02/02/2021 08:08 GMT+7

Tết xưa - Tết nay: Nhớ mâm cơm tết của ba - lần duy nhất trong năm có thịt gà

NGUYỄN THỊ KỲ
NGUYỄN THỊ KỲ

TTO - Tôi nhớ mâm cơm ba mươi tết cúng ông bà của ba tôi. Trên đó luôn có một con gà luộc "lộng lẫy". Và bữa cơm ba mươi tết cũng là dịp duy nhất trong năm anh chị em tôi được ăn thịt gà! Đó là con gà đặc biệt do chính ba tôi chọn mua.

Tết xưa - Tết nay: Nhớ mâm cơm tết của ba - lần duy nhất trong năm có thịt gà - Ảnh 1.

Mâm cơm ba mươi tết cúng ông bà của nhà tôi luôn có một con gà luộc - Ảnh: MINH HẢI

Còn phải nói, nhà tôi nghèo, bạn bè tôi nghèo, xóm tôi nhìn quanh ai cũng nghèo nhớt mùng tơi… nhưng nhà tôi nghèo vượt trội vì có tới mười bảy anh chị em.

Tôi vinh dự là út mười sáu vì nhỏ mười bảy mất lúc chưa tròn tháng trong một mùa đông khắc nghiệt ở Đông Hà (Quảng Trị). Mẹ tôi "phi thường" trong sinh nở và quán xuyến gia đình.

Tôi chỉ nhớ gia đình đổi chỗ ở liên miên, có năm học tôi phải đổi hai ba trường. Cũng may, nơi gia đình tôi cư trú "lâu dài" nhất là Tam Kỳ - Quảng Nam. Người Quảng Nam dễ thương: cần kiệm, thẳng tính, ít lời, giàu tình cảm, ưa san sẻ.

Mẹ tôi nấu ăn ngon không tưởng từ những thứ tưởng… không thể ăn: xơ mít, khô bầu, khô mướp, khô… cây đu đủ. Mẹ trồng đu đủ làm hàng rào, dưới "chân hàng rào" là vô số bầu bí. Bầu bí lớp ăn, lớp cho lối xóm không hết thì mẹ xắt ra phơi khô.

Cái nắng Quảng Nam thì thứ gì phơi mà không khô mới lạ. Bầu, mướp khô xào tỏi, nấu canh đều rất đậm đà. Nhưng ngon nhất là khô thân cây đu đủ. 

Mẹ chặt cây đu đủ, gọt bỏ kỹ hết vỏ, lấy lõi xắt lát mỏng phơi khô. Thứ này mà lót đáy nồi, trên có xíu cá, đem kho lửa riu riu một buổi rồi ăn coi. Thần linh ơi, ngon không tưởng!

Ngày tết mẹ làm dưa kiệu. Sẽ có hũ củ kiệu trắng nõn đài các, nhưng chị em tôi thích hũ dưa lá kiệu và… râu kiệu hơn. Ăn khơi khơi ngon mà xào tỏi càng tuyệt cú mèo. Quảng Nam là xứ dầu đậu phụng (đậu phộng, lạc).

Xào thứ chi với dầu đậu phụng cũng ngon tuốt! Nói chung bữa cơm nhà tôi hiếm khi có thịt cá. Hiếm đến mức chị em chúng tôi "cóc thèm" và "buông bỏ" chúng ra khỏi suy nghĩ.

Đi học về, dĩa rau, chén mắm cái là xong. Bữa nào có dĩa đậu phộng rang kho tiêu là… vét nồi! Mẹ nuôi gà giỏi. Được lứa thì bán, không dám làm thịt ăn.

Anh chị em chúng tôi ngoan lắm. Đứa nào cũng giúp mẹ chăm đàn gà và nếu lượm được quả trứng gà nhà đẻ trong hốc cây bụi cỏ cũng đem "nộp" cho mẹ, chẳng bao giờ "ưu tư" ốp la ốp lếch gì hết.

Có điều lạ là nghèo, chiến tranh nhưng không buồn xíu nào, không sợ xíu nào. Tam Kỳ đêm nào cũng có chiến sự, pháo dội đỏ trời, súng bắn đùng đùng nhưng chúng tôi vẫn ngủ ngon. Sáng dậy đi học (không có chuyện "điểm tâm", cơm nguội, khoai sắn gì cũng không!).

Mỗi năm một lần chúng tôi được ăn thịt gà trong bữa cơm cúng ông bà trưa ba mươi tết. Đó là con gà đặc biệt. "Đặc biệt" vì con gà trống do chính ba tôi chọn mua, chú ý từ màu lông, giò cẳng đến… body.

Ví dụ như chân màu vàng, đều, rõ ngón; đùi to khỏe nhưng mịn màng không nổi gân xanh; khi đi đứng đầu gà phải… ngẩng cao uy nghi; mắt hơi xếch và sáng như mắt diều; mỏ dài hơi cong; lông màu hung đỏ, đuôi xòe đẹp…

Nó được mẹ tôi nuôi bằng chế độ ưu đãi: thóc, bắp vàng, hạt kê và lũ "sâu xia", ốc sên kiếm được quanh nhà. Do hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, ba tôi không thể về dự đám tang ông bà nội, nỗi đau và ân hận luôn sâu thẳm trong tim, đành gởi tấm lòng hiếu thảo qua mâm cơm tất niên, với dĩa xôi trắng, con gà luộc, bát măng miến…

Tôi chưa thấy ai tạo thế con gà cúng đẹp như ba tôi: đầu vươn cao, đôi cánh vươn ra, toàn thân rướn lên như sắp cất cánh bay… Điều lạ, tiếc vì lúc đó bé quá tôi chưa học hỏi được: làm cách nào để gà luộc chín, mắt vẫn mở được, trong vắt ?

Sau này tôi có hỏi mẹ, bà cười móm mém: "Mẹ không biết làm thế nào nữa!". Rồi bà nhìn quanh, nhỏ giọng thì thào ra vẻ bí mật: "Ba chúng mày không chỉ giỏi chữ Hán, Pháp, Anh mà còn là… thầy bùa đấy!".

Khi đã bưng mâm cơm lên, ba tôi đọc một bài cúng bằng chữ nho mà trước đó tôi đã mài mực để ba viết, rất đẹp, trên giấy bản đỏ lất phất nhũ vàng, vừa đọc vừa khóc rưng rức, tất nhiên tôi nghe mà chẳng hiểu gì!

Lớn lên, lập gia đình, năm nào mâm cơm cúng ba mươi tết nhà tôi cũng có xôi trắng, miến măng, gà luộc. Tiếc rằng tôi không biết cách tạo dáng cho con gà, càng không thể làm cho gà mở mắt, trong vắt. 

Nhưng tôi làm dưa lá - râu kiệu ngon. Tôi nhớ ba mẹ tôi rất nhiều. Nhớ Quảng Nam nghèo và nghĩa tình của tôi nữa.

980x320 (1)

Diễn đàn Tết xưa - Tết nay do báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự đồng hành của hệ thống bán lẻ FPT Shop và Hãng hàng không Vietjet Air.

Diễn đàn gồm các bài viết, bài dự thi của cuộc thi Tết xưa - Tết nay về những ký ức Tết xưa, khát vọng ngày xuân hay những khoảnh khắc sum họp, cảnh đẹp trên đường về quê đón Tết của bạn đọc.

Diễn đàn mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp, bài dự thi trên cả nước. Thời gian nhận bài từ ngày 15-1-2021 đến hết ngày 20-2-2021.

Cách thức tham gia:

Bài viết dự thi gửi đến theo 2 cách:

Gửi qua địa chỉ email: tet@tuoitre.com.vn

Gửi qua đường bưu điện theo địa chỉ: Báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết Tết xưa - Tết nay.

Bạn đọc vui lòng cung cấp địa chỉ, số tài khoản, số CMND để chúng tôi chuyển nhuận bút.

Các bài lọt vào vòng sơ kết sẽ được thông báo sau.

Cơ cấu giải thưởng:

• 1 giải nhất: 10 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Samsung A31 của FPT Shop; 02 vé khứ hồi G1 của Vietjet Air.

• 2 giải nhì: mỗi giải gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Xiaomi Note 9 hoặc Oppo A53 của FPT Shop; 01 vé khứ hồi G1 của Vietjet Air.

• 3 giải ba: mỗi giải gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Realme C12 hoặc VSmart Joy 4 hoặc Vivo Y20 của FPT Shop; mô hình máy bay Vietjet size lớn.

• 10 giải khuyến khích: mỗi giải gồm 2 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là sạc dự phòng UMETRAVEL 10.000 mAh của FPT Shop; mô hình máy bay Vietjet size nhỏ.

• 20 phần quà tặng dành cho bạn đọc trên mạng xã hội là: balô FPT Shop + voucher giảm 10% khi mua laptop tại hệ thống cửa hàng FPT Shop; gấu bông + túi du lịch Vietjet.

Lễ trao giải dự kiến diễn ra trước 28-2-2021.

Tết xưa - Tết nay: Bánh chưng thuở xưa, hạt mì nhiều hơn gạo nếp Tết xưa - Tết nay: Bánh chưng thuở xưa, hạt mì nhiều hơn gạo nếp

TTO - Ngày ấy, gạo nếp đối với người dân quê tôi là thứ "ngọc thực" xa xỉ. Nhà ai "khấm khớ" tết mới có gạo nếp gói bánh chưng nguyên chiếc, còn đa số bánh chưng gói lẫn hạt mì nhiều hơn gạo nếp, nhân bánh là lá hành xào tóp mỡ.

NGUYỄN THỊ KỲ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên