Nhưng trên tất cả, các em lại có sức sống mãnh liệt, giàu nghị lực để vươn lên trong cuộc sống. Đó là hai em học sinh Trường THCS Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre Nguyễn Thanh Ngoan và em Liêu Thế Hùng.
Ngoài giờ học, Ngoan làm đủ mọi việc nhưng vẫn 9 năm liên đạt học sinh giỏi, ngày em đi học xa hàng xóm mang đồ dùng để cho - Video: MẬU TRƯỜNG
Hàng xóm góp mùng mền, xoong chảo cho học sinh nghèo
Con đường đất chật hẹp men theo liếp dừa của nhà hàng xóm dẫn vào nhà em Nguyễn Thanh Ngoan, 15 tuổi, học sinh lớp 9 Trường THCS Phước Hiệp trở thành bãi sình lầy sau trận mưa chiều.
"Thế mà ngày nào cùng vậy, bất kể nắng hay mưa, cứ trước giờ đi học là lại thấy nó đẩy bó lá dừa giao cho khách. Lắm lúc đường trơn trượt, thấy nó cong người cố đẩy xe qua bãi sinh mà thương rớt nước mắt", bà Nguyễn Thị Tươi - hàng xóm của Ngoan - nói vọng ra khi thấy khách vào nhà.
Ngoài giờ học, em Nguyễn Thanh Ngoan, lớp 9 trường THCS Phước Hiệp phụ ngoại chuốt lá dừa bán - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Hình ảnh cô bé Ngoan mặc áo dài trắng với bó lá dừa sau xe vào mỗi sáng đi học không còn xa lạ với người dân ấp Phước Điền, xã Bình Khánh Đông, huyện Mỏ Cày Nam. Không nhớ chính xác đã mấy năm nhưng theo Ngoan, từ lúc biết đạp xe đạp đến nay, em đã biết chở lá dừa, cọng lá dừa đi bán.
Dù nhỏ tuổi nhưng Ngoan rất ngoan hiền và biết làm mọi việc phụ giúp ngoại - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Đi học về, em lại đạp xe đi đến các vườn dừa chở lá dừa về để tối xuống, sau khi học bài xong, em cùng bà ngoại là Trần Thị Mí, 60 tuổi ngồi chuốt lá đến tận khuya để kịp sáng mai đổi lấy bữa ăn sáng hay mua vài cuốn tập.
"Cứ mỗi ký cọng bán được 3.000 đồng còn lá bán được 6.000 đồng. Một đêm vậy, hai bà cháu cũng kiếm được mười mấy - hai chục ngàn, đủ tiền cho nó đi học", bà Mí cho biết.
Em Ngoan đậu vào trường chuyên của tỉnh là thành quả ngọt ngào sau 9 năm đèn sách - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Bà Mí là chỗ dựa cho Ngoan từ khi 2 tuổi, khi ba mẹ Ngoan chia tay. Cho đến giờ, chỉ thi thoảng Ngoan mới gặp lại ba mẹ nhưng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Hàng xóm mang đến nồi xoong, chăn mền để Ngoan chuẩn bị đi học xa nhà - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Từ nhỏ Ngoan đã ham học và học rất giỏi nhưng nhiều lần vì không đủ tiền, ngoại đã xa gần nói với em nghỉ học. Biết chuyện, Ngoan buồn nhưng không khóc. Ngoan chỉ nghĩ đơn giản là chăm chuốt lá dừa thì sẽ có đủ tiền đi học.
Chính suy nghĩ đơn giản đó đã giúp em liên tiếp 9 năm học luôn đạt loại giỏi. Riêng lớp 8, lớp 9 Ngoan liên tiếp đạt giải trong các lần thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh môn Văn.
Càng bất ngờ hơn, khi mới đây Ngoan là 1 trong số ít học sinh lớp 9 thi đậu vào lớp 10 Trường THPT Chuyên Bến Tre (TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre).
Cái tin Ngoan thi đậu vào chuyên của tỉnh nhanh chóng lan ra khắp xóm nghèo. Nhiều người đến chúc mừng, nhưng riêng bà ngoại của Ngoan lại như ngồi trên đống lửa vì không biết những ngày tới sẽ phải xoay xở ra sao.
Hàng xóm biết chuyện nên người góp cái nồi, người cho mùng mền, chăn chiếu, có người cho bộ quần áo cũ: "Để con Ngoan nó ổn định cuộc sống ban đầu trong suốt 3 năm ở trọ học xa nhà", bà Nguyễn Thị Tươi - người hàng xóm tốt bụng nói.
Còn ngoại của Ngoan, dù già yếu nhưng cho biết sẽ kiếm việc làm tại TP. Bến Tre để kiếm tiền nuôi Ngoan trong thời gian tới.
Lớp phó lao động "hạt điều"
Sau giờ học, em Liêu Thế Hùng, 14 tuổi, học sinh lớp 8.2 Trường THCS Phước Hiệp lại đạp xe ngay về nhà cùng mẹ tách hạt điều.
Ngoài giờ học, Hùng thường phụ mẹ tách hạt điều kiếm thêm thu nhập - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Ngoài tiền công làm phụ hồ mỗi ngày 190.000 đồng của cha dượng, công việc tách hạt điều của Hùng và mẹ là nguồn thu đều đặn nhất nhưng mỗi ngày cũng chỉ được vài chục ngàn đồng.
Hùng mất cha từ năm lên 5 tuổi, mẹ đi thêm bước nữa và có 1 đứa em gái cùng mẹ khác cha. Gia đình 4 miệng ăn, nhưng cả cha dượng và mẹ đều không có công việc ổn định nên cuộc sống cứ lay lắt trong căn nhà dột nát dựng tạm nơi góc vườn dừa nhà ngoại.
Thường sau giờ trên lớp, Hùng lại phụ mẹ tách hạt điều. "Được nghỉ hè, thấy bạn bè đứa đi chơi đứa đi học thêm mà con mình lủi thủi trong nhà làm việc cũng thương, nhưng không biết làm sao, mỗi người phải ráng một chút mới đủ tiền đi học", chị Nguyễn Thị Út, mẹ em Hùng, nói.
"Hết đợt mưa này, em tính đi hái lá quao về phơi khô bán kiếm tiền mua tập sách và quần áo cho năm học mới. Mấy nay mưa quá, hái về cũng không phơi được", Hùng nói. Đang tuổi ăn, tuổi học nhưng những lời tâm sự đầy gánh nặng cơm gạo của Hùng khiến người nghe không khỏi chạnh lòng.
Đèn đom đóm 2018: Em Liêu Thế Hùng - Video: MẬU TRƯỜNG
Dù gia cảnh khó khăn là thế nhưng với Hùng, việc học của em chưa bao giờ bị thầy cô than phiền, kết quả 8 năm liền em đều đạt học sinh khá giỏi.
Thầy Nguyễn Kỷ Tín, giáo viên chủ nhiệm lớp 8.2 trường Trường THCS Phước Hiệp, cho biết ở lớp Hùng là học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt. Dù kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, em luôn cố gắng vươn lên trong học tập.
"Nhỏ con, Hùng rất chăm ngoan, tham gia tích cực các hoạt động của trường và là lớp phó phụ trách lao động", thầy Tín nói và cho biết thêm: "Còn em Ngoan, tôi có làm chủ nhiệm lớp em một năm và hiểu rõ về gia cảnh em. Em là học sinh xuất sắc, rất chịu khó tìm tòi và biết thương bà ngoại. Kỳ thi lên lớp 10 vừa rồi, em thi đậu vào trường chuyên của tỉnh, đó là một niềm tự hào rất lớn".
100 suất học bổng Đèn Đom Đóm
Từ ngày 10-6 đến 30-8, Tuổi Trẻ Online sẽ giới thiệu 100 gương học sinh vượt khó vươn lên trong học tập. Mỗi tấm gương hiếu học sẽ nhận một suất học bổng Đèn đom đóm trị giá 3 triệu đồng. Chương trình do Công ty FrieslandCampina Việt Nam phối hợp cùng báo Tuổi Trẻtổ chức.
Theo ông Trần Quốc Huân - phó tổng giám đốc Công ty FrieslandCampina Việt Nam, quỹ khuyến học Đèn đom đóm ra đời từ năm 2002 với sứ mệnh thắp lên ước mơ đến trường cho hàng ngàn trẻ em Việt Nam.
Đến nay, chương trình đã trao tặng 25.500 suất học bổng và xây mới, sửa chữa 21 trường học từ Nam ra Bắc. Quỹ Đèn đom đóm muốn lan tỏa tinh thần hiếu học, đem đến động lực học tập và niềm tin vào cuộc sống cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận