22/02/2021 20:14 GMT+7

Tết xưa - Tết nay: Phải chi nội còn khỏe mạnh, nội làm cho tụi con ăn

NGUYỄN VĂN MINH
NGUYỄN VĂN MINH

TTO - Má ngồi đó trên chiếc ghế bố, con cháu về thưa nhưng má cứ hỏi: "Thằng nào vậy, đứa nào vậy bây, con của ai, cháu của ai…?". Đôi mắt má sau 2 lần mổ nay hoàn toàn không còn thấy nữa, bóng dáng đi ngang má thấy nhưng không nhìn được mặt người...

Tết xưa - Tết nay: Phải chi nội còn khỏe mạnh, nội làm cho tụi con ăn - Ảnh 1.

Hoa tết không đi mua mà tự trồng. Cứ đến mười lăm tháng mười âm lịch là ba lấy vạn thọ ra gieo. - Ảnh: T.S.

Cái lành lạnh của mùa xuân đến, gia đình nào cũng tất bật đón xuân. Ngày tết sau giải phóng nó thanh bình, nhưng trong gia đình ai cũng có kỷ niệm. Nghèo có cứ đeo mãi, không có cây trái gì bán tết.

Trồng vài chậu hoa vạn thọ trước nhà, lải vài nhánh mai cho ra bông. Gạo thì chuẩn bị được 1 khạp khoảng 20 lít. Thịt heo kho tàu thì ít, mà hột vịt thì nhiều. Cái vui nhất, chờ đợi nhất là tháo mương.

Mương ở đây là mương nhà, xung quanh có bờ bao rào kín, có cống nước ra vô. Độ tháng 10 là ba mình đóng nắp cống, chỉ cho nước tràn qua cống thoát có rào lưới không cho tôm cá ra ngoài.

28 tháng chạp là mùa nước cạn sát. Lúc này bọn nhỏ như tụi mình được nghỉ tết nên về quê tháo mương. Khuya khoảng 3h, 4h sáng khi ngọn nước ngoài rạch bắt đầu ròng là ba mình chọn một tấm đăng giăng ngang qua mương và bắt đầu giở nắp cống.

Nước ngập gần tới cổ, cái lạnh của mùa đông làm cho ba mình lạnh run cầm cập. Trên bờ thì anh em, con rể tụ hội về sớm quây quần bên mâm cơm má nấu sớm.

Khoảng 6h là nước rút cạn chỉ còn độ 2 tấc nước. Tôm càng bắt đầu dồn về phía đăng quơ râu đỏ cả khúc mương. Ai cũng háo hức muốn xuống bắt cho được.

Tôm kìa. Tiếng la của bọn trẻ như tôi là cả nhóm quýnh lên.

Chặn một đoạn độ 10-12m đắp ngang và xuống đắp bờ móng tát. Phía trên có cái rổ bằng tre hứng chặn cá. Những cái thùng được anh em mình thay phiên nhau tát liên tục chừng 10-15 phút là xong một đoạn.

Tôm bắt đầu xuống rổ chặn, nó búng ngược lại nghe tanh tách, thấy sướng làm sao. Khi chộp bắt tôm là phải biết cách, không nên nắm phía đầu mà nên chọn hướng phía sau đuôi.

Cái gọng rộng tôm được để ngoài rạch có nước chảy, bắt được là chạy ùa ra bỏ vào sợ nó chết bán không có giá. Khi cạn là các anh em cùng nhau mò dưới sình kiếm cá có chúi hay không. Cứ làm liên tục lần hồi hết 4 dãy mương là nước lớn bắt đầu vô trở lại.

Phân loại cá, nhiều nhất là cá lòng tong, con nào con nấy to bằng ngón tay út. Khổ nhất là mần cá, có khi tát lên gần 5 - 6 ký cá lòng tong, ngồi mần từng con, "bù mắt" cắn rát cả chân. Kế bên có đống "un khói" cho nó bay đi. Mình mẩy người nào người nấy dính đầy sình nhưng vui lắm.

Qua tết nhà có giỗ nội ngày mùng 7, ba để dành một mớ tôm để kho tàu. Cá thì cho, chia cho một số người phụ và bà con xung quanh chớ nhất định không bán. Cái tháo mương là dịp cuối năm con cái, dâu rể về sum họp trong cái tết gia đình. Mỗi năm đều là thông lệ, nên đi đâu vẫn nhớ cái ngày 28 về tháo mương.

Tiếng trống múa lân ở vùng quê cũng khác hơn thành thị. Tề Thiên cầm thiết bảng bằng cây sống lá dừa nước, ông Địa thì lấy mo cau úp cái bụng nhét giẻ vào. Đầu lân cũ vá nhiều lỗ cho trùng màu.

Tiếng trống không nghe rộn ràng vì bị bể. Vậy mà nghe tiếng khua chập cheng, tùng tùng từ xa mọi đứa trẻ ùa ra vỗ tay. Nhà nào lân vào múa, chủ nhà đãi ăn đơn sơ mà thấm tình lối xóm. Người cho bánh tét, thèo lèo, kẹo chuối "lân" đều lấy hết.

Tết xưa - Tết nay: Phải chi nội còn khỏe mạnh, nội làm cho tụi con ăn - Ảnh 2.

Cái mương trước nhà cho tôm, cá để ăn tết - Ảnh: T.S.

Hoa tết không đi mua mà tự trồng. Cứ đến mười lăm tháng mười âm lịch là ba lấy bông vạn thọ treo trên cháy bếp xuống gieo. Loại bông này được chọn từ năm trước, trong giỏ có bông nào to, ba ngắt đem để dành cho năm sau.

Đốn lá dừa nước đan giỏ, chằm lá làm vách chậu. Uốn cong từ những lá dừa nước làm bầu cây con. Gieo hạt phải để trên giàn kẻo gà bươi phá. Cây lên cao khoảng một tấc là cho vào chậu.

Phân trồng được lấy từ những mụn dừa trên các cây dừa mục trộn với một phần đất và các phân đã hoai mục. Từ những thứ bỏ đi như dầu tép, cá… ba cho vào khạp để ngoài vườn ủ cho tan đem tưới. Phân hóa học ngày xưa làm gì có, vậy mà cây tốt bông rất to, ít sâu bệnh.

Bánh trái trong nhà cũng tự chế biến mà ăn. Những quày chuối xiêm đen từ những tháng trước má để dành. Dú chín cho rục mới lấy ép ra từng trái phơi khô. Một ít để ăn, còn nhiều thì đem xắt sợi ra làm kẹo chuối. Dừa "rám" má đem làm mứt dừa nhiều màu xanh đỏ xem bắt mắt.

Cành mai vàng để trong "vỏ pháo 105 li" được tiện thành bình bông, được mấy anh em chùi sáng bóng. Khay mứt có nhiều ngăn gồm thèo lèo, mứt dừa, kẹo chuối. Nhìn đơn sơ nhưng có ai đâu biết nó là cả quá trình mà ba và má chuẩn bị từ trước.

Tụi nhỏ như mình thấy tết là được ăn ngon và tính đầm ấm, đoàn tụ khi các anh chị hoặc người thân đến thăm.

… Chiếc xe con đậu trước cửa nhà khi nơi đây đã đổi khác. Chiếc cầu Rạch Miễu bắc qua sông Tiền nối Bến tre và Tiền Giang như đánh thức "Cồn Lân". Đi lại nay không còn xa cách bằng đò giang. Mỗi lần có chuyện gia đình như giỗ chạp con cái chạy một cái ù là về đến nhà.

Con đường nhựa chạy dài từ đầu Cồn đến cuối Cồn như xương sống của chàng thanh niên tuổi mười tám. Nhà cửa cặp hai bên được mọc lên trang trí rất đẹp mắt. Những chậu mai gốc to được sưu tầm như là dân chơi kiểng thứ thiệt.

Tiếng pháo mấy chục năm nay không còn, nhưng tiếng nhạc chúc xuân từ những máy karaoke "kẹo kéo" cũng làm nhà nhà xôm tụ. Những đứa trẻ hôm nay đứa nào cầm trên tay chiếc điện thoại thông minh, quẹt quẹt như tay anh hùng bàn phím.

Thay cho mâm bánh kẹo bằng những hộp bánh đắt tiền, chai rượu mạnh thay cho ly rượu đế xưa. Mâm cơm trên bàn vẫn thịt kho dưa giá, khổ qua hầm nhưng có thêm khô mực, khô bò, tôm khô…

Cái thời khốn khó đi qua, đời sống ngày một đi lên. Ngôi nhà thờ được đứa em xây mới từ những ngày buôn bán vất vả. Sân được lót gạch khi về được sạch sẽ. Phía trước là đường bêtông khi xã nhà lên nông thôn mới, diện mạo thay đổi nhiều.

Má ngồi đó trên chiếc ghế bố, con cháu về thưa nhưng má cứ hỏi: "Thằng nào vậy, đứa nào vậy bây, con của ai, cháu của ai…?". Đôi mắt của má sau hai lần mổ nay hoàn toàn không còn thấy nữa, bóng dáng đi ngang má thấy nhưng không nhìn được mặt người.

Lâu lâu má lại hỏi: "Có đứa nào làm mứt dừa, kẹo chuối hôn bây?". Mấy đứa cháu nói: "Nội ơi! Tụi con mua ngoài chợ không à". Má nói: "Phải chi nội còn khỏe mạnh, nội làm cho tụi con ăn".

banner Têt xưa - Tết nay

Diễn đàn Tết xưa - Tết nay do báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự đồng hành của hệ thống bán lẻ FPT Shop và Hãng hàng không Vietjet Air.

Diễn đàn gồm các bài viết, bài dự thi của cuộc thi Tết xưa - Tết nay về những ký ức Tết xưa, khát vọng ngày xuân hay những khoảnh khắc sum họp, cảnh đẹp trên đường về quê đón Tết của bạn đọc.

Cơ cấu giải thưởng:

• 1 giải nhất: 10 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Samsung A31 của FPT Shop; 02 vé khứ hồi G1 của Vietjet Air.

• 2 giải nhì: mỗi giải gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Xiaomi Note 9 hoặc Oppo A53 của FPT Shop; 01 vé khứ hồi G1 của Vietjet Air.

• 3 giải ba: mỗi giải gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Realme C12 hoặc VSmart Joy 4 hoặc Vivo Y20 của FPT Shop; mô hình máy bay Vietjet size lớn.

• 10 giải khuyến khích: mỗi giải gồm 2 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là sạc dự phòng UMETRAVEL 10.000 mAh của FPT Shop; mô hình máy bay Vietjet size nhỏ.

• 20 phần quà tặng dành cho bạn đọc trên mạng xã hội là: balô FPT Shop + voucher giảm 10% khi mua laptop tại hệ thống cửa hàng FPT Shop; gấu bông + túi du lịch Vietjet.

Lễ trao giải dự kiến diễn ra trước 28-2-2021.

Tết xưa - Tết nay: Tết nào vui? Tết xưa - Tết nay: Tết nào vui?

TTO - Là gió chướng, là bông ô môi, là tiếng quết bánh phồng, là pháo nổ rộn ràng, là tâm trạng nôn tới Tết. Dân lục tỉnh xưa bước qua mùng 10 tháng chạp là rần rần nôn Tết, tay chưn quíu hết trơn hết trọi, cập rập càng ràng vì hơi hám Tết...

NGUYỄN VĂN MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên