Chiến sự Ukraine
* Ông Zelensky tố Nga muốn gây "thảm họa toàn cầu" về lương thực. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chỉ trích các vụ tấn công của Nga nhắm vào các cảng biển của Ukraine sẽ gây ra khủng hoảng trên thị trường, giá cả và nguồn cung thực phẩm.
"Matxcơva đang tiến hành cuộc chiến gây một thảm họa toàn cầu. Họ muốn thị trường lương thực thế giới sụp đổ, họ muốn một cuộc khủng hoảng giá cả, sự gián đoạn nguồn cung", Hãng tin Reuters dẫn lời ông Zelensky.
Từ đầu tuần này, Nga đã tăng cường không kích vào các cảng của Ukraine ở Biển Đen sau khi tuyên bố ngừng tham gia thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc với Kiev do Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian.
Kiev cho biết hàng trăm ngàn tấn ngũ cốc đã cháy rụi trong khi giá lương thực toàn cầu leo thang.
Trong khi đó, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell, đã cảnh báo nhóm G20 về việc Nga đang chào mời ngũ cốc giá rẻ để khiến các nước phụ thuộc vào nguồn cung của Matxcơva.
"Khi thế giới đối phó với nguồn cung bị gián đoạn và giá tăng cao, Nga đang tiếp cận các nước dễ bị tổn thương bằng các đề nghị song phương về các lô hàng ngũ cốc với giá chiết khấu, giả vờ giải quyết vấn đề do chính họ tạo ra", Hãng tin Reuters dẫn thư của ông Borrell, trong đó cáo buộc Matxcơva sử dụng lương thực như vũ khí.
* Ukraine hy vọng tổ chức hội nghị thượng đỉnh về chiến sự vào mùa thu. Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine đang thúc đẩy một hội nghị thượng đỉnh với sự tham gia của hầu hết quốc gia trên thế giới nhằm ủng hộ kế hoạch hòa bình của Kiev.
Kế hoạch 10 điểm của Ukraine bao gồm lấy lại toàn bộ lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga và Matxcơva rút quân hoàn toàn, bên cạnh các vấn đề bảo đảm an ninh lương thực, hạt nhân...
* Nga vũ trang dân quân để bảo vệ khu vực biên giới. Các quan chức Nga ở 2 vùng biên giới với Ukraine là Kursk và Belgorod cho biết lực lượng dân quân, được thành lập cuối năm ngoái để hỗ trợ các lực lượng vũ trang, đã được trang bị vũ khí từ ngày 2-8 để đối phó với các cuộc tấn công từ phía bên kia biên giới.
Kursk và Belgorod là những khu vực thường xuyên bị máy bay không người lái và pháo của Ukraine tấn công. "Sắp tới, chúng tôi sẽ tăng số vũ khí lên 300 đơn vị", thống đốc Roman Starovoit của vùng Kursk nói.
Trong khi đó, Điện Kremlin cũng khẳng định việc chuyển vũ khí đến khu vực biên giới là cần thiết và sẽ được giám sát chặt chẽ.
* Tây Phi gửi phái đoàn đến Niger. Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) cử một phái đoàn tới Niger để đàm phán với chính quyền quân sự sau vụ đảo chính lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum.
Ông Abdel-Fatau Musah - ủy viên phụ trách các vấn đề chính trị, hòa bình và an ninh của ECOWAS - nói rằng việc can thiệp quân sự vào Niger là "giải pháp cuối cùng" nhưng cũng cần chuẩn bị cho khả năng này.
Tuy nhiên, tướng Abdourahamane Tiani, lãnh đạo chính quyền quân sự tại Niger, khẳng định "hoàn toàn bác bỏ các biện pháp trừng phạt này và từ chối khuất phục bất kỳ mối đe dọa nào, cho dù chúng đến từ đâu".
"Chúng tôi từ chối bất kỳ sự can thiệp nào vào công việc nội bộ của Niger", ông Tiani tuyên bố trên truyền hình.
Căng thẳng buộc các nước châu Âu di tản công dân khỏi Niger và Mỹ ngày 2-8 cũng sơ tán một phần đại sứ quán tại thủ đô Niamey.
Mỹ lo ngại Trung Quốc
Ngày 2-8, Mỹ cho biết nước này lo ngại về việc Trung Quốc mới đây kêu gọi người dân tham gia săn gián điệp. Trong thông báo trước đó 1 ngày, Bộ Công an Trung Quốc kêu gọi người dân tham gia chống gián điệp, bao gồm báo cáo các hoạt động đáng ngờ thông qua kênh dành cho người dân.
"Chắc chắn việc khuyến khích công dân theo dõi lẫn nhau là điều rất đáng lo ngại", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Matt Miller nói và cho biết Washington sẽ giám sát việc triển khai luật chống gián điệp mới của Bắc Kinh, trong đó mở rộng đáng kể phạm vi của những hoạt động được coi là gián điệp.
Từ tháng 7-2023, luật chống gián điệp mở rộng của Trung Quốc có hiệu lực và nước này cũng cấm chuyển giao thông tin có liên quan đến an ninh quốc gia. Điều này khiến Washington lo ngại rằng các công ty nước ngoài ở Trung Quốc có thể bị trừng phạt khi làm ăn tại đây.
* Mỹ điều tra Trung Quốc xâm nhập email Bộ Ngoại giao, Thương mại. Ủy ban Giám sát Hạ viện Mỹ ngày 2-8 cho biết đã mở cuộc điều tra nghi vấn Trung Quốc liên quan đến vụ tấn công tin tặc các hộp thư điện tử của Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại nước này. Ủy ban này kêu gọi lãnh đạo 2 bộ này cảnh báo nhân viên về nguy cơ bị tin tặc.
"Chúng tôi cũng lo ngại rằng vụ tấn công nhắm vào các cơ quan liên bang, bao gồm cả tài khoản email của quan chức cấp cao của Chính phủ Mỹ, phản ánh trình độ và sự tinh vi mới của tin tặc Trung Quốc", ông James Comer và một số nghị sĩ viết cho Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo và Ngoại trưởng Antony Blinken.
Truyền thông Mỹ cho biết trong vụ tấn công diễn ra vào tháng trước, hàng chục cơ quan bị ảnh hưởng và hàng trăm thư điện tử của quan chức Mỹ bị xâm nhập. Tin tặc được cho là đã tấn công hộp thư của bà Raimondo, đại sứ Mỹ tại Trung Quốc và ông Daniel Kritenbrink, trợ lý ngoại trưởng phụ trách vấn đề Đông Á.
* Vợ chồng Thủ tướng Canada ly thân. Thủ tướng Justin Trudeau và vợ Sophie tuyên bố ly thân ngày 2-8, sau 18 năm kết hôn.
Vợ chồng Thủ tướng Canada ly thân
Theo truyền thông, họ đã ít xuất hiện bên nhau vài năm qua và trong lễ kỷ niệm ngày cưới năm 2020, ông Trudeau đã gọi người bạn đời là "bạn thân".
Đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Canada ly thân kể từ khi cố thủ tướng Pierre Trudeau, cũng là cha của ông Justin Trudeau, ly hôn trong thời gian nắm quyền vào năm 1984.
Đây là khủng hoảng đời tư lớn nhất của ông Trudeau, người kể từ khi nắm quyền vào năm 2015 đã luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của gia đình.
Đường lớn ở Trung Quốc biến thành sông
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận