Đêm 28-1, tiền đồn Tháp 22 của quân đội Mỹ tại Jordan bị tấn công bằng máy bay không người lái (drone) làm ba binh sĩ nước này thiệt mạng và ít nhất 34 người khác bị thương. Đây là lần đầu tiên binh sĩ Mỹ ngã xuống ở Trung Đông kể từ khi cuộc xung đột Israel - Hamas nổ ra vào tháng 10-2023.
Dù Iran đã nhanh chóng thẳng thừng phủ nhận có liên quan đến cuộc tấn công trên, giới chức Mỹ vẫn một mực tin rằng ở một mức độ nào đó, Tehran phải chịu trách nhiệm.
Cuộc tấn công trên chỉ mới là diễn biến mới nhất của cuộc chiến ủy nhiệm đang thành hình tại khu vực Trung Đông.
Cuộc chiến mới đang thành hình
Kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, Iran luôn là thế lực đối đầu lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông.
Tuy nhiên, những năm gần đây, nhu cầu phát triển đất nước của Iran cùng việc Washington không còn muốn lún sâu vào các cuộc xung đột đẫm máu tại đây đã đưa hai nước vào giai đoạn hòa hoãn.
Sau nhiều năm hạ nhiệt quan hệ qua đối thoại, những diễn biến mới nhất tại Trung Đông một lần nữa đưa Mỹ - Iran vào thế đối đầu. Lần này, đó là sự đối đầu quân sự trực tiếp giữa Mỹ, đồng minh Mỹ với các đồng minh Iran.
Khởi nguồn là xung đột Hamas - Israel tại Dải Gaza bùng nổ ngày 7-10-2023. Tham chiến tại đây là Hamas và Hezbollah, các tổ chức hùng mạnh hàng đầu trong số những nhóm được Iran hậu thuẫn, và Israel - đồng minh lớn nhất của Mỹ tại Trung Đông.
Xung đột ở Gaza bùng nổ chưa lâu, cuối tháng 10-2023, Mỹ trực tiếp bị kéo vào cuộc xung đột chưa có hồi kết với Houthi - nhóm phiến quân thân Iran hiện chiếm phần lớn lãnh thổ Yemen.
Houthi thường xuyên tấn công vào các tàu chở hàng cùng đoàn tàu chiến Mỹ hộ tống đi lại trên Biển Đỏ - tuyến giao thương hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới.
Mới đây, ngày 26-1, phía Mỹ khẳng định Houthi đã phóng tên lửa thẳng vào tàu USS Carney, đánh dấu lần đầu tiên tổ chức này tấn công trực tiếp một tàu chiến Mỹ.
Trong gần bốn tháng Trung Đông sục sôi căng thẳng, các lực lượng thân Iran tại Iraq, Syria và Jordan cũng liên tục đánh các căn cứ quân sự Mỹ trên lãnh thổ những nước này. Tổng cộng từ tháng 10-2023 đến nay, Mỹ và đồng minh đã bị tấn công ít nhất 165 lần.
Không muốn gây chiến với Iran
Trả lời Hãng tin AFP, người sáng lập và là giám đốc chương trình Iran tại Viện nghiên cứu Trung Đông Alex Vatanka khẳng định thời gian qua, mục tiêu của Iran vẫn luôn là "tránh chiến tranh với Israel và Mỹ, song vẫn nhân cơ hội làm suy yếu cả hai nhằm phục vụ mưu đồ lâu dài".
Tehran hiểu rõ rằng "cũng như mình, Mỹ không muốn căng thẳng khu vực leo thang".
Điều này đặc biệt đúng khi nước Mỹ đã bước vào năm bầu cử và Tổng thống Biden sẽ không muốn đưa ra quyết định tấn công liều lĩnh, khiến Mỹ lún sâu lại vào Trung Đông và để điều đó ảnh hưởng kết quả bỏ phiếu.
Về phần mình, dù Nhà Trắng đã tuyên bố đáp trả mạnh tay "tác giả" cuộc tấn công tại Jordan, chính quyền Tổng thống Biden cũng nêu rõ không muốn gây chiến với Iran.
Trong thời gian tới, ông Vatanka cho rằng Mỹ sẽ tăng cường tấn công vào "trục kháng chiến" - mạng lưới các lực lượng ủy nhiệm được Iran hậu thuẫn - nhằm phát thông điệp cho Tehran rằng hãy thôi leo thang căng thẳng.
Ông Thomas Warrick, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đang công tác tại Cộng đồng Đại Tây Dương, nhận định Tehran không thể bị răn đe bởi các cuộc tấn công vào những lực lượng do nước này hậu thuẫn.
Nếu căng thẳng mở rộng và Mỹ mở cuộc chiến tại Iraq, Iran càng có lợi khi sức ép buộc Washington rút quân khỏi đây càng tăng.
Một lựa chọn khác của Mỹ là tấn công ám sát các yếu nhân quân đội của Iran trên lãnh thổ nước này hoặc Syria.
Ông Warrick đánh giá về cả hai: "Không có lựa chọn nào đủ tốt. Cả hai đều có thể khiến Mỹ chìm sâu vào xung đột khu vực mà chính quyền ông Biden chỉ mong tránh".
Do đó, nhiều khả năng cả hai nước vẫn sẽ cố gắng tránh đụng mặt nhau, bất chấp việc Đảng Cộng hòa đang gây sức ép lên Nhà Trắng nhanh chóng tấn công trực tiếp Tehran.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận