Vấn đề nhiều website nước ngoài kinh doanh dịch vụ đặt phòng tại thị trường Việt Nam như Booking.com, Agoda, Hotels.com... có doanh thu khủng nhưng không chịu nộp thuế, được nêu ra tại Hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính và doanh nghiệp về thủ tục thuế, hải quan tại TP.HCM ngày 29-11, là điển hình của sự bất bình đẳng trong chính sách thuế.
Nếu theo ước tính của Vntrip.vn, với mức hoa hồng 20%, các đơn vị làm dịch vụ môi giới phòng có thể hưởng doanh số lên đến hàng tỉ USD và Nhà nước có thể thất thu hàng ngàn tỉ đồng...
Ở các trường hợp này, luật thuế của Việt Nam đã bị phớt lờ, như theo Công ty du lịch Sài Gòn Mũi Né, chính các website tại nước ngoài này đang thiết lập luật chơi tại Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt rơi vào thế yếu và buộc phải bỏ tiền ra đóng thuế nhà thầu thay cho họ nếu không muốn bị cắt hợp đồng, ảnh hưởng đến kinh doanh.
Không hợp tác với các website này nữa có được không? Được. Nhưng doanh nghiệp lữ hành sẽ khó kinh doanh vì nhiều người tiêu dùng đã chọn mua dịch vụ qua các website này chính nhờ yếu tố: rẻ.
Nhưng để có được yếu tố rẻ đó, phần lớn là do bớt xén các khoản, trong đó có phần thuế, mà theo pháp luật Việt Nam, mọi doanh nghiệp, người tiêu dùng đều phải chịu.
Khi né được thuế, các website này đã biến nó thành thế mạnh, tung ra hàng loạt chiêu thức lẫn yêu sách.
Một trong những chiêu thức đó là lập văn phòng tại Việt Nam nhưng dưới danh nghĩa chỉ nghiên cứu thị trường, thăm dò dư luận chứ không có hoạt động kinh doanh. Nhờ chiêu này nên họ vẫn nộp thuế nhà thầu nước ngoài, và từ đó đẩy nghĩa vụ thuế cho đối tác Việt Nam như trường hợp mà Công ty Sài Gòn Mũi Né gặp phải.
Nhìn rộng ra, không chỉ có Booking.com, mà Agoda, Hotels.com, Google, Facebook vẫn đang chơi chiêu này. Uber B.V cũng đang viện vào Hiệp định chống đánh thuế hai lần ký giữa Việt Nam và Hà Lan để không nộp khoản thuế 66,68 tỉ đồng theo truy thu của Cục Thuế TP.HCM mà kiến nghị lên các cấp.
Trong khi đó cơ quan thuế đã khẳng định: theo luật, doanh thu phát sinh ở đâu thì phải nộp thuế ở đó. Trường hợp này dịch vụ taxi công nghệ, lữ hành có doanh thu phát sinh ở Việt Nam thì phải nộp thuế ở Việt Nam.
Chẳng lẽ chúng ta cứ nhìn ngàn tỉ tiền thuế trôi đi? Hơn lúc nào hết, cơ quan thuế phải có trách nhiệm hoàn thiện các chính sách cũng như gấp rút đưa ra các quy định nhằm tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước, qua đó chống thất thu thuế.
Tất nhiên với các đơn vị lão luyện trong việc đối phó để né thuế thì việc này không dễ. Nhưng khó không có nghĩa là không làm được. Không chấp nhận tình trạng nhì nhằng, chây ì về thuế cứ kéo dài và bất công này cứ đeo mãi những doanh nghiệp chấp hành pháp luật như các hãng taxi, các hãng lữ hành trong nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận