12/06/2020 10:06 GMT+7

Thanh toán qua ĐTDĐ tăng ấn tượng

L.THANH
L.THANH

TTO - Ông Phạm Tiến Dũng - vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng (NH) Nhà nước - cho biết như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về xu hướng phát triển của các dịch vụ thanh toán.

Thanh toán qua ĐTDĐ tăng ấn tượng - Ảnh 1.

Ông Phạm Tiến Dũng - vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước - phát biểu tại cuộc họp báo công bố chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày không tiền mặt 2020 chiều 26-5 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Dũng nói:

- Các dịch vụ thanh toán điện tử qua Internet và điện thoại di động (ĐTDĐ) đã đạt được những kết quả ấn tượng, cả về số lượng khách hàng cũng như số lượng và giá trị giao dịch. Trong 4 tháng đầu năm nay, thanh toán nội địa qua thẻ NH tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị.

Thanh toán qua kênh Internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% giá trị; qua kênh ĐTDĐ tăng 189% về số lượng và hơn 166% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Đến cuối tháng 3-2020, số lượng thẻ NH đang lưu hành đạt mức 103,1 triệu thẻ (tăng 22,4% so với cuối năm 2017)...

* Tuy nhiên, tỉ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán vẫn cao, tới 11,33%. Có ý kiến cho rằng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt còn khó sử dụng, quan điểm của ông thế nào?

- Hiện nay, nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin và viễn thông, các NH đã phát triển các phương tiện, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt mới, hiện đại, dễ sử dụng như thanh toán qua ĐTDĐ, thanh toán qua Internet, thanh toán thẻ...

Có thể khẳng định những ứng dụng thanh toán hiện đại trên thế giới đã được các NH VN triển khai cung ứng trên thị trường. Trong đó ứng dụng mobile banking đã rất tiện lợi, dễ sử dụng và được các NH không ngừng nâng cấp, cập nhật tiếp cận với tiến bộ công nghệ mới nhất như: xác thực vân tay, khuôn mặt... và được tích hợp với các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách hàng.

* Xin ông giải thích rõ hơn nội dung thanh toán trên ĐTDĐ sẽ là trụ cột?

- Để tạo sự chuyển biến rõ rệt về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, làm thay đổi dần tập quán sử dụng các phương tiện thanh toán, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, tại quyết định số 2545, Thủ tướng đã đề ra giải pháp khuyến khích phát triển thanh toán điện tử, trong đó có thanh toán trên ĐTDĐ.

NH Nhà nước đang nghiên cứu và dự kiến trong tháng 6 này sẽ trình Thủ tướng ban hành nghị định thay thế các nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, một loạt quy định mới về các phương tiện, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt mới, dịch vụ trung gian thanh toán, cung ứng tiền điện tử, quy định về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán...

Đáng chú ý là NH Nhà nước đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu và vừa trình Thủ tướng về việc cho phép triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (mobile money). Bản chất của dịch vụ này là sử dụng thông tin thuê bao di động được định danh để mở tài khoản di động. Do đó, chúng ta cũng không nên quá lo lắng vì sim rác. Bởi chỉ những thuê bao di động định danh mới được cấp phép tài khoản di động mobile money. Đây là những chính sách rất quan trọng để góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới và tăng cường việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ thanh toán trên địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Thời gian tới, NH Nhà nước cũng sẽ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện quyết định số 2545 của Thủ tướng làm cơ sở để xây dựng đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025, trong đó thanh toán qua ĐTDĐ là một trụ cột quan trọng.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy thanh toán qua ĐTDĐ, các NH thương mại đã tích cực phối hợp với các đơn vị cung ứng hàng hóa dịch vụ tích hợp ứng dụng mobile banking để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách hàng sử dụng dịch vụ.

Úc sắp cấm giao dịch bằng tiền mặt trên 10.000 đôla

uckhongtm 1(read-only)

Xu hướng không tiền mặt ngày càng nở rộ ở Úc - Ảnh: SMH

Theo dự luật tiền tệ 2019 được Chính phủ Úc công bố tháng 9-2019, việc giao dịch bằng tiền mặt hơn 10.000 đôla Úc sẽ là phạm pháp. Dự luật đã được Hạ viện Úc thông qua cuối năm ngoái và Thượng viện mới đây cũng tỏ ý ủng hộ, đồng nghĩa với việc nó có thể sớm trở thành luật.

Luật sẽ áp dụng đối với tất cả các khoản chi trả cho hàng hóa, dịch vụ của những doanh nghiệp có mã số doanh nghiệp Úc. Nó sẽ ảnh hưởng đến các khoản mua sắm lớn như mua nhà, xe, thuyền hoặc sửa chữa nhà cửa. Những người vi phạm, bao gồm cả bên trả và bên nhận, có thể bị phạt đến 2 năm tù và đến 25.200 đôla.

Theo Chính phủ Úc, việc hạn chế giao dịch bằng tiền mặt nhằm đối phó với nền kinh tế đen, giúp chống nạn trốn thuế, rửa tiền và các loại tội phạm khác. Tuy nhiên, Chính phủ Úc khẳng định biện pháp này sẽ không áp dụng cho các giao dịch cá nhân. Người dùng vẫn có thể gửi, rút và giữ tiền mặt nhiều hơn 10.000 đôla.

Tại Mỹ, những giao dịch bằng tiền mặt trên 10.000 USD phải báo cáo cho chính phủ. Theo thông tin từ Sở Thuế vụ liên bang (IRS) của Mỹ, các giao dịch này phải được báo cáo theo mẫu IRS 8300. Quy định áp dụng đối với tất cả cá nhân, công ty, tổ chức, hiệp hội, quỹ tín thác... Tiền mặt trong trường hợp này được quy định là tờ tiền USD, xu hoặc tiền của Mỹ hoặc bất cứ quốc gia nào, hoặc trong một số trường hợp có thể là chi phiếu ngân hàng có bảo chứng, hối phiếu ngân hàng, chi phiếu du lịch.

TRẦN PHƯƠNG

Đua nhau thanh toán không tiền mặt để hưởng ưu đãi Đua nhau thanh toán không tiền mặt để hưởng ưu đãi

TTO - Nhiều siêu thị, cửa hàng cho biết sức mua đang tăng mạnh sau khi dịch COVID-19 tại VN được kiểm soát tốt. Đặc biệt, với nhiều khuyến mãi, ưu đãi khi mua sắm không dùng tiền mặt giúp các đơn vị thu hút nhiều khách hàng.

L.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên