Theo Hãng tin AFP, Iran cho biết họ đã phóng cùng lúc ba vệ tinh lên quỹ đạo, chỉ một tuần sau khi Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran phóng một vệ tinh nghiên cứu khiến phương Tây dậy sóng chỉ trích, do lo ngại vũ khí trá hình.
Một phân tích của Hãng tin AP cho thấy vụ phóng diễn ra tại sân bay vũ trụ Imam Khomeini ở tỉnh Semnan, vùng nông thôn ở Iran.
Đài ABC News nhận xét vụ phóng diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng đang bao trùm khắp Trung Đông.
Hãng thông tấn nhà nước Iran (IRNA) đưa tin tên lửa Simorgh (Phượng hoàng theo tiếng Iran) hai tầng mang theo ba vệ tinh nói trên được phóng vào quỹ đạo với tốc độ tối thiểu 450km. Theo IRNA, tên lửa Simorgh đã từng thất bại năm lần.
Hãng thông tấn IRNA cho biết vệ tinh Mahda nặng khoảng 32kg do Cơ quan Vũ trụ hàng không Iran phát triển nhằm mục đích thử nghiệm các hệ thống phụ vệ tinh tiên tiến.
Hai vệ tinh còn lại là Kayhan 2 và Hatef, mỗi chiếc nặng gần 10kg, được phóng lên quỹ đạo nhằm thử nghiệm công nghệ định vị không gian và liên lạc băng thông hẹp, IRNA cho biết thêm.
Tuần trước, Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran đã phóng vệ tinh nghiên cứu Soraya vào không gian.
Ngay sau đó, Anh, Pháp và Đức đã lên án vụ phóng trên trong tuyên bố, do nghi ngờ Iran đang thử vũ khí.
Chính phủ các nước phương Tây, bao gồm cả Mỹ đã nhiều lần cảnh báo Iran về những vụ phóng vệ tinh như vậy, và cho rằng công nghệ tương tự có thể được ứng dụng trong tên lửa đạn đạo, trong đó có những tên lửa được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân.
Iran đã bác bỏ các nghi vấn của Mỹ và phương Tây, đồng thời khẳng định các vụ phóng vệ tinh chỉ nhằm mục đích dân sự hoặc phòng thủ.
Trước đây, Washington cho biết các vụ phóng vệ tinh của Iran như lời thách thức nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đồng thời kêu gọi Tehran không thực hiện thêm bất kỳ hành động nào liên quan đến tên lửa đạn đạo có khả năng mang vũ khí hạt nhân.
Tehran duy trì kho tên lửa đạn đạo lớn nhất Trung Đông, một phần do các lệnh trừng phạt kéo dài suốt nhiều thập kỷ kể từ sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979.
Các biện pháp hạn chế đối với chương trình hạt nhân Iran của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã hết hạn từ tháng 10-2023.
Tehran đã phải chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ kể từ khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt hồi năm 2018 - thỏa thuận vốn cho phép Iran được giảm nhẹ các lệnh trừng phạt, đổi lại Tehran phải hạn chế các hoạt động hạt nhân, nhằm ngăn chặn Iran phát triển đầu đạn hạt nhân nguyên tử.
Cho đến nay, Iran vẫn luôn phủ nhận mọi tham vọng phát triển năng lực vũ khí hạt nhân, cũng như một mực khẳng định các hoạt động của nước này hoàn toàn vì mục đích hòa bình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận