Nhưng thực tế đang diễn ra. Người thầy thuốc không có đủ phương tiện để chữa trị, cứu người tốt nhất, dù dư luận, cấp quản lý đã nhiều lần lên tiếng phải giải quyết ngay nạn thiếu vật tư y tế, trang thiết bị khám chữa bệnh.
Kỷ niệm ngày thầy thuốc, nhiều bệnh viện thông báo xin "miễn tiếp khách và không nhận hoa, quà biếu". Ai cũng hiểu lãnh đạo nhiều bệnh viện đang "ngồi trên đống lửa" và ưu tiên duy nhất của họ lúc này là làm sao có thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế để duy trì hoạt động.
Ngành y ba năm qua đầy sóng gió, có cả thiên tai (dịch COVID-19) và nhân tai (các sai phạm đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế). Khó khăn nối tiếp khó khăn khi hàng loạt cơ chế chính sách vẫn còn "mắc kẹt" chưa biết lúc nào được khơi thông.
Vấn đề quá lớn, đụng chạm sức khỏe của toàn dân, vậy mà vẫn cứ chậm giải quyết, đeo bám ngành y, đẩy người thầy thuốc vào thế khó. Đúng hơn là trói tay người thầy thuốc chữa bệnh cứu người.
Không ai có thể tin Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ còn một máy chụp CT scanner hoạt động. Các hệ thống máy siêu âm, máy chụp MRI, chụp PET/CT ngoắc ngoải, nay chạy mai dừng do thiếu hóa chất hoặc hư hỏng. Bi đát hơn cả là từ chỗ luôn "gánh" bệnh, nay họ phải "năn nỉ" chuyển bệnh, mỗi ngày lên tới 400 ca.
Không riêng gì Chợ Rẫy, cả Việt Đức, Bạch Mai và nhiều bệnh viện cả nước đang "ăn đong" hóa chất xét nghiệm, vật tư tiêu hao. Chưa lúc nào các bệnh viện lại phải thu hẹp "danh mục phục vụ người bệnh" như bây giờ. Hạn chế mổ phiên, ưu tiên mổ cấp cứu; hạn chế điều trị ngoại trú, ưu tiên bệnh nhân nội trú; hạn chế bệnh nhẹ, ưu tiên bệnh nặng.
Tình trạng nguy cấp của các bệnh viện được ông Trần Bình Giang, giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), đúc kết trong năm từ "cấp cứu của cấp cứu".
Thực tế phơi bày như nhát dao chà xát thêm vào nỗi đau của người thầy thuốc. Nỗi đau của người thầy thuốc là khi biết người bệnh đang mong chờ gì nhưng lại không thể đáp ứng. Tay nghề, tấm lòng cứu người, thành tựu y khoa... một phần đã bị vô hiệu hóa chỉ vì thầy thuốc đang bị "trói tay" bởi cơ chế.
Cứu người như cứu hỏa. Các bệnh viện đã rất nhiều lần kiến nghị, chỉ rõ hàng loạt nguyên nhân của việc đấu thầu, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị thuốc men ngưng trệ, tê liệt. Đó là các vướng mắc về quy định "giá gói thầu", quy định "3 báo giá" từ nghị định 98, nghị định 63, thông tư 68, thông tư 14 và nghị quyết 144... Đây cũng là nguyên nhân sâu xa của việc "không dám đấu thầu, ngại mua sắm" lâu nay.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, trong cuộc làm việc với Bộ Y tế, đã "chốt": "Trong tháng 3 phải cơ bản giải quyết các vướng mắc của ngành y tế". Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng đã khẳng định sự quyết tâm bằng lời hứa: "Các vấn đề nóng của ngành sẽ được giải quyết ngay trong tháng 2 hoặc đầu tháng 3-2023".
Vướng mắc đã được nhận diện. Cam kết đã được đưa ra. Cả xã hội đang trông chờ thực hiện lời cam kết đó một cách trọn vẹn, thông suốt để người thầy thuốc được "rảnh tay" chữa trị, cứu người. Đó là mong mỏi lớn nhất của người thầy thuốc và cũng là món quà tri ân ý nghĩa nhất dành tặng cho họ lúc này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận