13/11/2019 11:28 GMT+7

Thư viện thân thiện của những cô cậu trò tiểu học

LÊ TRUNG
LÊ TRUNG

TTO - Sách được phân loại theo mã màu, kệ sách hoàn toàn mở, kê ở tầm thấp cho học sinh tha hồ chọn lựa... Những 'thư viện thân thiện' này khiến các cô cậu trò tiểu học tại Quảng Nam mê tít.

Thư viện thân thiện của những cô cậu trò tiểu học - Ảnh 1.

Giáo viên hướng dẫn học sinh trong tiết đọc tại thư viện thân thiện...

Năm 2018, TP Tam Kỳ là địa phương đầu tiên của tỉnh thí điểm mô hình thư viện thân thiện trường tiểu học, đến nay đã có 9 trường có thư viện thân thiện.

"Nở rộ" từ đồng bằng đến miền núi

Cô Nguyễn Thị Thanh Hữu, hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Thị Hồng Gấm - nơi được chọn để khởi nguồn cho mô hình, cho biết thư viện thân thiện của trường hình thành từ mô hình của Tổ chức Room to read. 

Thư viện cải tạo từ một phòng học cũ, đến nay đã được đầu tư, mở rộng thêm một cách toàn diện với nhiều bức tranh chủ đề phong cảnh, con người có màu sắc sặc sỡ, đẹp mắt, tạo sự gần gũi với học sinh và đã có hơn 1.200 đầu sách, 3.600 cuốn sách.

Theo cô Hữu, với thư viện thân thiện, nhà trường tổ chức cho học sinh tiếp cận với sách và đọc sách dưới nhiều hình thức. Trong đó việc phân loại sách theo 6 mã màu rất phù hợp với học sinh tiểu học, tổ chức tiết đọc thư viện (2 tuần/tiết), ghi nhật ký đọc sách. 

Ngoài thảm, bàn, kệ sách hoàn toàn mở (không có cửa), kê ở tầm thấp để học sinh dễ dàng tiếp cận, hoàn toàn chủ động và tự do trong việc chọn sách (theo "gợi ý" của bảng mã màu), thư viện còn có góc tra cứu, góc trò chơi, viết - vẽ.

Tại các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa như Nam Giang, Bắc Trà My... cũng đã xây dựng thư viện thân thiện. Một tiết đọc của thư viện thân thiện Trường tiểu học Kim Đồng (huyện Bắc Trà My) diễn ra khá sôi nổi, học sinh ngồi quây quần đọc sách say sưa dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Điểm trường thí điểm này được huyện chọn và đầu tư gần 200 triệu đồng làm thư viện thân thiện.

Cô Nguyễn Thị Mẹo, cán bộ thư viện nhà trường, cho biết dù mới đưa vào hoạt động hơn một tháng nhưng đã thấy ngay hiệu quả. Việc phân loại sách theo mã màu làm cho học sinh dễ chọn sách. 

Nhà trường còn đưa vào thời khóa biểu chính khóa tiết học thư viện dưới sự hướng dẫn của giáo viên. "Học sinh rất thích thú vì không gian thư viện được bài trí khá bắt mắt, tạo sự thân thiện, gần gũi với học sinh" - cô Mẹo cho hay.

Thư viện này còn thống kê số lượng học sinh đến đọc sách mỗi ngày bằng thẻ xốp (thẻ đỏ là nam, thẻ vàng là nữ), mỗi học sinh đọc xong thì lấy thẻ bỏ vào rổ nhựa rất ngộ nghĩnh, tạo sự gần gũi. Ngoài ra, không gian này còn là nơi để học sinh chơi các trò chơi dân gian như ô ăn quan, cờ vua, cờ tướng... 

"Em rất thích đến thư viện để đọc sách vì nơi đây rất đẹp, không những đọc sách mà còn được vui chơi nữa" - em Nguyễn Anh Tuấn, học sinh lớp 1/6 Trường tiểu học Kim Đồng, cho biết.

Hỗ trợ học

Đánh giá hiệu quả của thư viện thân thiện, cô Hữu cho rằng bước đầu đã hình thành và phát triển thói quen đọc cho học sinh. Điểm khác biệt với thư viện bình thường là có không gian mở, học sinh rất thích tiết đọc thư viện, thích đến thư viện để đọc sách, biết lựa chọn sách phù hợp để đọc chứ không nặng về việc tìm đến chỉ để... đọc truyện tranh như trước. "Đây là thư viện hỗ trợ cho việc học" - cô Hữu nhận xét.

Ngoài tiết đọc với nhiều hoạt động có hình thức phong phú để kích thích niềm đam mê đọc sách, hướng các em đến việc đọc sách tích cực, trường cũng đồng ý cho 100% học sinh mượn sách về nhà đọc với mong muốn người thân, cha mẹ học sinh cùng đọc để có thể hướng dẫn, chia sẻ thêm với con em mình.

"Học sinh không chỉ đến thư viện mượn sách đọc, mà đó là cả một không gian để các em đọc, học và vui chơi. Sự thân thiện thể hiện qua gắn kết giữa cán bộ thư viện, giáo viên và học sinh. 

Cán bộ thư viện còn trực tiếp hướng dẫn các em chọn những quyển sách phù hợp, hay để đọc. Nơi đây hầu như là một phòng học thứ hai của các em, đó là điểm nổi trội" - thầy Trương Văn Đây, hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng, tâm sự.

Ông Bùi Tấn Nhã - phó trưởng Phòng GD-ĐT TP Tam Kỳ - cho biết theo đánh giá sơ bộ, việc triển khai mô hình này làm cho thư viện của các trường tiểu học trở nên đúng chuẩn, được đầu tư cơ sở vật chất, cảnh quan thân thiện, nhiều màu sắc hơn chứ không phải là một phòng chứa sách đơn thuần. 

Hiện tại, tuy ở TP Tam Kỳ mới chỉ áp dụng mô hình thư viện này ở trường tiểu học, các trường THCS không bắt buộc phải theo mô hình này nhưng có thể tiếp thu các yếu tố tích cực, có thể trang trí, đầu tư thêm cảnh quan cho thư viện của mình, tổ chức các tiết đọc sách tại thư viện, tạo sự thú vị gần gũi cho học sinh hơn nữa.

Là nỗ lực và niềm vui lớn

Ông Nguyễn Thanh Tùng - trưởng Phòng GD-ĐT Bắc Trà My - cho rằng với một địa phương còn nhiều khó khăn, một thư viện thân thiện được đầu tư hàng trăm triệu đồng thì đó quả là nỗ lực, niềm vui lớn. Sắp tới địa phương sẽ nhân rộng mô hình này để phục vụ việc đọc sách của học sinh miền núi tốt hơn.

tvthanthien9 2(read-only)

...và học sinh được tham gia nhiều hoạt động khác như vẽ tranh, chơi trò chơi... Ảnh: L.T.

Hiện có gần 20 thư viện thân thiện tại tỉnh này được đầu tư bài bản và mang lại hiệu quả cao, tạo sự thích thú, lan tỏa niềm đam mê đọc sách cho học sinh.

Thư viện xanh nơi lòng hồ Bản Vẽ Thư viện xanh nơi lòng hồ Bản Vẽ

TTO - Người đem tre nứa, lá cọ đến, người góp ngày công... các phụ huynh đã cùng nhà trường tạo nên thư viện xanh đơn sơ, mộc mạc giữa núi rừng Tương Dương.

LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên