Mở đầu cho chuyên mục mới này, chúng tôi xin giới thiệu bài viết "Nhớ tranh quê ngày Tết" của bạn đọc Tú Nguyên.
Từng mùa xuân đến, từng cái Tết đã qua đi trong đời nhưng năm nào mỗi khi xuân về Tết đến, tôi vẫn nhớ đau đáu cái tuổi hồn nhiên vô tư lự, trong đó vô hình trung đã được ươm mầm đạo đức qua các bộ tranh giấy."
Tú Nguyên
"Tôi nhớ như in thuở mới lên 4 lên 5, cứ mỗi dịp xuân về Tết đến là cứ lẽo đẽo theo chân mẹ đi chợ quê ngày Tết. Cái thú vui của tôi là không theo chân mẹ mà cứ lân la vào những quầy bán tranh Tết.
Những bộ tranh truyện bán trong dịp xuân về Tết đến có diện tích khoảng 1,2x0,3 m. Mỗi bộ chỉ trong bốn bức vẽ là đủ. Thường những bộ tranh bán ở quầy dựng tạm năm ba bữa ở chợ Tết làm bằng loại giấy cứng, giá rẻ phù hợp với túi tiền của nông dân.
Trong các cửa hàng cố định ở hai bên hông chợ thì sang trọng hơn, khung làm bằng gỗ, tranh vẽ trên mặt kính trông rất đẹp, dành cho những nhà có hoàn cảnh kinh tế kha khá.
Tranh truyện có vô số, nào là Phạm Công Cúc Hoa, Lâm Sanh Xuân Nương, cùng với những bộ tranh tứ thời Xuân Hạ Thu Đông, Mai Lan Cúc Trúc…
Tôi cũng không quên đòi mẹ sắm một bộ quần áo thật " kẻng" chuẩn bị theo cha, mẹ, anh , chị đi chúc Tết bà con nội ngoại kiếm chút đỉnh tiền lì xì.
Người ở quê hầu như chỉ sống bằng hai mùa lúa. Năm nào trúng mùa thì đủng đỉnh tiêu xài nới tay, năm nào thất mùa thì tằn tiện lại.
Nhà giàu nhiều lắm chỉ đếm được trên đầu ngón tay nên các bộ tranh bằng giấy được mua nhiều nhất, chúng sẽ thay những bộ tranh cũ năm rồi trên những tấm vách "bổ kho" để cùng với cả nhà ăn Tết.
Một nét văn hóa thắm đậm tính nhân văn thường diễn ra trong dịp Tết ta ở nông thôn cách nay hàng nửa thế kỷ.
Xã hội ngày càng văn minh tiến bộ, nhu cầu hưởng thụ con người ngày càng được nâng cao. Những bộ tranh bây giờ có giá hàng chục triệu trở lên được trịnh trọng treo trên tường những căn biệt thự có giá trị nhiều tỷ đồng.
Những đứa trẻ bây giờ bằng tuổi tôi ngày ấy, chắc sẽ không còn cơ hội nhìn thấy những bộ tranh truyện bằng giấy mang giá trị đạo đức như đề cao trung can, nghĩa khí, tình nghĩa chung thủy vợ chồng, tình bằng hữu, đạo hiếu, đạo làm con trong các tác phẩm xưa hoặc giá trị nghệ thuật như các bộ tranh thủy mạc tứ thời.
Từng mùa xuân đến, từng cái Tết đã qua đi trong đời nhưng năm nào mỗi khi xuân về Tết đến, tôi vẫn nhớ đau đáu cái tuổi hồn nhiên vô tư lự, trong đó vô hình trung đã được ươm mầm đạo đức qua các bộ tranh giấy.
Nhớ mà tiếc nuối cái hồn văn hóa Việt ngày xưa, mà nghe tiếc nuối tâm hồn thế hệ của tôi, khi chưa đặt bước chân vào lớp học đã được giáo dục đạo đức bằng mấy bộ tranh Tết rồi".
Mời bạn tham gia viết bài 'Tết của tôi'
Cứ mỗi độ xuân về, kỷ niệm về cái Tết lại ùa về trong mỗi chúng ta. Tết trong tôi là hương của chiếc áo mới. Tết của bạn là những những bao lì xì. Tết của những ai xa quê là mong về đoàn tụ bên gia đình, người thân...
Những thứ ấy đã trở thành kỷ niệm đẹp, không cần hồi tưởng, nó vẫn cứ ùa về trong nỗi nhớ miên man.
Tết, cũng có thể không chỉ là kỷ niệm, mà còn là những chiêm nghiệm, suy nghĩ về bản thân, những điều cần làm, những yêu thương, dự định cần thắp lên.
Xuân Mậu Tuất sắp đến, nhằm ghi lại những ký ức đẹp và chia sẻ những suy nghĩ, Tuổi Trẻ Online kính mời bạn viết bài với chủ đề 'Tết của tôi 'cho chuyên mục Bạn đọc làm báo.
Bài viết không giới hạn về thể loại bao gồm: văn xuôi, văn vần, thơ... có độ dài tối đa 1200 từ (có thể kèm theo clip, hình ảnh). Những bài viết khi đăng sẽ được trả nhuận bút.
Mọi thư từ, bài viết xin vui lòng gởi về: tetcuatoi@tuoitre.com.vn. Thông tin bạn đọc, tài khoản... xin ghi rõ dưới bài viết. Chân thành cảm ơn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận