16/07/2018 15:59 GMT+7

Ước mơ của những cô cậu học trò nghèo

MINH PHƯỢNG
MINH PHƯỢNG

TTO - Ước mơ là những điều to lớn nhưng cũng thật giản đơn với các cô cậu học trò nghèo: một chiếc máy tính để học toán, lớn thật nhanh và có một việc làm để gia đình bớt khổ…

Ước mơ của những cô cậu học trò nghèo - Ảnh 1.

Nguyễn Tấn Lộc mồ côi cha mẹ, hiện đang sống với bà nội. Trong ảnh: Lộc đang trò chuyện cùng với một cán bộ của UBND xã - Ảnh: MINH PHƯỢNG

Vui vẻ, hoạt bát, nói chuyện có duyên là cậu học trò Nguyễn Tấn Lộc, năm nay học lớp 10 (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Nhìn cách Lộc thể hiện bên ngoài như vậy sẽ chẳng ai nghĩ Lộc mồ côi cha mẹ và sống với bà nội từ nhỏ

Mong ước thành đầu bếp

So với bạn bè đồng trang lứa, Lộc to cao, nói chuyện chững chạc, người lớn hơn hẳn. Có lẽ hoàn cảnh đã giúp Lộc mạnh mẽ hơn hẳn.

Lộc kể khi được 3 tuổi thì ba mất, sau đó 4 năm thì mẹ mất và về ở với bà nội. Bà nội như người cha, người mẹ, người bạn chăm sóc, nuôi nấng, dạy dỗ Lộc nên người. "Hàng tháng em được xã trợ cấp hơn 700 nghìn đồng. Số tiền này phụ vào để nội nuôi em, đóng học cho em", Lộc cho biết.

Bà Tô Thị Nhỏ (63 tuổi) - bà nội của Lộc - cho biết trước đây bà đi nấu cơm cho công ty, đi làm tạp vụ để kiếm tiền. Tuy nhiên sức khỏe không tốt nên 3 năm nay bà không đi làm được nữa. Hỏi lấy tiền đâu để sinh sống, bà nói đã chia căn nhà ra cho thuê trọ, mỗi tháng kiếm được hơn 2 triệu để mua mắm muối, gạo...

Khó khăn nhưng bà "ráng một chút, ráng thêm chút nữa" cho Lộc được đến trường như bạn bè. "Mỗi năm, tiền học cho thằng Lộc cũng hết hơn 2 triệu. Tui ráng dữ lắm nhưng miễn là thằng Lộc chịu học", bà Nhỏ nói.

Lộc đã học xong cấp 2 và đang suy tính giữa việc học cấp 3 hay đăng ký học nghề. "Nếu học hết cấp 3 và đại học, em phải mất 7 năm. Trong khi đó đi học nghề sẽ nhanh hơn và được đi làm sớm hơn. Em muốn có một cái nghề để tự nuôi sống mình, khỏi làm gánh nặng cho nội. Hơn nữa, nội cũng vất vả rồi nên em muốn giúp đỡ được nội", Lộc trải lòng.

Lộc bảo mình thích trở thành đầu bếp, nên có thể sẽ theo học ngành này.

Nghe cháu nói, bà Nhỏ không khỏi xúc động: "Nó ngoan và nghe lời lắm, ngoài giờ học cũng phụ tui làm việc nhà. Tết hàng xóm cần công bứt lá mai, nó cũng xin đi làm kiếm tiền. Hè này nó xin đi làm thêm nhưng xa xôi quá, lại phải đi xe buýt, sợ nguy hiểm nên tui không cho đi".

"Ước có chiếc máy tính"

Đó là câu chuyện của Nguyễn Thị Thanh Mai, năm nay lên lớp 7, trường THCS Gò Xoài, huyện Bình Chánh (TP.HCM). Lúc học lớp 6, học sinh cần có máy tính cầm tay để giải toán trên đó. Tuy nhiên, thấy mẹ khó khăn nên Mai không dám "ngỏ lời" với mẹ.

Do đó, lúc ở nhà Mai dùng giấy nháp để tính toán thủ công, vào lớp học thì mượn bạn bè. Tuy nhiên, lúc thi thì quy định học sinh không dùng chung máy tính. Lúc này, Mai mới nói với mẹ và mẹ phải đi mượn hàng xóm.

"Mình không nghe con nói gì nên cũng đâu biết con cần phải có máy tính để học, đi thi thì con nói mới biết. Hỏi ra thì con bảo các bạn đa số đều có rồi, một vài bạn chưa mua thì có anh chị trong nhà học và dùng chung được", chị Lê Thị Huệ - mẹ của Mai, nhớ lại.

Ước mơ của những cô cậu học trò nghèo - Ảnh 2.

Ngoài giờ học, Nguyễn Thị Thanh Mai (lớp 7) phụ mẹ bán nước mía - Ảnh: MINH PHƯỢNG

Mai là chị của một cậu em năm nay học mẫu giáo. Gia đình hiện có sổ nghèo. Hằng ngày, chị Huệ đi in nhãn dán cho một cơ sở bán bánh tráng trộn kiếm khoảng 100.000 đồng/ngày. Hè học sinh nghỉ, nên cơ sở cũng nghỉ mấy tháng hè thì chị chuyển qua bán nước mía.

Chị Huệ nói nhờ có UBND xã quan tâm nên hỗ trợ chị chiếc xe để kiếm thêm tiền nuôi con. Chồng sau của chị cũng đi làm thuê, "có thì cho không có thì thôi" nên là lao động chính trong nhà nuôi hai con đi học vẫn là một tay chị Huệ.

Cùng đó, bà ngoại ở chung nhà hiện đã lớn tuổi, phải uống thuốc nhức xương khớp, viêm xoang, cao huyết áp hằng ngày.

Hiểu được hoàn cảnh của mẹ nên Mai rất thương mẹ và chịu khó học hành. Hằng ngày, Mai tự đi xe buýt đến trường, về nhà tự giác học tập và làm việc nhà, phụ mẹ bán nước mía. Cô học trò này cố gắng học để sau này sẽ trở thành cô giáo dạy môn ngữ văn

"Mình vậy nhưng con cái ngoan, hiểu chuyện là vui lắm rồi. Thấy con cũng thích đi học nên mình cố gắng lo cho con được chừng nào hay chừng ấy", chị Huệ nói.

Tuy nhiên, năm học sắp đến nhưng chị vẫn chưa mưa sách vở cho con "gì hết trơn hết trọi". Mai vẫn thường dùng lại đồ cũ để đi học và chẳng bao giờ "phàn nàn" gì, năm học này Mai cũng đã được cho lại một chiếc cặp đi học cũ.

không dám hứa trước nhưng chị Huệ tự nhủ trong lòng: "Mình đang cố bán nước mía rồi ai kêu đi làm cỏ, làm đồng thêm ráng mua cho con cái máy tính đến trường, nghe đâu cũng 400.000 - 500.000 đồng lận", chị Huệ cho biết.

100 suất học bổng Đèn đom đóm

Từ ngày 10-6 đến 30-8, Tuổi Trẻ Online giới thiệu 100 gương học sinh vượt khó vươn lên trong học tập. Mỗi tấm gương hiếu học sẽ nhận một suất học bổng Đèn đom đóm trị giá 3 triệu đồng. Chương trình do Công ty FrieslandCampina Việt Nam phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức.

Theo ông Trần Quốc Huân - phó tổng giám đốc Công ty FrieslandCampina Việt Nam, quỹ khuyến học Đèn đom đóm ra đời từ năm 2002 với sứ mệnh thắp lên ước mơ đến trường cho hàng ngàn trẻ em Việt Nam.

Đến nay, chương trình đã trao tặng 25.500 suất học bổng và xây mới, sửa chữa 21 trường học từ Nam ra Bắc. Quỹ Đèn đom đóm muốn lan tỏa tinh thần hiếu học, đem đến động lực học tập và niềm tin vào cuộc sống cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Ước mơ của hai cậu học trò miền núi Bắc Trà My Ước mơ của hai cậu học trò miền núi Bắc Trà My

TTO - Dù cảnh đời nghèo khó, thiếu thốn đủ bề, hai cậu học trò người Ca Dong vùng núi huyện Bắc Trà My, Quảng Nam vẫn vươn lên nghịch cảnh, nuôi ước mơ con chữ.

MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Đèn đom đóm