13/10/2019 09:27 GMT+7

Tiếp sức đến trường: 17 năm nặng nghĩa ân

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - “Tiếp sức đến trường” đã đến mùa thứ 17, gần bằng tuổi 18 của các tân sinh viên hôm nay.

Tiếp sức đến trường: 17 năm nặng nghĩa ân - Ảnh 1.

Các đại biểu, nhà hảo tâm hòa cùng niềm vui của tân sinh viên nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” sáng 12-10 - Ảnh: TỰ TRUNG

Chương trình đánh dấu 17 năm của học bổng đầy ý nghĩa này vào sáng 12-10 bắt đầu bằng nhạc cảnh thể hiện hình ảnh người cha người mẹ sớm khuya tảo tần, chăm chút cho con, đưa con đến với con đường tri thức…

Đó cũng là lời cảm ơn của "Tiếp sức đến trường" gửi đến tất cả những người đã góp tay để các tân sinh viên có được cơ hội mở cánh cửa đời mình.

Nhiều cánh cửa tương lai đã mở ra đại lộ, nhiều cuộc đời đã thay đổi. Chỉ có chúng tôi vẫn không thay đổi: Tân sinh viên khó khăn hãy gọi Tuổi Trẻ.

Nhà báo Lê Thế Chữ (tổng biên tập báo Tuổi Trẻ)

Ân tình

Cả hội trường rưng rưng khi chứng kiến câu chuyện của hai anh em Huỳnh Ninh và Huỳnh Thị Kim Thuận. Không phải là mẹ để sự hi sinh cho con là điều bình thường hay đương nhiên, anh trai Huỳnh Ninh đã nghỉ học sớm đi làm lo cho gia đình, lại dành cả thanh xuân cõng em gái mắc bệnh xương thủy tinh đi học.

"Tôi tạm gác lại việc riêng để lên thành phố lo việc học của em gái. Hiện giờ chỉ mong có việc làm ổn định để lo cho em nốt mấy năm học..." - anh Ninh tâm sự thật thà. Ngồi bên, Thuận chấm nước mắt. Phía dưới, nhiều người lặng đi. Rất nhiều sinh viên có mặt hôm nay đã đến với tuổi 18 và con đường ước mơ của mình mà không được bên cha, bên mẹ.

Bà Đào Thị Ngà, 70 tuổi, từ đầu buổi đã chộn rộn gọi điện đặt xe về Ngãi Giao, Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngồi ngóng cháu gái chuẩn bị lên sân khấu nhận học bổng, bà phân trần: "Ở nhà còn ông ngoại ngoài 80 tuổi già yếu, nghễnh ngãng, còn đứa cháu ngoại 7 tuổi chưa biết gì, lại thêm con bò cái nuôi rẽ của người ta. Hai bà cháu đi từ 3 giờ sáng, lên đây là 5 giờ. Xong lễ là về ngay...".

Với con bò nuôi rẽ (nuôi giúp và được lấy bò con - PV), với chút tiền các con giúp đỡ, bà đã nuôi cháu gái không may phải mồ côi Sinh Thị Ngọc Thương từ năm 2 tuổi đến giờ.

Thương rất tự tin nói về lựa chọn của mình: "Tôi chọn Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Đất Đỏ gần nhà, giảm chi phí lại được ở gần chăm sóc ông bà ngoại. Ngành chế tạo khuôn mẫu cũng là ngành mới, có liên kết với Nhật. Tôi sẽ phấn đấu lấy được chứng chỉ N4 để đi Nhật học, nghề nghiệp sẽ tốt hơn".

Trong 150 tân sinh viên bảy tỉnh thành Đông Nam Bộ nhận học bổng, có đến 48 bạn ghi trong thư tự giới thiệu hai chữ "mồ côi". Có bạn mồ côi cha, có bạn mồ côi mẹ, có bạn mồ côi cả cha lẫn mẹ như câu chuyện chấn động của Thào A Khay: Năm 2005, cơn lũ quét qua bản Hàng Tấu, xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu, Yên Bái. Nhà sập.

Ông bà, cha mẹ, anh em bị chôn vùi. Thào A Khay 6 tuổi may mắn thoát chết. Hình ảnh cậu bé dân tộc Mông bơ vơ giữa bản làng đổ nát được chụp lên báo, Trường dân lập Thanh Bình ở TP.HCM nhận cậu về nuôi dưỡng, Quỹ học bổng Vừ A Dính bảo trợ việc ăn học.

Nay đã là một thanh niên cao lớn, Thào A Khay chọn vào khoa chế tạo máy Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Ngồi theo dõi hoạt cảnh trên sân khấu, Khay thì thầm: "Tôi không còn nhớ được mặt cha mẹ mình, nhưng chuyện vui nhất trong đời tính đến bây giờ là tết năm lớp 11 được các cô cho về thăm quê.

Giờ đã lớn, được học ĐH, tôi sẽ cố gắng tìm việc làm thêm để có thể tự lập, có điều kiện về quê. Trước mắt là vậy, còn thì tôi biết cả đời này không thể trả nổi ơn nghĩa của mọi người...".

Để những cô bé, cậu bé gặp những hoàn cảnh nghiệt ngã, ngặt nghèo đến được cổng trường ĐH, đến với học bổng "Tiếp sức đến trường" là biết bao nước mắt, mồ hôi của bao người, từ người thân, quen đến cả những người chẳng hề quen biết.

Tập hồ sơ của 150 tân sinh viên hôm nay có rất nhiều địa chỉ không chỉ là địa chỉ: mái ấm Ánh Sáng, mái ấm Hướng Dương, mái ấm Bà Chiểu, Trường Thanh Bình, cơ sở bảo trợ xã hội Bình Minh...

Mạnh mẽ cam kết

Ông Lê Quốc Phong, chủ nhiệm CLB Nghĩa tình Quảng Trị, nhấn mạnh lần nữa lý do ông đã xuôi ngược tổ chức các hoạt động gây quỹ "Tiếp sức đến trường" suốt 17 năm nay: "Tôi muốn các bạn trẻ tin rằng khi mình cố gắng vượt khó khăn để học tập, vươn đến tri thức, vươn đến tương lai tốt cho mình, cho cộng đồng thì nhất định sẽ có người đồng hành, có người nắm tay cùng đi. Tương lai phía trước, cứ đi đi sẽ không đơn độc".

Ông Phạm Trung Kiên, phó tổng giám đốc Saigon Co.op, tiếp lời: "Cuộc sống vốn dĩ không công bằng, mỗi người một xuất phát điểm nhưng đừng nản lòng, các bạn đã rất nỗ lực và tôi tin các bạn sẽ thành công. Chúng tôi vinh dự và thấy có trách nhiệm được đồng hành cùng "Tiếp sức đến trường" để vun đắp cho nguồn nhân lực của xã hội".

Nhận được học bổng và cả thông báo hỗ trợ suốt quá trình học của GS Phan Lương Cầm, tân sinh viên ĐH Y dược Nguyễn Phúc An mạnh mẽ cam kết ngay trên sân khấu: "Tôi biết mình có thiệt thòi hơn các bạn khác, nhưng chỉ cần có ý chí thì sẽ vượt qua.

Ngành y rất gian nan nhưng thấy môi trường ô nhiễm, người bệnh ngày một nhiều, tôi muốn góp một phần của mình cho cộng đồng, giúp bớt đi những em nhỏ phải chịu nỗi đau mất mát người thân như mình".

Bước vào ĐH mới chỉ là mở ra cánh cửa. Dòng chữ "Đường bay tri thức" - chủ đề chương trình hôm nay - thật lớn trên sân khấu lay động, vẫy gọi các bạn sinh viên.

Câu chuyện của các bác sĩ Đoàn Quang Nguyên, Trần Ngọc Chọn... - những cựu thành viên của gia đình "Tiếp sức đến trường" - cũng được gửi đến thêm lời động viên.

Đủ đầy cho một buổi nhận học bổng sẽ đáng nhớ đến tương lai.

Trao 1.234 suất học bổng cho tân sinh viên năm 2019

Trong năm 2019, học bổng "Tiếp sức đến trường" của báo Tuổi Trẻ đã trao tặng 1.234 suất với tổng kinh phí hơn 14 tỉ đồng.

Hơn 134 tỉ đồng cũng là tổng kinh phí mà học bổng "Tiếp sức đến trường" đã hỗ trợ cho hơn 19.000 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn khắp cả nước trong 17 năm qua.

tsdt 10 moi 2(read-only)

Tân SV Nguyễn Phúc An tặng hoa cho ân nhân - GS Phan Lương Cầm, phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Ảnh: TỰ TRUNG

Ban biên tập báo Tuổi Trẻ trân trọng cảm ơn sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ "Đồng hành nhà nông", Công ty CP phân bón Bình Điền, CLB Nghĩa tình Quảng Trị, CLB "Tiếp sức đến trường" Thừa Thiên Huế, CLB "Tiếp sức đến trường" Quảng Nam - Đà Nẵng, CLB "Tiếp sức đến trường" Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Hội Doanh nhân Tiền Giang, Bến Tre tại TP.HCM, Quỹ khuyến học Vinacam, Công ty CP Vinacam, Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), Công ty CP phát triển bất động sản Phát Đạt, Ủy ban Tương trợ người VN tại Đức, giáo sư Phan Lương Cầm - phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Công ty TNHH sản xuất Duy Lợi, Công ty TNHH TMDV Nụ Cười Vui, Công ty Nestlé Việt Nam, Agribank Lý Thường Kiệt (TP.HCM) cùng tấm lòng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ... đã đồng hành cùng chúng tôi suốt nhiều năm qua.

CÔNG TRIỆU

Hi vọng và chờ đợi!

Tâm sự trong buổi lễ, ông Lê Thế Chữ, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, phát biểu: "19.344 suất học bổng trong 17 năm "Tiếp sức đến trường" là 19.344 câu chuyện đẹp, có nhiều câu chuyện như cổ tích. 17 năm, hàng ngàn bạn sinh viên đã ra trường, thành những nhà khoa học, kỹ sư, bác sĩ, thầy cô giáo, doanh nhân.

Đồng hành cùng các bạn, trao cho các bạn một cơ hội, một tấm vé đến tương lai là sứ mệnh của chúng tôi. Học bổng không chỉ là khoản tiền đóng học phí, mà là lời cam kết với các bạn: trong xã hội luôn có những tấm lòng chia sẻ, yêu thương và tin cậy vào sự nỗ lực của các bạn, hi vọng và chờ đợi vào tương lai của các bạn".

Cô gái Stiêng bị bắt lấy chồng sớm giờ đã đến giảng đường Cô gái Stiêng bị bắt lấy chồng sớm giờ đã đến giảng đường

TTO - Cô bé người Stiêng bị ba bắt lấy chồng từ thuở 13 năm nào đã chạm một tay vào giấc mơ của mình. Ka Ngà đã trở thành sinh viên khoa ngôn ngữ Pháp (ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) và được trao học bổng Tiếp sức đến trường 2019.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên