

Người dân Nga gây quỹ mua áo ấm cho binh sĩ ra chiến trường ở Ukraine Người dân Nga gây quỹ mua áo ấm cho binh sĩ ra chiến trường ở Ukraine

Người dân Nga đang gây quỹ cộng đồng để trang bị cho binh lính được triển khai tới Ukraine, khi mùa đông đang đến gần trên chiến trường. Quân đội phàn nàn rằng họ thiếu trang bị cơ bản và thông tin đã đến tai Tổng thống Vladimir Putin.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên