Vướng cơ chế để cung cấp đủ vật liệu cho 10 dự án cao tốc qua miền Trung
Báo cáo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tình hình triển khai các thủ tục về vật liệu xây dựng thông thường phục vụ xây dựng dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông vận tải cho biết:
Với 10 dự án thành phần từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa có nhu cầu khoảng 17,1 triệu m3 đá, 8,95 triệu m3 cát, 45,3 triệu m3 đất đắp.
Hiện tổng công suất khai thác đá trong khu vực khoảng 6,4 triệu m3/năm. Nếu tính nhu cầu đá cho thời gian thi công 1,5 năm (thời điểm sử dụng nhiều nhất cho móng, mặt đường) thì còn thiếu khoảng 7,5 triệu m3 đá.
Nhu cầu cát của các dự án khoảng 8,95 triệu m3. Với tổng công suất khai thác hiện nay khoảng 1,76 triệu m3/năm, nếu tính nhu cầu cát cho thời gian thi công 1,5 năm (thời điểm sử dụng nhiều nhất cho xử lý đất yếu) còn thiếu khoảng 1,9 triệu m3.
Về đất đắp nền đường, các địa phương quy hoạch 86/90 mỏ đã đảm bảo nhu cầu cho dự án. Đối với các mỏ đang khai thác, so với nhu cầu của dự án còn thiếu khoảng 3 triệu m3.
Đơn vị tư vấn đã khảo sát 102 mỏ đá, 114 mỏ cát, 109 mỏ đất đắp, dự kiến sử dụng đất tại 90 mỏ, đáp ứng về trữ lượng, chất lượng để phục vụ dự án.
Tuy nhiên về khả năng khai thác, cung ứng vật liệu theo giấy phép khai thác như hiện nay, các mỏ đều khai thác với công suất hạn chế, chưa đáp ứng theo tiến độ thi công của các dự án. Nếu áp dụng cơ chế cho tăng 50% công suất khai thác các mỏ cát tại miền Trung như với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo nghị quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ thì cũng chưa đủ nhu cầu của dự án.
Hai dự án cao tốc qua miền Tây thiếu cát
Với hai dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau, Bộ Giao thông vận tải cho biết qua khảo sát nguồn đá, đất đắp nền đường đã đủ trữ lượng, chất lượng, công suất khai thác khoảng 1,37 triệu m3 đá; khoảng 1,7 triệu m3 đất đắp nền đường.
Với nguồn cát sông, hai dự án cần khoảng 18,5 triệu m3. Đến nay mới có tỉnh An Giang dự kiến cung cấp khoảng 1,1 triệu m3 cát từ nguồn tăng 50% công suất các mỏ đang khai thác.
Các địa phương đã có kế hoạch bố trí khoảng 28 triệu m3 cát để thi công các dự án của địa phương. Cho nên với tổng công suất khai thác hiện nay của 24 mỏ là khoảng 6,17 triệu m3/năm, nếu tăng công suất thêm 50% trong hai năm theo nghị quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ và dành toàn bộ phần tăng thêm này (khoảng 6,17 triệu m3) vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của dự án.
Theo báo cáo của tư vấn và các địa phương, tổng trữ lượng các mỏ cát trong quy hoạch khoảng 215,58 triệu m3. Tuy nhiên, nguồn cát từ các tỉnh Vĩnh Long (có khoảng 42,3 triệu m3 cát), Sóc Trăng (có khoảng 85 triệu m3) thuộc hạ lưu sông Tiền, sông Hậu có chất lượng kém do lẫn nhiều tạp chất, hàm lượng bùn sét lớn.
Đối với nguồn cát biển, theo nghiên cứu của Bộ Tài nguyên và Môi trường và chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải về thử nghiệm dùng cát biển cho các dự án giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhanh nhất phải đến cuối năm 2023 mới có thể xác định được khả năng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của cát biển để làm đường. Vì vậy, trong năm 2023 và 2024 nguồn cát cho các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 chủ yếu vẫn là cát sông.
Nâng công suất khai thác, sớm mở mỏ mới để cung cấp vật liệu làm đường
Để đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng cho các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các sở ngành phối hợp với chủ đầu tư, các nhà thầu thi công dự án rà soát để nâng công suất các mỏ đá, mỏ cát, mỏ đất đã cấp phép, đang khai thác đáp ứng nhu cầu thi công đường cao tốc Bắc - Nam; hướng dẫn các chủ đầu tư, nhà thầu thủ tục để giao cho nhà thầu khai thác các mỏ cát đã có trong quy hoạch…
UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long ưu tiên nguồn cát cho dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau và hướng dẫn chủ đầu tư, nhà thầu hoàn thiện các thủ tục mở mỏ trong tháng 1-2023 để có thể khai thác, phục vụ thi công; thực hiện tăng 50% công suất các mỏ cát đang khai thác để cung cấp ngay cho dự án.
Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản hướng dẫn các địa phương về các vướng mắc về thủ tục liên quan đến khai thác các mỏ vật liệu xây dựng thông thường, phương án đền bù giải phóng mặt bằng để thực hiện thu hồi đất đối với các mỏ được khai thác cho dự án; nghiên cứu tham mưu trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung nghị quyết số 18/NQ-CP cho phép UBND các tỉnh khu vực dự án từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa được nâng công suất các mỏ cát nhằm đáp ứng tiến độ dự án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận