19/01/2021 09:07 GMT+7

Tin giả - dịch bệnh vô hình

LÊ NGỌC SƠN  (Đức)
LÊ NGỌC SƠN (Đức)

TTO - Ở một xã hội thông tin, khi cả thế giới nằm gọn trong chiếc điện thoại, người dân cần được trang bị tư duy và kỹ năng kiểm tra, đối soát, phân biệt tin giả - tin thật. Có vậy đám đông không dễ bị dẫn dắt bởi những nhóm lợi ích có dụng ý xấu.

Tin giả - dịch bệnh vô hình - Ảnh 1.

Trong sự ảnh hưởng khủng khiếp của đại dịch COVID-19, những lùm xùm quanh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 đã vén lộ bức tranh thực tại về thứ bệnh dịch khác còn vô hình hơn virus corona mà thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang gặp phải: nạn tin giả và sự thịnh hành của các thuyết âm mưu.

Một ngày tuyết rơi đầy trời, Martin Loeffelholz - giáo sư truyền thông của một đại học uy tín ở Đức - gọi tôi đi dạo dọc bờ sông thành phố Erfurt, Đức. Chúng tôi trao đổi cùng nhau về sự nổi lên của cực hữu ở nhiều nơi, đặc biệt là sau vụ tấn công vào tòa nhà Quốc hội Mỹ.

Chúng tôi ngạc nhiên khi nhiều đồng nghiệp người Đức có mặt trong sự kiện đó hỏi chuyện nhiều người trong đám đông bạo loạn rằng họ làm điều đó vì gì, thì hầu hết những người được hỏi chỉ trả lời được những câu rất chung chung như "để bảo vệ nước Mỹ"…

Rõ ràng có một sự bế tắc của đám đông khi định hướng hành vi của mình. Cảm xúc được đẩy lên cao trào và bị dẫn dắt bởi những mục đích chính trị.

Chúng tôi tin rằng những người ủng hộ ông Trump hay ông Biden và có xu hướng "yêu bằng mọi giá" tiếp nhận nguồn tin phi chính thống, trong khi đó những thiết chế truyền thông truyền thống lại bị xem là "bọn cung cấp tin giả". Nghĩa là thứ giả đã được xem thành thật, còn thứ thật thì nay bị xem là giả.

Nhưng khi hỏi những "tín đồ" của Trump hay Biden rằng có bằng chứng nào về việc những hệ thống thông tin chính thống đã đưa tin giả không thì họ không thể giải thích được thêm. Họ tin vậy chỉ vì… thấy trên mạng vậy, nghe thần tượng của họ nói vậy.

Quan sát độc lập các hiện tượng này có thể thấy chiến thuật "một việc nói dối lặp đi lặp lại nhiều lần thì sẽ có ngày nó được tin là sự thật" được áp dụng triệt để. Đi kèm đó là những "lò sản xuất" các thuyết âm mưu phục vụ nhu cầu hiếu kỳ và vỗ về niềm tin sẵn có của từng "tín đồ".

Vậy nên nhiều KOLs (người có ảnh hưởng dẫn dắt) cứ tung vô tội vạ những tin từ những nguồn không thể kiểm chứng để nuông chiều đám đông cần thần tượng và muốn bảo vệ thần tượng. Họ tuyệt nhiên không quan tâm đến lý lẽ hay sự thật.

Ý thức được những sự nguy hiểm mà tin giả mang lại, tại Đức, chính phủ đã có những chế tài luật pháp cực kỳ nghiêm khắc để buộc các nhà mạng phải có trách nhiệm xử lý tin giả hay lan truyền các thuyết âm mưu vô căn cứ có hại cho cộng đồng.

Những nhà cung cấp mạng xã hội, theo luật, phải có trách nhiệm kiểm chứng và xóa bỏ các tin tức sai sự thật, nếu không sẽ đối mặt với hình phạt lên tới 500.000 euro đối với mỗi tin giả.

Về lâu dài, giáo dục đóng vai trò cốt yếu trong công cuộc dẹp tin giả và các thuyết âm mưu. Các môn khoa học về lãnh đạo hoặc chính trị học cần được dạy ở bậc phổ thông để người trẻ hiểu về các phong cách lãnh đạo, để các công dân tương lai phân biệt được đâu là lối dẫn dắt dân túy, đâu là lối dẫn dắt kỹ trị hay các phong cách khác. Đặc biệt, môn truyền thông cần được dạy ở bậc tiểu học.

Ở một xã hội thông tin, khi mà cả thế giới nằm gọn trong một chiếc điện thoại, các công dân cần được trang bị tư duy và kỹ năng kiểm tra, đối soát, phân biệt tin giả và tin thật. Có như vậy đám đông không dễ bị dẫn dắt bởi những nhóm lợi ích có dụng ý xấu.

Tạo Tạo 'miễn dịch' chống tin giả có dễ?

TTO - Lúc nào, nơi nào có thông tin, sự kiện nóng thì sẽ có tin giả. Cùng với thông tin COVID-19, thông tin giả và số người bị phạt vì nó cũng tăng theo.

LÊ NGỌC SƠN (Đức)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên