Lê Hoàng Duy bên góc học tập được tặng - Ảnh: K.ANH
Đầu năm học mới, chương trình muốn kịp thời tiếp thêm động lực cho các học sinh đến trường
Ông ARNOUD VAN DEN BERG (tổng giám đốc Công ty FrieslandCampina Việt Nam)
Mỗi hoàn cảnh nhận học bổng đều là những câu chuyện vươn lên trong gian khó. Trong đó có hai cậu học trò lấy khó khăn là thách thức cần vượt qua của cuộc đời mình.
Tự mình làm mọi thứ
Là thế hệ thứ ba trong gia đình mang di chứng chất độc da cam, thị lực của Tướng Hoàng Ân (9 tuổi, ở phường 12, quận Phú Nhuận) chỉ còn 2/10 từ lúc mới lọt lòng.
"Ông bà của bé đi thanh niên xung phong làm nghĩa vụ rồi bị nhiễm chất độc da cam, di truyền đến chồng tôi và sau này là bé Ân. Mắt rất yếu nên đi học bé được ưu tiên không phải học mấy môn vận động, viết chữ cũng lem nhem. Nhưng con vẫn tự làm mọi thứ, học hành tiếp thu nhanh nên năm nào cũng là học sinh giỏi" - chị Nguyễn Thị Minh Tâm (36 tuổi), mẹ bé Hoàng Ân, kể.
Hai vợ chồng đang ở tạm căn nhà nhỏ với vợ chồng một người em của chị. Một bên mắt chồng chị đã bị mất hẳn thị lực, mắt còn lại rất yếu nên cả nhà gần như dựa cả vào tiền lương kế toán của chị, mỗi tháng khoảng 6 triệu đồng.
Chồng chị chơi đàn, thỉnh thoảng đi biểu diễn ở những sự kiện nhỏ để có thêm thu nhập. Những ngày anh đi diễn, chị là "xe ôm" đưa đón con đi học, đưa đón chồng đi làm.
"Hơn năm nay có thêm ứng dụng xe ôm giá rẻ thì lúc nào kẹt quá ảnh sẽ tự gọi xe đi" - chị Tâm nói.
Ân đã vào năm học mới. Mấy ngày nay chị Tâm lại đều đều đưa con đi học. Niềm vui lớn nhất của người mẹ với cậu con trai nhỏ là cậu bé thích trường lớp và lúc nào cũng vui vẻ, hay đùa nghịch.
Tướng Hoàng Ân là cậu bé sáng dạ, vui vẻ, hồn nhiên lúc nào cũng mang đôi mắt kính dày cộp - Ảnh: THANH TÂM
Phụ ba chăm thêm đàn gà
Mất mẹ, Lê Hoàng Duy (lớp 8 Trường THCS Gò Xoài, xã Bình Lợi, Bình Chánh) và người chị gái chỉ còn mỗi ba là nơi nương tựa. Ba của Duy lại bị khuyết tật đôi chân, đi lại rất khó khăn.
Căn nhà nhỏ xíu được bà nội cho đất cất lên để ở của gia đình Duy cũng là nơi ba Duy làm nghề vá xe đạp. Càng ngày càng ít người đi xe đạp nên công việc của anh Lê Hoàng Giang Khang, ba của Duy, lại càng ít.
"Cả ba cha con đều trông chừng vào tiền hỗ trợ ít ỏi của xã dành cho người khuyết tật. Hai đứa nhỏ đi học cũng nhờ bà con lối xóm giúp chút ít. Tôi mong thằng Duy học nhanh rồi đi học nghề sửa chữa điện thoại mà kiếm cơm" - anh Khang nói.
Ngoài giờ học, Duy phụ ba chăm đàn gà lấy trứng bán gom góp lo tiền sách vở. "Ba bị đau ốm hoài, đôi chân ngày càng teo lại. Em rất thương ba nên sẽ cố gắng học, sớm có việc làm kiếm tiền phụ giúp gia đình" - Duy nói.
125 suất học bổng Đèn đom đóm
Với chương trình học bổng Đèn đom đóm, mỗi học sinh hiếu học gặp khó khăn sẽ được giới thiệu trên Tuổi Trẻ, đồng thời nhận một suất học bổng trị giá 3 triệu đồng.
Từ dự tính ban đầu là 100 suất, trong quá trình các phóng viên đi xác minh, viết bài, chương trình đã tăng lên 125 suất.
Ông Arnoud Van Den Berg, tổng giám đốc Công ty FrieslandCampina Việt Nam, trực tiếp đến nhà một số học sinh trao học bổng, cho biết ông thấy cảm kích khi hiểu thêm hoàn cảnh và nghị lực vươn lên của các bạn nhỏ.
"Đầu năm học mới, chương trình muốn kịp thời tiếp thêm động lực cho các em. 16 năm qua, chương trình đã giúp đỡ cho hàng ngàn trẻ em Việt Nam" - ông Arnoud nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận