Các dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ bao gồm các dự án do HĐND cấp tỉnh quyết định việc giao đất, cho thuê đất.
Trong các dự án đó, đáng chú ý có dự án nhà ở xã hội và dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Thực tế dù trung ương và các địa phương đưa ra nhiều chính sách và kêu gọi tư nhân tham gia thúc đẩy đầu tư nhà ở xã hội và cải tạo, xây dựng mới nhà chung cư nhưng các doanh nghiệp chưa mặn mà.
Bên cạnh những quy định về lựa chọn nhà đầu tư lâu nay chưa thống nhất giữa các luật, để triển khai dự án, doanh nghiệp phải thực hiện nhiều công đoạn, thủ tục nhiêu khê, khó khăn. Tại nhiều địa phương, việc lựa chọn chủ đầu tư bị ách tắc, kéo dài, dẫn đến tăng chi phí của doanh nghiệp.
Dường như khó có lối thoát để tạo sự đột phá cho chương trình phát triển nhà ở xã hội nếu không thay đổi cách thức, phương thức làm. Ngoài ý nghĩa xã hội, mục tiêu quan trọng nhất mà một doanh nghiệp hướng đến khi đầu tư dự án (kể cả nhà ở xã hội) là lợi nhuận.
Trong đó, cơ hội (gồm cơ hội về vốn, cơ hội từ tín hiệu thị trường...) đóng vai trò rất quan trọng đối với doanh nghiệp khi quyết định đầu tư dự án.
Những cơ hội đó có thể bị phá sản, tiêu tán bởi thời gian đằng đẵng tới lui các cơ quan để thực hiện cho hết các thủ tục về đầu tư. Để rồi từ khi bắt tay vào làm đến khi ra được giấy phép xây dựng mất ít nhất hai năm, hoàn thiện thủ tục để bán được sản phẩm lại mất thêm một khoảng thời gian nữa sẽ có thể "cướp" đi cơ hội và cũng lấy đi lợi nhuận của nhà đầu tư.
Vậy việc đấu thầu các dự án nhà ở xã hội sắp tới làm sao để có thể hấp dẫn doanh nghiệp tham gia? Trả lời câu hỏi này đồng nghĩa phải có giải pháp giúp doanh nghiệp tận dụng tốt nhất thời cơ, cơ hội, trong đó càng tiết giảm được thủ tục càng tốt cho chủ đầu tư.
Trước khi đưa ra tổ chức đấu thầu, các cơ quan quản lý thực hiện càng nhiều thủ tục về đầu tư càng tốt; thậm chí sau khi trúng thầu, chủ đầu tư chỉ việc bắt tay vào xây dựng, hoàn thành dự án.
Cách làm "trải thảm" đón nhà đầu tư, bỏ qua "rừng thủ tục" và "cơ chế xin - cho" này đã được nhiều nước thực hiện.
Với cách làm này, những công việc khó như xin chấp thuận chủ trương đầu tư, báo cáo tác động môi trường, phê duyệt 1/500, thẩm định thiết kế cơ sở, xin giấy phép xây dựng... đã được cơ quan nhà nước làm và "dọn sẵn" để nhà đầu tư chỉ chú tâm triển khai xây dựng. Việc này giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhiều thời gian, cắt giảm nhiều chi phí, tận dụng tối đa cơ hội đầu tư.
Chỉ với cách làm này mới mong nhiều doanh nghiệp hào hứng tham gia đấu thầu dự án. Khi đó, Nhà nước không chỉ có cơ hội, điều kiện lựa chọn được chủ đầu tư có năng lực thực sự mà chính sách đấu thầu chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng sẽ phát huy hiệu quả tối đa nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận