Nguyễn Minh Thiện tranh thủ học bài sau khi phụ mẹ chăm anh - Ảnh: K.ANH
Phía sau đấy là sự tảo tần, hi sinh của những người mẹ.
"Tôi chỉ mong Thiện học đến nơi đến chốn"
Thoạt nghe hoàn cảnh của bạn Nguyễn Minh Thiện (lớp 9 Trường THCS Lạc Hồng, Q.10, TP.HCM) ai cũng tưởng chừng gia đình bạn đã rơi vào "tận cùng nỗi đau". Bởi lẽ cha mất, mẹ phải ở nhà chăm sóc hai người anh bị khuyết tật nặng. Chỉ mỗi mình Thiện lành lặn, là tia hi vọng và cũng là niềm động viên người mẹ vượt qua tất cả để sống cùng các con.
"Sinh đứa con đầu lòng mãi không thấy bé biết đi hay biết nói. Đi khám mới biết con bị bại não nặng. Tôi đành nghỉ việc ở nhà chăm con. Khi bé thứ hai chào đời thấy bé cũng lành lặn, nhưng rồi một thời gian cũng phát hiện cháu bị bệnh như anh của cháu. Vợ chồng tôi suy sụp tinh thần dữ lắm nhưng vì thương con mà cố sống để chăm sóc các cháu. Tôi vỡ kế hoạch nên sinh thêm được thằng Thiện, nhờ trời thương mà cháu bình thường. Cháu cũng là niềm an ủi lớn nhất của đời tôi" - cô Đào Phương Chi, mẹ của Thiện, tâm sự.
Mỗi ngày đi học về, vừa cất sách vở Thiện liền phụ mẹ ẵm hai anh vào nhà tắm để lau rửa, thay quần áo. "Cả hai anh bệnh nặng, không nói được, chỉ nằm một chỗ nên mẹ đã vất vả cả ngày. Em đi học về phụ được việc gì là em phụ liền" - Thiện chia sẻ.
Căn nhà bốn mẹ con Thiện ở là nhà nội cho ở nhờ, mọi chi phí sinh hoạt chủ yếu trông chờ vào sự giúp đỡ của hai bên gia đình nội, ngoại cũng như sự hỗ trợ của địa phương và bà con lối xóm.
"Tôi chỉ mong thằng Thiện học đến nơi đến chốn, để mai này cháu tự lo cho bản thân và có thể giúp hai anh. Và điều rất mừng là dù không học thêm nhưng cháu luôn học khá giỏi" - cô Chi cho hay.
Bạn Ngô Thị Anh Thư phụ mẹ gấp quần áo cho khách - Ảnh: K.ANH
Sợ một ngày không được đến trường
Cũng cảnh ở nhờ, ba mẹ con nữ sinh Ngô Thị Anh Thư (lớp 11 Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, Q.10, TP.HCM) chật vật với cuộc sống mưu sinh khi mà nghề giặt đồ mướn của mẹ Thư ngày càng ít khách.
"Ở ngoài phố nhiều tiệm giặt đồ bằng máy sấy khô tại chỗ nên ngày càng ít người thuê nhà em giặt đồ hơn. Em cũng lo sợ một ngày mình không được đến trường" - Anh Thư ngập ngừng nói.
Cô Trịnh Thị Thùy Anh - mẹ Anh Thư - còn mắc nhiều bệnh như khớp, huyết áp cao, mỡ máu... nên ngày nào cũng phải uống thuốc. Đôi chân cô phù to, đi lại khó khăn, công việc giặt đồ cũng phải nhờ thêm hai cô con gái phơi phóng giúp. Đi học về, Anh Thư phụ mẹ phơi đồ và xếp đồ vào túi cho khách để mẹ được nghỉ ngơi cho bớt nhức mỏi.
"Ba tụi nhỏ bỏ đi khi tôi sinh bé thứ hai được 3 tháng tuổi. Đến nay cả hai đứa đều chưa được gặp lại ba. Một mình tôi làm đủ nghề nuôi con, bây giờ lớn tuổi không ai thuê giúp việc nhà nên tôi nhận giặt đồ mướn nhưng cạnh tranh nhiều quá. Mỗi ngày chỉ có vài người khách, chắt chiu lắm mới lo nổi cho hai cháu ăn học. Đau ốm phải đi bệnh viện thì coi như tháng ấy phải nợ nần" - cô Thùy Anh cho biết.
Biết mẹ vất vả, cả hai chị em Anh Thư đều ráng học khá giỏi để mẹ vui lòng. "Em sẽ học để mai này làm cô giáo vì học đại học sư phạm chắc là chi phí sẽ không nhiều. Em cũng muốn đi phụ việc gì đó kiếm thêm thu nhập nhưng vì phải học nhiều quá, em cũng chưa đủ 18 tuổi nên đi xin việc mấy lần vẫn không nơi nào nhận" - Anh Thư bày tỏ.
120 suất học bổng Đèn đom đóm
Nhằm giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng có ý chí vươn lên trong học tập, từ ngày 10-6 đến 30-8, báo Tuổi Trẻ và Công ty FrieslandCampina tổ chức Chương trình học bổng Đèn đom đóm với 120 suất. Mỗi gương học sinh hiếu học gặp khó khăn sẽ được giới thiệu trên Tuổi Trẻ đồng thời nhận 1 suất học bổng trị giá 3 triệu đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận