Mỹ thận trọng trước Trung Đông
Theo báo The Hill, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden lập luận rằng họ đã "kiềm chế" thành công xung đột giữa Israel và Hamas tại Dải Gaza, khi đã không có chiến sự tầm mức rộng hơn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy lực lượng Mỹ trong thời gian gần đây đối mặt với một số đáng kể các cuộc tấn công, cho thấy căng thẳng đang vượt khỏi tầm kiểm soát.
Ngày 29-1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo môi trường ở Trung Đông đang "cực kỳ biến động". Ông nói khu vực này đã luôn có nguy cơ "ít nhất từ năm 1973, và thậm chí còn trước đó nữa".
Liên quan vụ tấn công vào căn cứ Mỹ tại Jordan khiến 3 binh sĩ thiệt mạng, Tổng thống Mỹ Biden khẳng định sẽ tiến hành đáp trả, nhưng ông cũng nhấn mạnh việc Mỹ đang cố gắng ngăn chặn xung đột leo thang.
"Tôi không nghĩ chúng ta cần một cuộc chiến lan rộng hơn ở Trung Đông. Đây không phải là điều mà tôi tìm kiếm", ông Biden trả lời các phóng viên ngày 30-1.
Từ giữa tháng 10-2023 đến cuối tháng 1-2024, các lực lượng dân quân Hồi giáo được cho là do Iran hậu thuẫn đã tiến hành 166 cuộc tấn công vào các cơ sở quân sự Mỹ, bao gồm 67 cuộc ở Iraq, 98 cuộc ở Syria và một cuộc ở Jordan. Trong 3 tháng qua, Mỹ cũng đã một vài lần đáp trả vào các lực lượng này.
Trong những ngày qua, Washington đã triển khai nhiều nguồn lực để bảo vệ các tàu hàng ở Biển Đỏ trước các cuộc tấn công của nhóm Houthi, đồng thời tiến hành các cuộc không kích ở Yemen và Iraq.
Theo các chuyên gia, ngoài vụ tấn công tại Jordan, cuộc giao tranh phần lớn chỉ giới hạn ở các phản ứng "ăn miếng trả miếng", nhưng họ cũng lo ngại xung đột sẽ sớm đạt đến đỉnh điểm.
Giảng viên quan hệ quốc tế Sina Azodi tại Đại học George Washington (Mỹ) so sánh tình hình xung đột ở Trung Đông với Chiến tranh thế giới thứ nhất, khi các nước châu Âu không muốn xảy ra một cuộc chiến lớn, nhưng các diễn biến lại vượt khỏi tầm kiểm soát.
"Không gian cho các hoạt động ngoại giao đang ngày càng thu hẹp, Mỹ và Iran đang trên con đường dẫn đến xung đột một cách nguy hiểm", ông Azodi nói.
"Cả người Iran và Mỹ đều không muốn xảy ra một cuộc xung đột trực tiếp. Việc phải chiến tranh với Mỹ là một đe dọa hiện hữu với Iran. Việc phải đối đầu trực tiếp với Iran cũng là một điều khá tốn kém cho Mỹ", ông Azodi nói thêm.
Người Mỹ phản chiến
Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden, bao gồm cả Ngoại trưởng Blinken và Bộ Ngoại giao Mỹ, đang đối mặt với chỉ trích đang ngày càng gia tăng từ chính nội bộ chính phủ cho chính sách của nước này đối với cuộc xung đột Israel - Hamas. Hàng trăm nhân viên Chính phủ Mỹ ủng hộ một lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza.
Trong cuộc họp ngày 31-1, một số nhân viên ngoại giao đã đặt vấn đề tại sao chính quyền ông Biden không kêu gọi một lệnh ngừng bắn cho cuộc xung đột, một số khác đặt câu hỏi tại sao Washington vẫn cung cấp vũ khí cho Israel.
Theo Hãng tin Reuters ngày 1-2, khoảng 70 thành phố của Mỹ, trong đó có thành phố Chicago và Seattle, đã thông qua các nghị quyết đa phần mang tính biểu tượng về cuộc xung đột Israel - Hamas, hầu hết trong số đó kêu gọi một lệnh ngừng bắn. Điều này đang gây áp lực cho chấm dứt cuộc xung đột lên ông Biden, trong khi bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 11 tới.
Theo một cuộc thăm dò được công bố vào tháng 11-2023, 84% người Mỹ tham gia khảo sát lo ngại việc nước này bị lôi kéo vào chiến tranh. Khoảng 65% người tham gia khảo sát muốn một lệnh ngừng bắn cho cuộc xung đột tại Dải Gaza, không muốn nước Mỹ có hành động quân sự. Trong khi đó, chỉ 33% tán đồng với cách ông Biden xử lý cuộc khủng hoảng hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận