Tại TP.HCM, từ 2021 đến quý 1-2024 chỉ có ba dự án với 865 căn xây xong, còn sáu dự án đang triển khai. Ngược lại, trong danh sách chờ gỡ vướng pháp lý có đến 37 dự án với số lượng căn lên đến 35.000...
Mới nhất, về chính sách, sẽ bổ sung thêm hình thức cho thuê nhà ở xã hội, có thêm lựa chọn cho người lao động, thay vì chỉ bán, sở hữu.
Nhưng xây và cho thuê mới chỉ là bàn, bởi còn phải kèm theo nhiều hỗ trợ từ Nhà nước, như tư nhân đang tự xoay, chẳng ai có thể vay ngân hàng để xây và cho thuê nhà ở xã hội - như ý kiến của doanh nghiệp nêu tại tọa đàm mới đây do báo Tuổi Trẻ tổ chức. Thế mới biết, đâu phải cứ ra chủ trương, thậm chí có tiền, là có ngay nhà ở xã hội phục vụ cho dân.
Nếu nói phát triển nhà ở xã hội là ưu tiên thì chí ít thủ tục dù chặt chẽ nhưng cũng phải dễ thực hiện, tinh gọn hơn so với nhà ở thương mại. Nhưng điều mà mọi doanh nghiệp đều ngán ngại, kể cả làm nhà ở xã hội, vẫn là hai chữ "thủ tục". Mà không xong thủ tục, dự án chưa đủ pháp lý, làm sao ngân hàng có thể giải ngân.
Với doanh nghiệp bất động sản, thời gian là tiền bạc. Vậy mà mỗi lần có vướng mắc, một văn bản gửi đi mất cả tháng mới được hồi âm, thậm chí chẳng được hồi đáp.
Như chủ đầu tư một dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM cho biết dù có đất nhưng mất đến 5 năm nhưng vẫn chưa xong thủ tục để xây dựng. Lãi suất cho vay thương mại bình quân khoảng 13%/năm, phải chờ 5 năm, lãi phát sinh chóng mặt, sao có thể giảm được giá thành cho người mua nhà ở xã hội.
Đành rằng nhà ở xã hội được ưu đãi vì thế phải chặt chẽ để không bị trục lợi. Nhưng quy trình hậu kiểm nghiêm ngặt cũng khiến đơn vị thực hiện "ngại ra mặt" và cảm thấy thông cảm, thậm chí "đáng thương" cho cán bộ các sở ngành đã ký duyệt dự án.
Thậm chí ngay UBND phường xác nhận đối tượng mua nhà cũng mất ăn mất ngủ khi có kiểm tra. Áp lực đó là có thật, và để giảm bớt áp lực, mọi thứ lại đổ ngược lại cho chủ dự án, cho người mua nhà ở xã hội, không chuẩn thì khó qua...
Nhìn chung, dù được hàng triệu người kỳ vọng và là chương trình lớn của quốc gia, được ưu tiên thực hiện, nhưng nếu kể khó về quá trình xây dựng và mua nhà ở xã hội, câu chuyện sẽ còn dài, rất dài, thậm chí có cả chua xót lẫn bất bình.
Vì vậy, lúc này mọi người đang hy vọng "trời sẽ sáng" cho những doanh nghiệp xây dựng và người có nhu cầu nhà ở xã hội khi Luật Nhà ở sửa đổi, dự kiến có hiệu lực từ 1-7. Trong đó sẽ quy định rõ ràng hơn về quỹ đất, cho vay ưu đãi, điều kiện để nhận ưu đãi...
Một hành lang pháp lý mới sẽ định hình lại thị trường phát triển nhà ở xã hội. Nhưng điều quan trọng là các quy định mới đó phải được triển khai trong tâm thế mới, phải đồng hành cùng doanh nghiệp, cùng người lao động muốn an cư.
Nếu không, sẽ còn chật vật để thực hiện mục tiêu 1 triệu nhà ở xã hội. Hãy làm tất cả để hình thành "thời của nhà ở xã hội", đó là món quà lớn nhất dành cho hàng triệu người có thu nhập thấp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận