Ông Christopher Lemiere - Ảnh: HỒNG QUÂN
Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TBXH) Lê Tấn Dũng đánh giá các đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội ngày càng được mở rộng, mức trợ giúp ngày càng cao hơn, đòi hỏi có công cụ hiện đại hơn trong việc quản lý chính sách và đối tượng. Do đó, thanh toán điện tử sẽ giúp tiết kiệm chi phí, giảm thời gian đi lại cho người thụ hưởng, hỗ trợ đúng đối tượng, kịp thời, tiện lợi về lâu dài.
Đặc biệt khi 30% dân số là đối tượng yếu thế, những người cần hỗ trợ tiếp cận với các dịch vụ tài chính công bằng hơn, minh bạch hơn. Trong đó, có hơn 11,4 triệu người cao tuổi, khoảng 1,4 triệu hưởng trợ cấp người có công với cách mạng, 6,2 triệu người khuyết tật, trên 9 triệu người có vấn đề sức khỏe tâm thần, 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Ngoài ra, nước ta còn có khoảng 3,75% hộ nghèo, 4,55% hộ cận nghèo, hơn 3,1 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, khoảng 2 triệu lượt hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hằng năm.
Ông Lê Bá Hoàng - đại biểu TP.HCM - đề xuất ý kiến cho chương trình thí điểm chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt sắp tới tại TP.HCM - Video: HỒNG QUÂN
Ông Christopher Lemiere - trưởng nhóm phát triển con người của Ngân hàng Thế giới (WB) - dẫn chứng Trung Quốc đã chi trả chế độ an sinh xã hội đạt 75% (2018), nhưng Việt Nam mới dừng ở mức 13%. Trong khi đó, Việt Nam đặt mục tiêu năm 2025 phải nâng tỉ lệ không dùng tiền mặt lên 50% và 80% vào năm 2030.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, ông Christopher Lemiere khẳng định Chính phủ Úc và WB cam kết hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu sáng kiến thí điểm chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt.
Chuyên gia kinh tế cao cấp WB Nguyễn Nguyệt Nga nhấn mạnh thanh toán ngân hàng tại Việt Nam phổ biến nhưng chi trả an sinh xã hội rất thấp. Người dân thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt do phần lớn người dân ở vùng nông thông, vùng sâu, vùng xa không có tài khoản ngân hàng; thiếu cây ATM; khoảng 57% dân số (năm 2018) không đủ điều kiện mở tài khoản; người dân ngại mất phí khi sử dụng tài khoản ngân hàng…
Vị này cho biết tiền của người dân sắp tới thực hiện trực tiếp trên hệ thống NASPAS (kết nối gần 50 ngân hàng, hơn 17.000 ATM, 270.000 máy POS…) chính xác, giảm thiểu chi phí, rút gọn thời gian thanh toán…
Các đối tượng yếu thế (người già, người khuyết tật…), người dân tộc thiểu số… sẽ được cung cấp gói tài khoản cơ bản như nhận, rút, giao dịch trực tuyến không mất phí; mạng lưới đại lý chi trả mở rộng (đại lý ngân hàng, người bán hàng có uy tín…).
Trên thế giới, mô hình xã hội hóa hợp tác giữa các nhà cung cấp - ngân hàng đã đem đến sự tiện lợi cho người dân như tại Bangladesh, Mexico, Brazil như chi lương hưu, trợ giúp người có công, đóng bảo hiểm xã hội… thông qua cổng thanh toán duy nhất (đơn giản, dễ giám sát…).
Bà Nguyễn Thị Thu - đại diện Ngân hàng Nhà nước - chia sẻ Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đề xuất miễn giảm phí cho các đối tượng yếu thế khi lập tài khoản ngân hàng mặc dù quyền ấn định chi phí thuộc các tổ chức tín dụng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận