25/03/2013 08:49 GMT+7

Không thể để người dân thiệt thòi

KHIẾT HƯNG thực hiện
KHIẾT HƯNG thực hiện

TT - Nguyên thứ trưởng Bộ Bưu chính - viễn thông Mai Liêm Trực cho rằng do quản lý và chiến lược phát triển truyền hình trả tiền không được quan tâm đúng mức nên thị trường này vẫn ở mức độ phổ cập thấp. Điều này khiến người dân không được hưởng lợi như ở lĩnh vực viễn thông.

Truyền hình trả tiền đấu nhau, người dùng hưởng lợiNhững câu hỏi dành cho VTV về EPLVTV có biết trước trận “Trân Châu cảng EPL”?

qMEITRfI.jpg
Ông Mai Liêm Trực - Ảnh: Việt Dũng
Luật đã có, thẩm quyền đã rõ nên cần sớm cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông tham gia thị trường truyền hình trả tiền (THTT). Nếu mở cửa thị trường chậm trễ, người dân sẽ chịu thiệt.

Đó là quan điểm của ông MAI LIÊM TRỰC, nguyên thứ trưởng Bộ Bưu chính - viễn thông (nay là Bộ Thông tin - truyền thông). Ông Trực là người đã tham gia việc quyết định mở cửa thị trường viễn thông cũng như cấp phép cho làm thí điểm truyền hình kỹ thuật số.

Giá sẽ giảm 1/2

* Thưa ông, sau mười năm nhưng thị trường THTT phát triển vẫn rất chậm. Có vẻ như bài học về mở cửa thị trường viễn thông chưa được áp dụng ở đây?

- Đúng là rất tiếc khi mà đã có mười năm phát triển nhưng THTT vẫn ở mức độ phổ cập khá thấp. Giá cả không giảm như viễn thông mà lại tăng lên nên nhiều người dân vẫn chưa được tiếp cận dịch vụ này. Nguyên nhân, theo tôi, là do quản lý và chiến lược phát triển THTT ở VN không được quan tâm đúng mức ngay từ đầu và gần như để tự phát trong những năm vừa qua.

Thời điểm mở cửa thị trường viễn thông, cho Viettel tham gia vào thì viễn thông phát triển rất nhanh, giá cước giảm mạnh, mức độ phổ cập rất cao. Tất nhiên lúc đó chúng ta xác định chiến lược và lộ trình mở cửa thị trường viễn thông rõ ràng, hệ thống văn bản pháp quy rõ ràng. Còn với THTT thì khác, mãi sau này mới rõ cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Thông tin - truyền thông, còn thời kỳ đầu thì rất nhiều cơ quan quản lý nhưng cơ sở pháp lý không có. Giá cước tăng trong điều kiện độc quyền nhưng không cơ quan quản lý nào có ý kiến cả. Đấy là vai trò quản lý nhà nước chưa tốt. Do đó, việc quản lý làm sao để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia thị trường, thúc đẩy các doanh nghiệp có điều kiện tham gia thị trường, tạo nên sự cạnh tranh mạnh hơn là cần thiết.

YclO0qxQ.jpgPhóng to
Với lợi thế hạ tầng viễn thông, Viettel đang cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền qua Internet - Ảnh: Việt Dũng

* Nhưng Hiệp hội Truyền hình trả tiền VN lại phản đối việc cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông tham gia cung cấp dịch vụ THTT?

- Doanh nghiệp viễn thông tham gia thị trường THTT là điều rất tốt. Bản thân các doanh nghiệp này đã có cơ sở hạ tầng tốt. THTT thì có thể cung cấp qua vệ tinh, qua cáp quang, qua đường truyền sóng mặt đất. Trong khi đó, hệ thống cáp quang của các doanh nghiệp viễn thông đã phổ cập được đến xã, đến thôn nên cần tận dụng để trên một đường cáp quang đó mình có thể cung cấp nhiều dịch vụ cho người dân, góp phần tiết kiệm đầu tư, giảm giá thành, giảm giá dịch vụ cho người tiêu dùng. Trong điều kiện hội tụ giữa viễn thông, công nghệ thông tin, phát thanh truyền hình thì tôi rất ủng hộ các doanh nghiệp viễn thông, nhất là những doanh nghiệp hoạt động rộng trong phạm vi cả nước, tham gia vào thị trường THTT.

Kinh nghiệm thị trường di động cho thấy trước đây khi còn độc quyền thì giá cả rất đắt và chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng rất hạn chế. Nhưng có sự cạnh tranh thì người tiêu dùng có quyền chọn lựa, các doanh nghiệp phải chạy theo nếu không muốn mất khách hàng.

Tuy nhiên, tôi thấy rất lạ lùng khi có ý kiến nói thị trường THTT đã bão hòa. Bây giờ mới 20% hộ gia đình được sử dụng mà nói bão hòa thì không thể tin nổi.

* Ông có cho rằng đang có sự cạnh tranh trên thị trường THTT không?

- Nếu nói cạnh tranh thì phải nói đến việc cung cấp dịch vụ trên địa bàn cả nước, còn những công ty chỉ cung cấp trên địa bàn một địa phương thì không có giá trị cạnh tranh. Chẳng hạn tôi biết tại một số thành phố chỉ có mấy doanh nghiệp chiếm đến 70% thị phần mà các doanh nghiệp đó của một chủ thì cái đấy không phải là cạnh tranh. Hiện nay thị trường THTT chưa có cạnh tranh, nếu có thì giá cước đã giảm rồi. Không có chuyện cạnh tranh mà giá cước lại vẫn tăng.

Vì thế, phải có thêm doanh nghiệp hoạt động trên phạm vi toàn quốc vào thị trường này để làm sao mỗi doanh nghiệp chiếm 20-30% thị phần, không để doanh nghiệp nào chiếm thị phần khống chế. Lúc đó, tôi tin giá dịch vụ sẽ giảm một nửa so với hiện nay và khả năng phủ sóng đến nông thôn, khả năng người dân tiếp cận với dịch vụ này là khả thi. Bộ Thông tin - truyền thông nên mạnh dạn cho các doanh nghiệp viễn thông tham gia sớm vào thị trường.

Lo quá mức sẽ cản trở phát triển

* Thưa ông, các doanh nghiệp viễn thông đầu tư vào làm truyền hình có đi ngược với chủ trương doanh nghiệp nhà nước phải tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính không?

- Tôi rất ngạc nhiên khi ai đó nói rằng doanh nghiệp viễn thông làm truyền hình là đầu tư ngoài ngành. Không rõ họ dựa trên cơ sở nào? Trong các quy hoạch đều nói rõ THTT là một dịch vụ trên nền các mạng truyền dẫn và phát sóng. Việc này đứng về luật pháp đã rõ, không phải là đầu tư ngoài ngành. Tôi chỉ cung cấp dịch vụ đến người sử dụng, còn nội dung chương trình thì đơn vị nào làm phải theo Luật báo chí. Doanh nghiệp viễn thông tham gia cung cấp dịch vụ THTT thực chất là phát huy thế mạnh cơ sở hạ tầng của họ để cung cấp đa dịch vụ trên hạ tầng đấy. Nói họ đầu tư ngoài ngành là một sự ngụy biện.

Dĩ nhiên, người độc quyền bao giờ cũng muốn bảo vệ sự độc quyền của mình. Tôi chứng kiến điều đó rất nhiều khi mở cửa thị trường. Lúc tôi làm tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện và cấp phép cho VTC thí điểm làm truyền hình số mặt đất thì tôi cũng bị phản ứng rất mạnh. Hay khi Đài truyền hình TP.HCM đề nghị cho họ phát truyền hình qua vệ tinh thì họ cũng bị VTV phản đối. Lúc đó tôi bị Thủ tướng triệu tập lên hỏi nhiều lần. Nhưng bây giờ thì các đài phát sóng lên vệ tinh là bình thường.

Bởi vậy, chuyện Hiệp hội Truyền hình trả tiền VN và VTV phản đối thì tôi không lạ. Vấn đề quan trọng bây giờ là cơ quan nhà nước phải vững tay. Tất cả các nước khi chuyển từ độc quyền sang cạnh tranh đều có những phản ứng như vậy. Nếu cơ quan quản lý không mạnh mẽ, để 3-4 năm sau mới mở cửa thị trường THTT thì người dân sẽ chịu thiệt.

* Ngăn cản cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông chỉ là trở ngại bước đầu vì nhiều người lo ngại khi được cấp phép rồi họ cũng sẽ bị gây khó dễ trong việc tìm kiếm nội dung, vì doanh nghiệp viễn thông chỉ được cung cấp dịch vụ chứ không được sản xuất nội dung?

- Chuyện này đã xảy ra rồi. Trước đây VTV cũng không cho VTC phát một số kênh của mình trên hệ thống truyền hình kỹ thuật số VTC. Nhưng cuối cùng người ta vẫn phải làm, buộc phải để cho các nhà cung cấp khác phát. Các doanh nghiệp sẽ có những sáng kiến và có nguồn để tạo nội dung. Nhưng tôi cho rằng xu thế dần dần cũng mở ra chứ không để độc quyền sản xuất nội dung. Bây giờ đâu chỉ một mình đài trung ương sản xuất nội dung? Tôi nghĩ tương lai không có gì phải hạn chế, miễn là có sự kiểm soát, có tiêu chí, có điều kiện để anh sản xuất nội dung. Mình đã có nhiều bài học rồi, cứ lo quá mức sẽ làm cản trở sự phát triển, kéo dài sự thiệt thòi của người dân.

Phải xác định mức độ khống chế thị trường của một số đơn vị

* Theo ông, nếu xác định một số đơn vị đang có thị phần THTT khống chế thì có cần phải đưa dịch vụ của đơn vị đó vào diện phải quản lý về chất lượng, giá cước không?

- Đương nhiên là phải làm điều đó. Thời gian tới Bộ Thông tin - truyền thông phải xác định mức độ khống chế thị trường của một số đơn vị để nếu anh nào đang khống chế thị trường thì quản lý họ về chất lượng, giá cước, kể cả về khuyến mãi. Dần dần tiến tới quy định các nhà cung cấp dịch vụ THTT phải đăng ký, công bố chất lượng dịch vụ như đang làm đối với dịch vụ viễn thông. Định kỳ sẽ kiểm tra và công bố chất lượng dịch vụ của anh. Qua đó người tiêu dùng có thể lựa chọn dịch vụ tốt nhất.

KHIẾT HƯNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên