Phóng to |
Thầy Việt và con voọc chà vá chân đen được thầy giải cứu |
Giờ đây, câu chuyện về “thầy giáo cứu voọc” đã trở thành chuyện bình thường ở xã vùng sâu Măng Bút (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) và được đưa lồng ghép vào các chương trình ngoại khóa. Thú rừng vẫn còn, thợ săn tiếp tục truy đuổi và những cuộc giải cứu để giành lấy sự sống cho các loài linh trưởng bé nhỏ giữa đại ngàn của thầy Trần Quốc Việt - giáo viên bộ môn hóa sinh Trường THCS xã Măng Bút - cũng vì thế chưa kết thúc.
Từ một chú khỉ con
Chưa vợ nhưng... có ba con Nhiều thầy cô ở Trường THCS Măng Bút nói vui rằng thầy giáo Việt đang phải cảnh... gà trống nuôi con dù thầy chưa từng kết hôn. “Ba người con” của thầy cũng chính là ba học sinh gồm các em Y Hảo, A Dơng, A Chung - mất bố mẹ hoặc hoàn cảnh quá nghèo được thầy Việt nhận về nuôi và cho ăn học. |
Chiều 24-10, như thường lệ thầy giáo Trần Quốc Việt không phải lên lớp mà ở nhà chuẩn bị bài. Nhưng buổi chiều hôm đó không khí tại túp lều tạp hóa nhỏ của thầy thật sự đông hơn thường ngày: có khoảng chục học sinh và cả người lớn xúm xít bên một sinh linh bé bỏng cỡ chiếc chai đựng rượu. “Sinh linh bé nhỏ” này - như cái tên mà thầy giáo Việt gọi - chính là một chú khỉ mới sinh cỡ chừng ba tháng tuổi
Chú khỉ này là một thành viên mới tinh được “gia nhập” ngôi nhà của thầy Việt. Ngôi nhà chỉ có ba người gồm thầy giáo trẻ, em trai và một cậu học trò nghèo khó vừa được thầy nhận về nuôi ăn học. Thầy Việt kể lại việc cứu “đứa con” mới của mình như sau: “Chiều 24-10, thông thường đây là thời điểm người dân đi rẫy về rất đông, họ thường ghé quán mua cá khô, nước mắm hoặc dầu về thắp đèn. Lẫn trong đó, một người đàn ông Ba Na rụt rè đứng phía sau cất tiếng hỏi thầy giáo có mua khỉ không.
Nghe đến khỉ sống, thầy bỗng giật mình. Kinh nghiệm nhiều lần tiếp nhận những vụ mua bán động vật khiến thầy chợt nghĩ ngay trong đầu: dân địa phương ở đây rất nghèo, họ sống bằng việc săn bắn là điều bình thường nhưng không phân biệt được khỉ với voọc hay thú quý hiếm. Thầy giáo tiến đến mở chiếc bọc chứa chú khỉ đang quằn quại vì một vết cắt ngang bụng. Chú khỉ này là thành viên yếu ớt nhất bị bầy đàn bỏ lại sau khi dính bẫy thợ săn.
“Này ông già, đây không phải là khỉ. Là con voọc đấy? Con voọc cũng giống như con khỉ nhưng quý hơn, quý hơn cả cái nhà rông của mình. Cái này Nhà nước cấm tiệt rồi, phải để cho nó sống, không được săn bắn, động vào nó là người làng mình phải đi tù ít nhất 10 năm đấy!” - thầy Việt nói. Nghe đến từ “đi tù”, người thợ săn giật bắn mình và rụt chiếc bao lại. Đoán được nỗi sợ của người đàn ông Ba Na khốn khổ, thầy Việt tiếp lời: “Thôi bây giờ ông già đưa con khỉ đây rồi mình đưa 150.000 đồng về mua rượu uống, ai hỏi thì nói nó bị sổng bao chạy tót vào rừng mất rồi”.
Suốt hai ngày trời sau đó, thầy Việt và em trai đốt lửa sưởi ấm cho chú khỉ, đi tìm bình bú để mớm sữa cầm hơi cho lại sức. “Hôm nay đã là ngày thứ ba nó ở với mình, đã bắt đầu biết người quen, nhưng đợi khoảng vài tháng nữa cứng cáp hơn mình sẽ đưa qua khu rừng bên kia để thả” - thầy Việt nói.
Đến cuộc giải cứu voọc chà vá
"Thầy Việt là một giáo viên bộ môn hóa sinh nên ít nhiều có kiến thức về công tác bảo tồn. Tôi thấy việc thầy Việt tiếp nhận cứu hộ, thả về rừng nhiều động vật hoang dã quý hiếm là việc đáng để ghi nhận. Nhiều khi nghe thầy Việt gọi điện nói mua được một động vật quý nhưng thầy lại băn khoăn, không biết việc làm của mình có bị hiểu lầm không thì tôi chia sẻ và tìm cách tháo gỡ vấn đề cùng thầy" |
Đây rõ ràng là khỉ sao thầy giáo lại nói với người kia là con voọc? Thầy Việt phá lên cười: “Không nói thế thì làm sao họ chịu để lại cho mình, mình là thầy giáo không có nhiều tiền, cỡ con khỉ này đưa 200.000 đồng thì họ không bao giờ bán! Mình phải dùng mẹo thế để lấy bằng được con khỉ, phải nói “đi tù” thì dân họ mới sợ mà giao khỉ cho mình”.
Thầy giáo Việt kể vui cũng vì nhờ mẹo mà cách đây chưa lâu, chính thầy đã tự tay “giải cứu” thành công hai mẹ con voọc chà vá chân đen - loài động vật thuộc nhóm nguy cấp đang bị săn đuổi ráo riết ở các mạn rừng Kon Plông. Một ngày cuối tháng 3, đang dự giờ trên lớp thì bỗng điện thoại thầy giáo rung lên. Bên kia đầu dây, một người đàn ông địa phương cất tiếng hỏi thầy có mua voọc không. Ngay lập tức thầy Việt nhờ người đứng lớp hộ rồi về nhà gặp hai thợ săn địa phương. “Chưa lúc nào mình có cảm giác buồn như khi đó. Đó là hai con voọc chà vá chân đen thật chứ không phải khỉ. Mình là thầy giáo hóa sinh nên biết ngay. Đáng thương là voọc mẹ bị bỏ đói thỉnh thoảng lại gục xuống, bên cạnh là voọc con hai tay bấu cứng bụng mẹ vì sợ hãi” - thầy Việt nhớ lại.
Sau khi thương thảo thành công, hai thợ săn đồng ý đổi cho thầy giáo Việt hai con voọc để lấy... 1 lít dầu ăn và 10 gói mì tôm. Thầy giáo Việt nói sở dĩ “đổi rẻ” được như thế là do thầy nói thật sẽ báo kiểm lâm về việc họ đi săn bắn động vật quý hiếm. Lần đầu tiên tiếp nhận hai động vật hoang dã quý hiếm, thầy Việt thật sự hoang mang. Vừa lo sợ người khác hiểu nhầm mình mua bán động vật quý hiếm, vừa không biết tính sao để hai mẹ con voọc này sống được cho tới khi lực lượng cứu hộ vào tiếp nhận. “Bình tĩnh lại, mình tìm số điện thoại các trung tâm cứu hộ và được hướng dẫn trước hết phải báo về kiểm lâm địa bàn” - thầy Việt kể.
Tuy nhiên theo thầy Việt, chỉ sau cuộc gọi đầu tiên cho hạt kiểm lâm thì mấy phút sau có một số điện thoại lạ gọi tới ngã giá hai chú voọc 20 triệu đồng. “Mình nghĩ có thể người ta không tin mình có ý tốt nên gọi điện thăm dò cũng nên” - thầy Việt nói. Suốt hai ngày đêm hôm đó, thầy giáo Việt bận bịu liên tục với việc “cứu hộ” voọc. “Voọc cực kỳ khó ăn, chỉ thích ăn những loại lá, quả chát” mà mình chưa có kinh nghiệm bao giờ. Đưa về nhà cứ lo nơm nớp, phải chăm như con mọn. Mình phải nhờ người ở thành phố Kon Tum mua bầu bú, rồi tìm mua sữa tươi nhưng sau khi gọi lên trung tâm cứu hộ thì họ mắng xối xả: “Thầy phải ngưng cho voọc dùng sữa tươi ngay, tìm lá rừng thích hợp để cầm hơi voọc đợi chuyên gia vào”.
Hai ngày nhận nuôi và chăm sóc voọc là hai ngày đầy ắp nỗi lo và cũng là thời khắc đáng nhớ nhất của thầy giáo trẻ. “Đêm nào hai anh em cũng ngồi đốt lửa giữ ấm cho voọc vì sợ nó chết. Tranh thủ lên lớp được chút lại có điện thoại của một chuyên gia Vườn Cúc Phương hướng dẫn chăm sóc voọc”. Hai ngày ròng rã “ôm con mọn” tới khi lực lượng cứu hộ thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên lên tận nơi nhận voọc, thầy Việt mới cảm thấy “trút được một tảng đá lớn đè nặng trong lòng”.
Thầy Việt kể không chỉ voọc chà vá, khỉ mà nhiều lần khác thầy đã tự tay mua, đổi hàng hóa, chăm sóc rồi thả về rừng thành công nhiều loài động vật quý hiếm. Tháng 6-2013, một người đàn ông đem đến bán một con voọc. Sau hơn một ngày chăm sóc, giữ cho voọc bình tĩnh lại, tờ mờ sáng một ngày giữa tháng 6 thầy giáo Việt cùng người em trai dậy từ lúc 4 giờ sáng chạy xe máy vào một khu rừng cách nhà khoảng 12km thả voọc về rừng. “Thật khó tìm một nơi an toàn cho voọc vì khắp nơi đâu đâu cũng có bẫy. Chỉ hai ngày sau có một người dân mang đến cho mình một con voọc đã vặt trụi lông. Nhìn nó mình choáng váng vì người thợ săn nói đã bắn được ở ngay chính nơi mình thả. Cuối cùng nhìn vào nách chú voọc không thấy hai vết thương mà chú dính phải trước đó, mình mới nhẹ lòng”.
Thầy giáo Trần Quốc Việt tâm sự mỗi lần cứu được một động vật hoang dã là mỗi lần lại thấy tâm hồn mình thanh thản hơn. “Động vật, đặc biệt là các loài linh trưởng, chẳng khác gì con người, cũng biết lo sợ, biết yêu thương, có trí khôn và biết cảm ơn người. Có hôm hai anh em ôm con voọc thả vào rừng, vừa thả ra là thấy nó chạy bạt mạng, nhưng đi được một lúc nó quay lại nhìn mình bằng ánh mắt rất kỳ lạ hàm chứa sự biết ơn. Đó là ánh mắt ám ảnh nhất đối với mình” - thầy Việt nói.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
“Giải cứu” động vật quý hiếm thả vào rừngCứu voọc chà vá chân xám"Thiên đường" cho voọc hồi sinhQuảng Ngãi: phát hiện voọc chà vá chân xám
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận