Lần đầu là tháng 3-2015, Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết định đơn phương tạm dừng thanh toán các đơn thuốc lạ này và lần thứ hai vào giữa tháng 6, họ cho phép thanh toán nhưng yêu cầu phải kiểm soát chặt.
Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề cuộc giao ban liên quan đến bảo hiểm y tế cách đây gần một tuần, phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Minh Thảo cho biết muốn thương thảo lại về giá các thuốc lạ đã trúng thầu.
Nói thế để thấy ngay cơ quan chức năng cũng đang rất lúng túng trong xử lý vấn đề thuốc hàm lượng lạ, cách đóng gói lạ.
Dù họ có trong tay những “chứng cứ” cho thấy sự bất hợp lý của sản phẩm này, như hàm lượng chỉ cao hơn một ít và khác với thông thường đôi chút nhưng giá lại cao gấp 2 - 3 lần, mà nhắc nhiều lần, yêu cầu kiểm soát nhiều lần vẫn trúng thầu số lượng lớn vào bệnh viện.
Rõ ràng, phải có sự ưu ái và có khi là cả sự bất chấp vì lợi ích của ai đó có quyền để cho sản phẩm lạ trúng thầu.
Nói về chuyện sản phẩm lạ khó xử lý, PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng đâu đó có sơ hở của bộ phận cấp đăng ký, có sự chưa “tinh” của cơ quan quản lý đối với những sản phẩm chưa chứng minh được lợi ích vượt trội trong điều trị, nhưng có giá lại vượt trội.
Nhưng khi sản phẩm đã được cấp đăng ký lưu hành hợp pháp và trúng thầu, dù đằng sau nó có thể còn những dích dắc thì xử lý cũng rất khó. Sự lúng túng trong thời gian qua của cơ quan bảo hiểm đã nói lên điều này.
Trong khi đó theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức, tại Mỹ khi cho phép lưu hành các thuốc có hàm lượng khác biệt, Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) tiến hành rất chặt chẽ, yêu cầu phải thử nghiệm lâm sàng để chứng minh hiệu quả mới cho phép lưu hành.
Ở VN, việc cấp số đăng ký thuốc lạ có trải qua quá trình thử nghiệm lâm sàng chứng minh hiệu quả không, Cục Quản lý dược có đánh giá được những tiến bộ hay sự khác biệt của các hàm lượng mới không?
Vấn đề thuốc hàm lượng lạ giá cao đánh bật những sản phẩm hàm lượng kinh điển giá hợp lý hơn đã được nói đến từ 2013, lúc đó Cục Quản lý dược đã cho biết sẽ rà soát, trường hợp nhà sản xuất không chứng minh được sự cần thiết của hàm lượng, công thức mới sẽ không tiếp tục cấp số đăng ký.
Tuy nhiên đến 2015, vẫn còn 40 loại thuốc lạ lưu hành, vẫn giá cao, vẫn gây lúng túng cho cả người điều trị, người bệnh và người trả tiền thuốc.
Nghĩa là hiệu quả rà soát hai năm trước không đạt như mong muốn, cần những biện pháp mạnh như thu hồi số đăng ký thuốc lạ, hoặc mùa thầu nào cũng phải đàm phán giá và kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc lạ tại bệnh viện, cần Cục Quản lý dược, Bảo hiểm xã hội VN mạnh tay hơn.
Nếu không cứ để như thế thì vô hình trung thị trường lại có những sản phẩm rất lạ, rất riêng biệt và có lợi thế khi đấu thầu nếu đã được cả nhà cung cấp và bệnh viện “chọn mặt gửi vàng”, đồng thời gây khó khăn cho những sản phẩm giá hợp lý lẽ ra rất xứng đáng trúng thầu.
Chả lẽ bất hợp lý này khó chữa đến thế? Thật ra chỉ là có muốn chữa hay không mà thôi!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận