02/02/2021 23:01 GMT+7

Tết xưa - Tết nay: Nhớ ngai ngái mùi chăn bông tiết lạnh, mùi vương Tết tới

THẢO NGUYỄN
THẢO NGUYỄN

TTO - Tôi vẫn nhớ khi cơn gió lạnh đầu tiên ùa về, người lớn trong nhà bắt đầu lấy những tấm chăn bông lớn cất sâu trong tủ ra để đắp. Với tôi, khi tấm chăn bông được mang ra, cũng là lúc nghe mùi Tết thoang thoảng vương tới.

Tết xưa - Tết nay: Nhớ ngai ngái mùi chăn bông tiết lạnh, mùi vương Tết tới - Ảnh 1.

Cảm giác ngồi trông nồi bánh chưng trong tôi bây giờ đã không còn được như xưa - Ảnh: THẢO NGUYỄN

Năm tôi 8 tuổi, gia đình bắt đầu chuyển vào miền Nam sinh sống. Kể từ đó, tôi chưa lần nào trở về quê đón Tết, chỉ ra thăm bà vào dịp hè khi được nghỉ học và cũng để đỡ gánh nặng chi phí.

Tết miền Bắc trong tôi là cái Tết vui tươi và rộn rã nhất, bởi gia đình đông con cháu, dịp Tết là lúc người người tụ họp, nhà nhà quây quần, tiếng cười, tiếng khóc đủ cả tạo nên khung cảnh náo nhiệt hơn bao giờ hết.

Khi tấm chăn bông mang ra là Tết đến

Tôi vẫn nhớ khi cơn gió lạnh đầu tiên ùa về, người lớn trong nhà bắt đầu lấy những tấm chăn bông lớn cất sâu trong tủ ra để đắp, chăn bông phảng phất mùi mốc ngai ngái, đến nỗi phải phơi vài ngày, dùng gậy đập kỹ mùi mới bay đi mất.

Những đêm gió lùa, nằm trong tấm chăn nghe gió đập vào cửa sổ, cảm giác vừa sợ vừa thích. Với tôi, khi tấm chăn bông được mang ra, cũng là lúc nghe mùi Tết thoang thoảng vương tới.

Những ngày giáp Tết, mẹ sẽ tất bật quét dọn, trang trí nhà cửa, đi mua hoa đào để cắm. Trong ký ức của tôi, ngôi nhà ngày Tết nhất định phải có một cành đào to đặt trên bàn nước, cạnh đó là hộp đựng bánh mứt để đãi khách.

Những đứa trẻ trong nhà sẽ lần lượt thay những bộ áo len ấm áp, đội nón len và đi từng nhà chúc Tết. Ngày xưa, tiền lì xì không nhiều, chỉ mang tính tượng trưng, 1-2 nghìn đồng cũng đủ để tụi trẻ con sướng rơn cười tít mắt. Thích nhất vẫn là ghé từng nhà, ăn được đủ loại bánh mứt khác nhau.

Tuy vẫn sẽ na ná có nào hạt hướng dương, kẹo bắp, khô bò hay bánh quy, nhưng tụi tôi ăn chẳng biết chán, cứ tới nhà họ hàng chúc Tết là lại bốc đầy tay, nhét túi áo và về nhà khoe chiến lợi phẩm cùng nhau.

Gia đình tôi đông con cháu, ông ngoại có 5 người con, nên cô chú bác nhiều, anh chị em họ trong nhà cũng nhiều, mỗi lần chúc Tết, đám trẻ con sẽ xếp thành một hàng dài, theo thứ tự đứa nhỏ nhất đến đứa lớn nhất, chúc Tết bà và được bà lì xì cho.

Đây vẫn luôn là khoảnh khắc yêu thích và mong chờ nhất của tôi, vì gần như út ít trong nhà, nên tôi được xếp đứng đầu và bà sẽ dúi vào tay tôi thêm nào kẹo nào bánh ngoài bao lì xì đỏ chót. Niềm vui trẻ con khi ấy cũng chỉ có vậy, có bà xoa đầu, bà cho thêm kẹo và có bao lì xì đo đỏ khoe với đám trẻ cùng lứa.

Niềm vui trẻ con ấy mãi mãi tôi không bao giờ còn trải nghiệm được nữa, có lẽ niềm vui của người trưởng thành đã khác, và cũng bởi vì Tết vẫn còn đây nhưng bà đã ra đi mất rồi.

Tết xưa - Tết nay: Nhớ ngai ngái mùi chăn bông tiết lạnh, mùi vương Tết tới - Ảnh 2.

Cảm giác ngồi trông nồi bánh chưng trong tôi bây giờ đã không còn được như xưa - Ảnh: THẢO NGUYỄN

Tết ngày xưa trong tôi còn là phảng phất màu của chiếc bánh chưng xanh, gói nếp, nhân đậu mà bố mẹ hay anh chị sẽ luôn nhường tôi phần thịt chính giữa. Trước Tết một tuần, cả gia đình tất bật mua lá dong, rửa lá, chuẩn bị đậu xanh, gạo nếp để gói bánh.

Lũ trẻ con thì lăng xăng ngồi xem đầy thích thú, người lớn sẽ bắt tay gói từng cái bánh chắc nịch, để ở góc nhà, sau đó đem đi luộc. Tôi vẫn nhớ như in khoảnh khắc được cùng các anh chị trông nồi bánh chưng chín.

Chiếc nồi to đùng đặt ở giữa sân, xung quanh là những cây củi lớn, có cây to đến độ chúng tôi dùng làm ghế ngồi, rồi cứ lấy que cào than trong thích thú. Tiếng bếp lửa cháy tanh tách, mùi bánh chưng sực nức và làn gió lạnh thỉnh thoảng lướt qua chính là cảm giác Tết tuyệt vời nhất trong tôi.

Khi ấy, tuy cái lạnh rét buốt, nhưng cả đám vẫn co ro cạnh lửa ấm mà không đứa nào buồn đi ngủ, trông bánh chưng chín là truyền thống của gia đình tôi khi Tết đến và những đứa nhỏ như chúng tôi dù không hiểu gì cũng biết rõ mình cần giữ gìn những khoảnh khắc tuyệt vời ấy.

Những chiếc bánh chưng hấp vội

Tết ở miền Nam, gia đình tôi đã không còn gói bánh chưng nữa, thay vào đó là mua sẵn ở siêu thị, hấp lại rồi ăn. Vị bánh không ngon như tự gói, bánh không xanh tươi như tự gói và cũng chẳng còn vương mùi khói bếp khi xưa.

Cuộc sống thành thị đã khiến Tết khác đi rất nhiều. Những đứa cháu 5 tuổi, 8 tuổi của tôi gần như không còn được trải nghiệm trông nồi bánh chưng chờ trời sáng nữa. Chúng mải mê với chiếc iPad có sẵn game chơi hoài không mệt.

Tết đến, cả nhà vẫn thay áo mới đi chúc Tết, nấu món ăn miền Bắc quen thuộc với canh măng, thịt đông, gà luộc và chiếc bánh chưng hấp vội, nhưng dư vị và cảm xúc của Tết cũng đã vơi đi ít nhiều.

Tôi từng nghe có ý kiến bỏ Tết ta để nhập lại chỉ còn một cái Tết chung, nhưng chưa bao giờ đồng tình với ý kiến ấy. Xã hội ngày càng hiện đại, nhiều giá trị văn hóa cũng đã bị biến đổi, nhưng không thể vì cái mới xuất hiện mà bỏ hoàn toàn cái cũ.

Với tôi, Tết ta vẫn là cái Tết ấm áp và quen thuộc nhất, là khoảng thời gian con cháu quây quần bên ông bà, là lúc người đi xa bươn chải mong ngóng được về nhà, là khói nhang thơm lừng bay phảng phất mọi gian nhà.

Khi ấy, già trẻ lớn bé ngồi bên nhau hỏi chuyện một năm qua và chúc nhau năm mới thuận hành. Truyền thống tốt đẹp ấy cần giữ gìn và lưu truyền đến muôn đời sau.

Riêng tôi, vẫn mong ngóng giây phút cả nhà quây quần luộc bánh chưng trong cái giá lạnh ngày Tết, nhưng nhịp sống vội vã, người đã trưởng thành, dù có ngồi trông bánh chưng chín thêm bao nhiêu lần nữa, tôi vẫn chẳng thể có lại cảm giác Tết khi xưa, Tết trong trẻo, se lạnh và đượm mùi bánh chưng quyện cùng khói bếp.

980x320 (1)

Diễn đàn Tết xưa - Tết nay do báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự đồng hành của hệ thống bán lẻ FPT Shop và Hãng hàng không Vietjet Air.

Diễn đàn gồm các bài viết, bài dự thi của cuộc thi Tết xưa - Tết nay về những ký ức Tết xưa, khát vọng ngày xuân hay những khoảnh khắc sum họp, cảnh đẹp trên đường về quê đón Tết của bạn đọc.

Diễn đàn mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp, bài dự thi trên cả nước. Thời gian nhận bài từ ngày 15-1-2021 đến hết ngày 20-2-2021.

Cách thức tham gia:

Bài viết dự thi gửi đến theo 2 cách:

Gửi qua địa chỉ email: tet@tuoitre.com.vn

Gửi qua đường bưu điện theo địa chỉ: Báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết Tết xưa - Tết nay.

Bạn đọc vui lòng cung cấp địa chỉ, số tài khoản, số CMND để chúng tôi chuyển nhuận bút.

Các bài lọt vào vòng sơ kết sẽ được thông báo sau.

Cơ cấu giải thưởng:

• 1 giải nhất: 10 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Samsung A31 của FPT Shop; 02 vé khứ hồi G1 của Vietjet Air.

• 2 giải nhì: mỗi giải gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Xiaomi Note 9 hoặc Oppo A53 của FPT Shop; 01 vé khứ hồi G1 của Vietjet Air.

• 3 giải ba: mỗi giải gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Realme C12 hoặc VSmart Joy 4 hoặc Vivo Y20 của FPT Shop; mô hình máy bay Vietjet size lớn.

• 10 giải khuyến khích: mỗi giải gồm 2 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là sạc dự phòng UMETRAVEL 10.000 mAh của FPT Shop; mô hình máy bay Vietjet size nhỏ.

• 20 phần quà tặng dành cho bạn đọc trên mạng xã hội là: balô FPT Shop + voucher giảm 10% khi mua laptop tại hệ thống cửa hàng FPT Shop; gấu bông + túi du lịch Vietjet.

Lễ trao giải dự kiến diễn ra trước 28-2-2021.

Tết xưa - Tết nay: Nhớ mâm cơm tết của ba - lần duy nhất trong năm có thịt gà Tết xưa - Tết nay: Nhớ mâm cơm tết của ba - lần duy nhất trong năm có thịt gà

TTO - Tôi nhớ mâm cơm ba mươi Tết cúng ông bà của ba tôi. Trên đó luôn có một con gà luộc "lộng lẫy". Và bữa cơm ba mươi Tết cũng là dịp duy nhất trong năm anh chị em tôi được ăn thịt gà! Đó là con gà đặc biệt do chính ba tôi chọn mua.

THẢO NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên