08/02/2018 15:20 GMT+7

Tết, đừng 'trói' phụ nữ trong bếp

TẤN KHÔI
TẤN KHÔI

TTO - Ngày Tết, cánh đàn ông không nên chỉ nghĩ cho riêng mình. Để phụ nữ trong nhà không tiếp tục bị "trói buộc" trong bếp, thiết nghĩ cần tinh giản việc cúng kiếng. Phụ nữ cũng cần được đi chơi tết, được giao tế, được nghỉ ngơi...

Tết, đừng trói phụ nữ trong bếp - Ảnh 1.

Nên giảm nhẹ việc nhà của phụ nữ trong những ngày tết - Ảnh: CHÂU ANH

1. Tôi nhớ hồi còn nhỏ, đón tết với niềm vui tuổi thơ - thích nhất là ăn ngon, có áo mới. Một điều thích thú khác là được má dắt đi thăm bà con, hàng xóm láng giềng để chúc tết, thắp nhang lên bàn thờ tổ tiên của mỗi nhà mình tới.

Người mẹ, người vợ, con gái trong nhà cũng cần được đi chơi tết, được giao tế, được nghỉ ngơi để lấy lại năng lượng trong một năm quần quật việc nhà, việc cơ quan, việc đồng áng, ngoài xã hội..."

Tấn Khôi

Thế nhưng, có những cái tết đến tận tối má tôi mới có chút thời gian để làm việc nghĩa tình, mang phong vị tết ấy bởi vì "kẹt" trong bếp: lo nấu nướng, cúng kiếng suốt ba ngày tết, mỗi ngày ba bữa.

Mời bạn đọc viết bài chuyên mục "Tết của tôi" Mời bạn đọc viết bài chuyên mục 'Tết của tôi'

TTO - Nhằm ghi lại những nét đẹp về cái Tết cổ truyền của dân tộc, chia sẻ những suy nghĩ, trăn trở trong thời khắc giao mùa thiêng liêng, từ hôm nay Tuổi Trẻ Online mở thêm chuyên mục 'Tết của tôi'. Kính mời bạn đọc tham gia.

Tôi nhớ mỗi mùa tết xong má tôi có khi bị bệnh mấy ngày liền hoặc đôi mắt luôn trũng sâu vì trước tết bao nhiêu là việc, trong tết cứ loay hoay trong bếp, hết nấu nướng, dọn lên cúng lại dọn xuống rửa chén; chưa nghỉ ngơi thoải mái đã vào guồng quay kế tiếp.

Sau này, nhà tôi sau khi cúng rước ông bà chỉ cúng cơm mỗi ngày một bữa (tùy thời gian, có thể cúng sáng, trưa hoặc tối), các bữa còn lại sẽ chỉ cúng bánh ngọt, trà nóng, thắp nhang. Vì vậy, công việc bếp núc trong mấy ngày tết của má giảm hẳn, tôi cũng có thời gian đi cùng má chúc tết bà con, lối xóm.

2. Đến bây giờ, một chị bạn của tôi lập gia đình ở vùng quê mà ở đó vẫn còn nặng chuyện cúng kiếng nên tết đến luôn là những ngày mỏi mệt của chị, thậm chí stress. Chị giãi bày: "Phụ nữ hiện đại cũng tham gia rất nhiều việc xã hội, có người còn làm chủ kinh tế gia đình, về nhà còn bao việc không tên khác, từ chăm con tới bếp núc... 

Tết cứ nghĩ là thời gian ngơi nghỉ nhưng lại phải cực hơn vì phong tục rườm rà, lại không được sự chia sẻ của cánh mày râu trong gia đình".

Thực tế ở nhiều gia đình vẫn giữ tục này tục nọ theo kiểu "xưa bày nay bắt chước" và phụ nữ trong gia đình phải "kế thừa" một cách bất đắc dĩ. 

Theo chị bạn của tôi, đó là phân biệt đối xử, là trọng nam khinh nữ khi ngày tết người đàn ông được tiệc tùng, tiếp khách thoải mái, còn phụ nữ phải nấu nướng, dọn dẹp đủ thứ, không chỉ bát đĩa cúng mà còn cả những trận bày bừa của cánh đàn ông.

Là phụ nữ chắc chắn đa số đều thích nấu ăn để giữ ấm nhà mình từ chính gian bếp. Nhưng như thế không có nghĩa là đàn ông "vô can" trong việc bếp núc. 

Để có bữa cơm cúng ông bà, bữa cơm gia đình hay tiệc tùng trong nhà, đàn ông vẫn cần phụ việc như đi chợ cùng hay nhặt rau, sơ chế thức ăn, tàn tiệc thì chung tay dọn dẹp, rửa chén bát... 

Sự chia sẻ đó sẽ giúp mang tết đến trong ngôi nhà mỗi ngày chứ không đợi tới tháng chạp, tháng giêng.

3. Để phụ nữ trong nhà không tiếp tục bị "trói buộc" trong bếp, thiết nghĩ cần tinh giản việc cúng kiếng. Như nhà tôi chẳng hạn, có thể bỏ bớt vài bữa cúng cơm trong các ngày tết, hoặc vẫn cúng nhưng chỉ là trà nước, bánh trái đơn giản, trang trọng và quan trọng là tấc lòng thành kính với ông bà tổ tiên.

Thêm nữa, cánh đàn ông không nên chỉ nghĩ cho riêng mình, cứ bày tiệc nhậu và bắt phụ nữ phải lo từ khâu nấu tới khâu dọn. 

Người mẹ, người vợ, con gái trong nhà cũng cần được đi chơi tết, được giao tế, được nghỉ ngơi để lấy lại năng lượng trong một năm quần quật việc nhà, việc cơ quan, việc đồng áng, ngoài xã hội... 

Nếu hiểu được điều đó thì phải quyết tâm chia sẻ và nên nhớ phụ nữ hạnh phúc sẽ mang lại hạnh phúc cho cả gia đình.

Mời bạn tham gia viết bài 'Tết của tôi'

Cứ mỗi độ xuân về, kỷ niệm về cái Tết lại ùa về trong mỗi chúng ta. Tết trong tôi là hương của chiếc áo mới. Tết của bạn là những những bao lì xì. Tết của những ai xa quê là mong về đoàn tụ bên gia đình, người thân...

Những thứ ấy đã trở thành kỷ niệm đẹp, không cần hồi tưởng, nó vẫn cứ ùa về trong nỗi nhớ miên man.

Tết, cũng có thể không chỉ là kỷ niệm, mà còn là những chiêm nghiệm, suy nghĩ về bản thân, những điều cần làm, những yêu thương, dự định cần thắp lên.

Xuân Mậu Tuất sắp đến, nhằm ghi lại những ký ức đẹp và chia sẻ những suy nghĩ, Tuổi Trẻ Online kính mời bạn viết bài với chủ đề 'Tết của tôi 'cho chuyên mục Bạn đọc làm báo.

Bài viết không giới hạn về thể loại bao gồm: văn xuôi, văn vần, thơ... có độ dài tối đa 1200 từ (có thể kèm theo clip, hình ảnh). Những bài viết khi đăng sẽ được trả nhuận bút.

Mọi thư từ, bài viết xin vui lòng gởi về: tetcuatoi@tuoitre.com.vn. Thông tin bạn đọc, tài khoản... xin ghi rõ dưới bài viết. Chân thành cảm ơn!

TẤN KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên