* Thêm đợt trao đổi con tin Israel lấy tù nhân Palestine trước giờ ngừng bắn hết hạn
* Nga tăng cường độ tấn công với Ukraine trong chiến dịch mùa đông
* Sau Canada, đến lượt Mỹ phản ứng việc chính quyền Ấn Độ âm mưu ám sát người đối lập
Lệnh ngừng bắn ở Gaza kết thúc
* Hamas thả thêm người
Theo Hãng tin Reuters, khoảng 5h sáng 30-11 (giờ Việt Nam), Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế tuyên bố đã tổ chức thành công việc thả tự do và chuyển giao 16 con tin bị phong trào Hồi giáo Hamas bắt cóc cho Israel.
Những người vừa được thả bao gồm 10 công dân Israel, trong đó có năm người mang hai quốc tịch Israel - Mỹ, Hà Lan hoặc Đức. Ngoài ra còn có một số công dân Thái Lan.
Đổi lại, Israel dự kiến sẽ thả 30 tù nhân người Palestine, bao gồm 16 trẻ vị thành niên và 14 phụ nữ trong đêm 29-11 (giờ địa phương).
Các hoạt động trên diễn ra chỉ ít giờ trước khi lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza kết thúc.
* Hamas nêu điều kiện ngừng bắn mới
Theo Hãng tin AFP, Hamas vẫn chưa thấy hài lòng với những điều khoản gia hạn ngừng bắn được Israel đưa ra. Thỏa thuận ngừng bắn hiện tại sẽ hết hạn vào 7h sáng 30-11 (giờ địa phương), tức 12h00 trưa theo giờ Việt Nam.
Nguồn tin thân cận trong Hamas cho biết trọng tâm việc gia hạn là "thêm hai ngày ngừng bắn hoặc hơn nữa". Điều kiện tiên quyết tổ chức đưa ra là Israel rút toàn bộ xe tăng và trang bị quân sự khỏi Dải Gaza.
"Bất kỳ cuộc thảo luận về việc trao đổi tù nhân quân sự, binh lính hay sĩ quan nào đều yêu cầu trước tiên việc Israel ngừng tấn công và gỡ lệnh phong tỏa Gaza", vị này cho biết.
Tuyên bố này được đưa ra ngay sau khi ông Bassem Naim, một quan chức cấp cao của Hamas, khẳng định tổ chức này sẵn sàng thả mọi binh sĩ Israel trong tay tổ chức này nếu Tel Aviv chấp nhận thả mọi tù nhân người Palestine họ đang giam giữ.
Thỏa thuận trao đổi con tin và tù nhân giữa Israel và Hamas hiện không bao gồm việc thả tự do các binh sĩ Israel mà Hamas bắt được.
Hồi năm 2011, Israel và Hamas đã trao đổi 1.000 tù nhân người Palestine lấy sự tự do của một binh sĩ Israel.
Theo Hãng tin AFP, Israel đang giam giữ hơn 7.000 người Palestine, với một lượng lớn trong đó có sức ảnh hưởng lớn hơn nhiều những người đã được thả trong vài ngày qua.
Chiến sự tại Ukraine
* Nga tuyên bố chiếm thêm một làng ở Donetsk
Theo Hãng tin Reuters, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố quân đội nước này vừa chiếm thành công làng Khromove (Artyomovskoe trong tiếng Nga) ở phía tây thành phố Bakhmut.
"Với sự giúp sức từ không quân và pháo binh, lực lượng Nga đã củng cố vị trí dọc theo tiền tuyến và kiểm soát làng Artyomovskoe", bộ này tuyên bố.
* Ukraine nói Nga đang tăng cường tấn công
Người phát ngôn quân đội Ukraine Oleksandr Shtupun khẳng định lượng pháo kích và không kích của Nga trên chiến trường đã tăng gấp đôi trong ít ngày qua.
Theo lời ông Shtupun trên truyền hình quốc gia Ukraine, các làn sóng binh sĩ Nga đã liên tục ào lên, với mỗi đợt lên đến 20 xe bọc thép, nhằm đẩy lùi các phòng tuyến Ukraine.
"Trong nỗ lực phản kháng các đợt tấn công của Nga, lực lượng phòng thủ của Ukraine đã tiêu diệt một lượng lớn phương tiện quân sự bọc thép", vị này tuyên bố.
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng các lực lượng Nga đã cố gắng di chuyển về phía nam vùng Zaporizhzhia, theo hướng hai thị trấn Robotyne (do Ukraine kiểm soát) và Verbove (do Nga kiểm soát). Đây là những nơi được lực lượng Ukraine xem là mục tiêu quan trọng trong cuộc phản công đang diễn ra.
Hiện cả Nga và Ukraine đều chưa đưa ra phản hồi về những tuyên bố trên.
Mỹ tố quan chức Ấn Độ âm mưu ám sát thủ lĩnh đạo Sikh trên đất Mỹ
Bộ Tư pháp Mỹ ngày 29-11 tuyên bố một nhân viên Chính phủ Ấn Độ đã chỉ đạo vụ ám sát hụt một thủ lĩnh đạo Sikh có quốc tịch Mỹ trên chính đất Mỹ.
Các công tố viên liên bang tại quận Manhattan, thành phố New York khẳng định ông Nikhil Gupta - người thực hiện cuộc ám sát trên - đã hợp tác cùng quan chức Ấn Độ đó. Ông Gupta bị cảnh sát Cộng hòa Czech bắt hồi tháng 6 và đang đợi để bị dẫn độ về Mỹ.
Theo quan chức Mỹ, người bị ám sát hụt là ông Gurpatwant Singh Pannun, mang hai quốc tịch Mỹ - Canada. Ông Pannun sinh sống tại thành phố New York, là một tín đồ đạo Sikh có sức ảnh hưởng lớn và mang tư tưởng ủng hộ việc người theo đạo này ở phía bắc Ấn Độ ly khai thành một quốc gia riêng.
Nhân viên Chính phủ Ấn Độ được đề cập kể trên được cơ quan công tố Mỹ mô tả là "quan chức thực địa cấp cao", chịu trách nhiệm "quản trị an ninh" và "tình báo". Người này nằm trong biên chế New Delhi và được giao nhiệm vụ "chỉ đạo âm mưu ám sát từ Ấn Độ".
Trong nhiều tháng qua, Mỹ và Canada cùng cáo buộc Ấn Độ âm mưu ám sát một số nhân vật có sức ảnh hưởng trong cộng đồng tín đồ đạo Sikh ở hai quốc gia này. New Delhi phủ nhận các cáo buộc trên, khiến quan hệ giữa hai bên có phần căng thẳng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận