Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar, trong những ngày qua, tình hình an ninh tại một số bang miền Bắc Myanmar có nhiều diễn biến phức tạp. Đây cũng là khu vực có đông công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc.
Trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar đã khẩn trương xây dựng các phương án bảo hộ công dân; đồng thời đề nghị phía Myanmar có phương án hỗ trợ, bảo đảm an ninh, an toàn và sinh hoạt cho công dân Việt Nam, tạo điều kiện cho công dân Việt Nam rời khỏi khu vực nguy hiểm.
Bộ Ngoại giao cũng đã chủ động trao đổi với các cơ quan chức năng của Trung Quốc, Myanmar đề nghị hỗ trợ Việt Nam trong công tác bảo hộ công dân tại khu vực.
Bộ Ngoại giao tiếp tục khuyến cáo công dân Việt Nam nếu không thật sự cần thiết, không nên đến hoặc tránh đến khu vực bang Shan, bang Kayin và bang Rakhine, Myanmar.
Nếu đang ở khu vực bang Shan, bang Kayin và bang Rakhine, Myanmar cần nhanh chóng có phương án chủ động sơ tán an toàn người và tài sản đến nước thứ 3 hoặc về Việt Nam.
Ngoài ra, công dân Việt Nam cần thường xuyên theo dõi những thông tin của chính quyền sở tại, cảnh báo của Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự hoặc Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar) để phản ứng kịp thời.
Theo Hãng tin Reuters, các nhóm nổi dậy đã tấn công các chốt an ninh ở Myanmar, ngày 13-11. Giao tranh đang nổ ra trên hai mặt trận mới, khiến hàng ngàn người nước này phải vượt biên sang nước láng giềng Ấn Độ để giữ an toàn.
Cư dân thị trấn Rathedaung thuộc bang Rakhine cho biết nhiều tiếng súng vang lên rạng sáng 13-11, sau đó là những đợt pháo kích kéo dài nhiều giờ.
Quân đội Myanmar đã phong tỏa mọi tuyến đường ra vào khu vực và lập công sự kiên cố ở các tòa nhà chính quyền.
Chính quyền quân sự Myanmar đang phải đối mặt với thử thách lớn nhất kể từ khi lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2021. 3 lực lượng dân tộc thiểu số tiến hành một cuộc tấn công phối hợp vào cuối tháng 10, chiếm giữ một số thị trấn và đồn quân sự.
Tuần trước, Tổng thống Myint Swe do quân đội bổ nhiệm cho biết Myanmar có nguy cơ tan vỡ vì phản ứng không hiệu quả trước cuộc nổi dậy. Các tướng lĩnh nói rằng họ đang chiến đấu với "những kẻ khủng bố".
Trong trường hợp khẩn cấp, công dân Việt Nam liên hệ theo số đường dây nóng Bảo hộ công dân:
- Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar: +959660888998.
- Tổng đài Bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao: +84 981 84 84 84; +84 965 41 11 18. Email: baohocongdan@gmail.com.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận