15/06/2018 11:22 GMT+7

Những đứa trẻ tứ xứ tha hương vượt khó đến trường

NGỌC TÀI
NGỌC TÀI

TTO - Dọc các đê bao lớn thuộc xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, không khó bắt gặp những ngôi nhà chẳng khác cái chòi dựng lên giữa đồng không mông quạnh.

Những đứa trẻ tứ xứ tha hương vượt khó đến trường - Ảnh 1.

Trong mấy chị em Thơ là đứa con hiểu chuyện biết chăm sóc bảo ban em lúc cha mẹ vắng nhà - Ảnh: NGỌC TÀI

Họ phải tha hương đến nơi này lập nghiệp bằng những công việc không tên, dặm lúa, nhổ cỏ, đắp đê, thợ hồ… Thu nhập của cha mẹ bấp bênh, sự học của con em cũng chông chênh theo từng bữa đói, bữa no. Nguyễn Thị Thơ và Nguyễn Thị Ngọc Hà là những đứa trẻ tứ xứ tha hương như thế.

Đứa lớn bảo ban đứa nhỏ

Chiều tháng 6, trời âm u và gió bắt đầu thổi phần phật. Chúng tôi tìm đến gia đình của em Nguyễn Thị Thơ, 11 tuổi, ngụ xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Mẹ bệnh nặng nhập viện cả tuần nay, chị lớn của Thơ phải túc trực chăm sóc. Cha Thơ lặn hụp ngoài đồng bắt cá, mò cua về đổi gạo cho cả nhà ăn qua ngày.

Thơ cùng với em trai là Nguyễn Văn Mót, 9 tuổi, tự bảo ban nhau. Đứa lớn giặt đồ, đứa nhỏ nấu cơm. Căn nhà sàn cũ kỹ, trống trước hở sau nhưng những đứa trẻ này đều không có vẻ gì là lo sợ, bởi vì quá quen cảnh phải ở nhà mà không có người lớn.

Lát sau, bà Nguyễn Thị Bé, bà nội Thơ mới sang tiếp chuyện và kể với giọng buồn rầu. Khoảng 1 năm trước cha mẹ Thơ bị tai nạn giao thông. Chồng thì bị thương tật ở bàn chân, vợ bị gãy chân, gần như nằm liệt một thời gian dài.

Những đứa trẻ tứ xứ tha hương vượt khó đến trường - Ảnh 2.

Cha mẹ vắng nhà hai chị em Thơ chia nhau làm việc nhà - Ảnh NGỌC TÀI

Mang sách vở gửi nhà hàng xóm

Những đứa trẻ tứ xứ tha hương vượt khó đến trường - Ảnh 3.

Nhà dột, Hà phải mang sách vở sang nhà hàng xóm gửi - Ảnh: NGỌC TÀI

Rời nhà Thơ, chúng tôi theo chân bà Nguyễn Thị Bảy, phó chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Tân Công Sính, vào xóm nhà lá dọc đê bao ấp Tân Lợi. Bà Bảy cho biết xóm này chỉ có nhà nghèo ít và nhà nghèo, nhiều chứ không có nhà nào khá giả cả. Những nóc nhà ở đây đều là nhà tạm và chỉ toàn con nít và người già, vì những người còn sức khỏe phải bươn chải để tối mịt mới về.

Nhà bà Phạm Thị Hạnh (41 tuổi) thuộc diện nghèo nhiều nhất xóm. Chồng bà Hạnh đi làm thợ hồ chưa về. Bà Hạnh và hai con quấn quít bên nhau, vì thường ngày bà cũng hay vắng nhà đi làm thuê làm mướn.

Bà Hạnh cùng chồng cũng dân xứ khác đến đây dựng nhà sinh sống. Không đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định nên việc nuôi các con ăn học cũng khá chật vật. Tiền làm hồ mỗi ngày được 200.000 đồng, hôm nào trời mưa bão không có công việc là cả nhà liền thiếu gạo ăn.

Gạo mua từng ký nên cái đói, cái nghèo cứ ám ảnh bà Hạnh. "Sống được ngày nào hay ngày nấy, tới đâu tính tới đó, chứ tương lai có tính cũng không được", bà Hạnh buồn rầu nói.

Những đứa trẻ tứ xứ tha hương vượt khó đến trường - Ảnh 4.

Cha mẹ vắng nhà, Hà thay họ chăm sóc em - Ảnh: NGỌC TÀI

Do hoàn cảnh gia đình, em Nguyễn Thị Ngọc Hà, con gái lớn bà Hạnh dù đã 15 tuổi mới học lớp 5. Người em nhỏ thó và vẫn còn mặc đồng phục mẫu giáo của một mạnh thường quân cho. Dẫu vậy, nhiều năm liền Hà học rất chăm ngoan.

Hè vừa xong, Hà liền cất sách vở cẩn thận. Lại sợ nhà dột sẽ làm ướt sách vở, Hà liền mang sang nhà hàng xóm gửi. Trong khi nhiều bạn bè học thêm ngày hè, Hà lại chọn cách tự ôn lại kiến thức cũ. Sang hàng xóm mang sách vở về rồi cùng em gái đọc vanh vách kiến thức trong sách là việc yêu thích của cả hai chị em.

100 suất học bổng Đèn đom đóm

Từ ngày 10-6 đến 30-8, Tuổi Trẻ Online sẽ giới thiệu 100 gương học sinh vượt khó vươn lên trong học tập. Mỗi tấm gương hiếu học sẽ nhận một suất học bổng Đèn đom đóm trị giá 3 triệu đồng. Chương trình do Công ty FrieslandCampina Việt Nam phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức.

Theo ông Trần Quốc Huân - phó tổng giám đốc Công ty FrieslandCampina Việt Nam, quỹ khuyến học Đèn đom đóm ra đời từ năm 2002 với sứ mệnh thắp lên ước mơ đến trường cho hàng ngàn trẻ em Việt Nam.

Đến nay, chương trình đã trao tặng 25.500 suất học bổng và xây mới, sửa chữa 21 trường học từ Nam ra Bắc. Quỹ Đèn đom đóm muốn lan tỏa tinh thần hiếu học, đem đến động lực học tập và niềm tin vào cuộc sống cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

"Con muốn đi học dù có vất vả thế nào" 'Con muốn đi học dù có vất vả thế nào'

TTO - Cận kề ngày thi tuyển sinh lớp 10, Tạ Ngọc Tố và Nguyễn Hữu Đạt, học sinh lớp 9, Trường TH-THCS Phú Xuân (xã Phú Đức, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) vẫn một buổi ôn thi, một buổi mưu sinh.

NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên