14/09/2015 09:11 GMT+7

Thói quen tìm “quyền trợ giúp”

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TT - “Quyền trợ giúp” rất đa dạng, tùy vào khả năng và mối quan hệ của mỗi người. Đó là những người quen làm ở cơ quan công quyền, hoặc có quen biết người ở cơ quan công quyền...

Trả lời của ông Trần Ngọc Tâm - cục phó Cục Thuế TP.HCM: “Về phía người nộp thuế, đôi khi cứ quen chuyện đến cơ quan công quyền phải gửi nọ gửi kia, khi đòi hỏi cao hơn thì cảm thấy bực bội” (“Bị nhũng nhiễu khi hoàn thuế: lỗi do người nộp thuế?”, Tuổi Trẻ ngày 12-9) đã đặt ra nhiều suy nghĩ vì chuyện này không chỉ xảy ra trong ngành thuế.

Tình trạng “gửi nọ gửi kia”, hiểu đơn giản đó là người dân đã tìm đến “quyền trợ giúp” bởi họ cảm thấy không thể tự giải quyết vấn đề của mình. Vì sao trước khi đến cơ quan công quyền hoặc đến nơi nhưng chỉ cần đối đáp ít lời với người thụ lý hồ sơ là trong đầu người dân đã bật lên suy nghĩ phải tìm, nhờ cậy đến “quyền trợ giúp”?

Nêu câu hỏi này vì cầu cứu “quyền trợ giúp” có ở nhiều nơi khi người dân sử dụng dịch vụ công (xin phép xây dựng, mua bán nhà đất, xin chỗ học, chữa bệnh, nộp thuế, hoàn thuế, làm giấy tờ tùy thân...), hay phải liên quan đến pháp luật (vi phạm giao thông, vi phạm xây dựng...).

“Quyền trợ giúp” rất đa dạng, tùy vào khả năng và mối quan hệ của mỗi người. Đó là những người quen làm ở cơ quan công quyền, hoặc có quen biết người ở cơ quan công quyền, cũng có thể là tiền bạc, quà cáp, người không quen biết thì tìm “quyền trợ giúp” thông qua “cò”.

Cũng phải ghi nhận rằng từ lâu các cơ quan công quyền đã kiên quyết xử lý những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của nhân viên thừa hành. Không chỉ vậy, nhiều nơi còn ngăn chặn nhũng nhiễu, tiêu cực bằng những quy trình thụ lý hồ sơ rõ ràng, khoa học...

Nhưng cũng có thực tế là những người thừa hành nhiệm vụ tuy làm đúng quy trình nhưng thay vì tận tình hướng dẫn, xem việc người dân hoàn thành thủ tục là nhiệm vụ của mình thì lại hành xử máy móc, dẫn điều này, luật nọ ra, hoặc hỏi lòng vòng bên ngoài một chút khiến người đi làm thủ tục hoảng, lo sợ bị hỏng việc.

Nhiều người nói rằng một số người thừa hành không vòi vĩnh, mà là phủ đầu để người không rành pháp luật phải cầu cạnh, biết điều hoặc tìm “quyền trợ giúp”. Như: nhân viên hải quan nói vu vơ với người nhập cảnh “sao mang về nhiều đồ thế?”, cán bộ thuế: “biên lai đóng thuế đất các năm đâu?”, cảnh sát giao thông: “lỗi này theo nghị định thì mức phạt cao lắm”, nhân viên thụ lý hồ sơ nhà đất ở quận: “trường hợp này hơi phức tạp”, “khó cấp phép vì khu vực này quy hoạch chưa rõ ràng”...

Thực tế cũng có người đi làm hồ sơ nhờ am hiểu luật pháp nên có đủ lý lẽ để bỏ qua những lời phủ đầu hoặc chất vấn ngược lại những yêu cầu hoặc đòi hỏi không hợp lý của cán bộ thừa hành.

Chẳng ai muốn cậy đến “quyền trợ giúp”. Dù thủ tục có thoáng, quy trình giải quyết hồ sơ rõ ràng, nhưng thái độ phục vụ của người thi hành công vụ vẫn theo kiểu ban ơn, nhờ tôi mà hồ sơ mới được giải quyết, hoặc phải tự hiểu và đáp ứng các thủ tục theo quy định... thì người dân vẫn tìm một chỗ dựa nào đó cho được việc.

Cải cách hành chính theo hướng đơn giản thủ tục, xây dựng quy trình xử lý hồ sơ là đúng. Nhưng nếu không đột phá vào thái độ, cung cách phục vụ của viên chức, bớt đi câu hỏi hù dọa, làm khó; đánh giá viên chức qua việc hoàn thành hoặc có để tồn đọng hồ sơ của người dân... thì may ra mới góp phần giảm bớt thói quen đến “cửa quan” phải tìm “quyền trợ giúp” của một bộ phận người dân.

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên