01/07/2021 08:11 GMT+7

Thay đổi cách sống và cách nghĩ

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Gần đây số ca mắc COVID-19 không có triệu chứng lại có chiều hướng tăng cao, càng dấy lên lo ngại bất kể ai cũng có thể mang trong mình mầm mống của virus...

Đại dịch sau 2 năm bùng phát đã hiện diện ở 219 quốc gia, vùng lãnh thổ với trên 182 triệu ca mắc, cướp đi sinh mạng của gần 4 triệu con người. Có thể nhận thấy càng ngày kẻ thù - virus corona càng khó lường cả về quy mô, mức độ, tốc độ và tính chất lây bệnh.

Qua nhiều chu kỳ biến hóa, kẻ thù của con người nay đã khác. Từ việc chỉ lây nhiễm qua các giọt bắn, các nhà nghiên cứu xác định virus này còn có khả năng lây qua đường không khí; từ một chủng virus đơn thuần đã đẻ ra hàng loạt biến chủng nguy hiểm; từ tấn công những người cao tuổi có bệnh lý nền, virus này đang âm thầm xâm nhập "hạ gục" cả những người trẻ, vốn có sức vóc khỏe mạnh. 

Đáng ngại hơn, gần đây số ca mắc COVID-19 không có triệu chứng lại có chiều hướng tăng cao, càng dấy lên lo ngại bất kể ai cũng có thể mang trong mình mầm mống của virus.

Điều này thể hiện rõ nét trong đợt dịch lần thứ 4 này. Theo đánh giá của ngành y tế TP.HCM, có khoảng 80% bệnh nhân mắc COVID-19 của đợt dịch này không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ.

Mới nhất ngày 29-6 có 20/81 nhân viên một công ty ở phường 25, quận Bình Thạnh mắc COVID-19 không có triệu chứng được phát hiện. Trước đó ít ngày, 52 nhân viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và 2 nhân viên Bệnh viện Nhân dân Gia Định mắc bệnh cũng hoàn toàn không có các triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị-khứu giác. 

Tất cả đều khỏe mạnh, đi làm bình thường và chỉ biết mắc COVID-19 khi được lấy mẫu xét nghiệm tầm soát.

Có nhiều phân tích về nguyên nhân của việc người bệnh không có triệu chứng như độc lực chưa cao, lượng virus xâm nhập chưa đủ lớn; sức đề kháng của cơ thể người bệnh cao hoặc đang trong giai đoạn ủ bệnh. Nhưng rõ ràng việc một người "không biết mình có bệnh", nếu không được xét nghiệm tầm soát sẽ vô cùng nguy hiểm cho cộng đồng.

Câu hỏi lớn nhất lúc này là làm sao đối phó, đi đến chặt đứt sự biến hóa khó lường của dịch bệnh? Thực ra ở mỗi chu kỳ phát triển của virus, chúng ta đều có sự nhận thức về mức độ nguy hiểm và đưa ra các "chiêu thức" khắc chế. 

Như khuyến cáo đeo khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập... giúp ngăn virus xâm nhập, nhân rộng; khai báo y tế giúp truy vết thần tốc hơn; tiêm vắc xin làm giảm sự tấn công của các chủng virus; xét nghiệm tầm soát diện rộng để "bắt" các F0 "lang thang", cả triệu chứng lẫn không triệu chứng...

Tuy vậy thực tế cũng cho thấy trong cuộc chiến với virus corona có lúc con người hụt hơi và việc phải rượt đuổi vẫn chưa có hồi kết. Và khi chưa thể chiến thắng COVID-19, điều chúng ta cần làm lúc này là tìm cách khống chế không để số ca mắc, số người tử vong tăng thêm. 

Do vậy, giải pháp huy động lực lượng lấy mẫu xét nghiệm với công suất 500.000 mẫu/ngày, song song với tiêm vắc xin cho người dân mà TP.HCM đang thực hiện là giải pháp căn cơ. Nhưng giải pháp này cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục cho đến khi vắc xin phủ sóng, đủ độ miễn dịch cộng đồng.

Còn mỗi cá nhân chúng ta, hãy "ngồi yên" nghiêm chỉnh thực hiện các biện pháp phòng ngừa khi chính quyền, ngành y tế cần. Thay đổi cách sống với cách nghĩ "có thể mắc COVID-19 bất cứ lúc nào" cũng là điều nên làm lúc này...

Bằng cách nào tìm ra Bằng cách nào tìm ra 'lối đi riêng' giữa đại dịch nặng nề?

TTO - Đợt dịch thứ 4 nặng nề khiến nhiều nghề sa lầy khó khăn, nhiều người đóng cửa tiệm và vô số mặt bằng treo bảng cho thuê... Nhưng vẫn có một số người quyết liệt khởi nghiệp hay tiếp tục đầu tư làm ăn. Họ đã làm điều đó thế nào?

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên