Ý định mời thêm các nước dự G7 được Thủ tướng Kishida hé lộ trong chuyến thăm Ấn Độ ngày 20-3, theo nhật báo Yomiuri của Nhật Bản.
Cụ thể, sau khi công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới của Nhật Bản, ông Kishida cho biết ông đã mời Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Hiroshima dự hội nghị thượng đỉnh G7 do Nhật Bản đăng cai.
Những nước ngoài G7 được mời là nước nào?
Ấn Độ hiện là chủ tịch luân phiên nhóm G20, trong đó bao gồm bảy nước thuộc G7 là Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Canada, Ý và Nhật Bản.
Khi được hỏi có mời nước nào khác đến hội nghị G7, Thủ tướng Kishida cho biết ông dự định sẽ mời lãnh đạo Việt Nam, Úc, Brazil, Comoros, Quần đảo Cook, Indonesia và Hàn Quốc.
Nhà lãnh đạo Nhật sau đó không giải thích thêm vì sao có ý định này. Tuy nhiên, nếu nhìn vào danh sách sẽ thấy các nước này đều nằm trong khu vực Nam bán cầu hoặc là những đối tác quan trọng của Tokyo tại một số khu vực.
Chẳng hạn Úc là đối tác quan trọng của Nhật Bản trong nhóm QUAD gồm Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản.
Hàn Quốc vừa khép lại các vấn đề lịch sử gây tranh cãi với Nhật Bản và đang hướng tới một giai đoạn phát triển mới.
Brazil, Comoros, Quần đảo Cook thuộc các nước Nam bán cầu mà Tokyo đang muốn đẩy mạnh quan hệ dựa theo sách trắng về Nam bán cầu vừa công bố tuần trước.
Việt Nam đã được mời dự thượng đỉnh G7 nhiều lần
Đông Nam Á là khu vực duy nhất có hai nước nằm trong ý định mời của Nhật Bản, gồm Việt Nam và Indonesia.
Việc mời Indonesia là điều dễ hiểu bởi nước này đang là chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2023.
Hiện Nhật Bản đang thúc đẩy việc trở thành đối tác chiến lược toàn diện thứ năm của ASEAN sau Úc, Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ. Tokyo cũng đang hướng tới một hội nghị cấp cao đặc biệt để kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ với ASEAN trong năm nay.
Do đó, việc ông Kishida muốn mời Việt Nam là một động thái đáng chú ý và có ý nghĩa.
Việt Nam hiện đang là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (nhiệm kỳ 2023 - 2025) và là nước có tiếng nói quan trọng trong ASEAN. Năm 2023 cũng đánh dấu tròn 50 năm Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ.
Nếu Việt Nam đồng ý dự G7 tại Nhật Bản, đây cũng không phải là lần đầu tiên nước ta góp mặt tại sự kiện này.
Hồi năm 2016, dưới thời Thủ tướng Abe Shinzo, Việt Nam lần đầu tiên được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 do Nhật Bản đăng cai.
Động thái này đã mở đường cho Canada mời Việt Nam đến hội nghị G7 năm 2018.
Năm 2019, khi Nhật Bản tổ chức hội nghị G20, lãnh đạo Việt Nam tiếp tục được mời đến dự sự kiện quan trọng này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận