27/03/2013 07:59 GMT+7

Thay đổi mình trước khi kêu khó

KHIẾT HƯNG
KHIẾT HƯNG

TT - Hiệp hội Truyền hình trả tiền (THTT) VN phản đối việc cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông tham gia cung cấp dịch vụ THTT nhằm bảo vệ hội viên của mình là điều dễ hiểu. Nhưng bảo vệ hội viên mà quên mất quyền lợi của người xem truyền hình, không xét đến những quy định về THTT thì động thái đó bị hiểu là bảo vệ cho sự độc quyền cũng không có gì lạ.

Không thể để người dân thiệt thòiTruyền hình trả tiền đấu nhau, người dùng hưởng lợiTruyền hình trả tiền: cuộc đấu lạ lùng

Theo quy chế quản lý hoạt động THTT, hai điều kiện đầu tiên trong tám điều kiện để được cấp phép cung cấp dịch vụ THTT (nội dung các doanh nghiệp viễn thông đang đề nghị được tham gia) gồm: là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật VN; có giấy phép thiết lập mạng viễn thông đáp ứng điều kiện kỹ thuật dịch vụ THTT, hoặc có thỏa thuận bảo đảm được thuê, sử dụng hạ tầng mạng viễn thông đáp ứng yêu cầu kỹ thuật dịch vụ THTT. Như thế, không hiểu căn cứ vào quy định nào để Hiệp hội THTT VN ngăn cản các doanh nghiệp viễn thông tham gia cung cấp dịch vụ THTT? Đó có phải nhằm mục đích bảo vệ một sự độc quyền nào đó trước khả năng thị trường xuất hiện những đối thủ nặng ký?

Điều đáng lo ngại khi doanh nghiệp viễn thông tham gia thị trường THTT có thể là chuyện độc quyền hạ tầng. Nhưng đây chắc chắn không phải là vấn đề khó giải quyết đối với cơ quan quản lý.

Suốt mười năm qua, người xem THTT phải chịu mức cước cao và không có nhiều lựa chọn dịch vụ chất lượng. Nay thị trường đang có tín hiệu cạnh tranh lành mạnh hơn, hi vọng có nhiều dịch vụ chất lượng hơn, nhưng chưa đi đến đâu thì đã bị “giội một gáo nước lạnh” bằng liên tiếp văn bản của Hiệp hội THTT VN gửi tới các cơ quan chức năng.

Cũng khoảng mười năm trước, khi thị trường viễn thông bắt đầu có sự cạnh tranh, các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường đã không ít lần bị “ông độc quyền” VNPT gây khó dễ. Tuy nhiên sự giám sát, quản lý của cơ quan nhà nước đã dần đưa thị trường đi vào cạnh tranh lành mạnh. Chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao, giá cước giảm liên tục. Ngay cả trong những thời điểm “bão giá” nhất của nền kinh tế thì giá cước viễn thông vẫn không ngừng giảm.

Câu chuyện mười năm trước của thị trường viễn thông giờ đây đang tái hiện ở thị trường THTT. Kẻ phá bĩnh lần này là các doanh nghiệp viễn thông nhưng đi tiên phong vẫn là Viettel. Và lần này các “ông độc quyền” hành động sớm hơn, vừa lên tiếng ngăn chặn sự tham gia của doanh nghiệp viễn thông vừa kêu khó cho mình nếu các doanh nghiệp viễn thông được cấp phép cung cấp dịch vụ THTT.

Còn nhớ ở thời điểm Viettel bước chân vào thị trường, VNPT đã không thay đổi chiến lược kinh doanh, vẫn giữ nguyên mức cước cao chót vót, đồng thời gây khó dễ cho các doanh nghiệp mới. Vì thế mức cước dịch vụ của Viettel đưa ra hấp dẫn hơn mức cước của VNPT rất nhiều và một số lượng lớn người tiêu dùng đã bỏ VNPT để chuyển sang dùng dịch vụ của Viettel. Cuộc đua giảm giá cước nhằm giành giật thị trường diễn ra sau đó phần nào có lợi cho người tiêu dùng.

Cạnh tranh là xu thế tất yếu của các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp đang nắm thế độc quyền, đang được tự mình quyết định giá dịch vụ bất chấp những bức xúc của khách hàng dĩ nhiên sẽ chẳng vui vẻ gì khi có sự cạnh tranh. Nhưng thay vì ngồi kêu khó và làm khó các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, nếu biết thay đổi chiến lược để phù hợp với tình hình thì sẽ không phải hụt hơi đuổi theo những đối thủ mới, trong khi cơ hội phát triển vẫn chia đều cho tất cả.

KHIẾT HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên