14/07/2018 08:55 GMT+7

Từ ngày cha mất, tụi em ra đường bán nước mía…

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TTO - Cha qua đời vì bạo bệnh, hai anh em Quốc Anh - Quốc Bảo có thêm "người bạn mới" là xe nước mía mà một người quen thương tình cho mượn.

Từ ngày cha mất, tụi em ra đường bán nước mía… - Ảnh 1.

Hai anh em Quốc Bảo, Quốc Anh bên xe nước mía - Ảnh: CÔNG NHẬT

Trân mình giữa cái nắng gay gắt mùa hè, hai anh em đang theo học trường tiểu học Tóc Tiên, thị xã Phú Mĩ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn cười đùa hồn nhiên, tay thoăn thoắt xoay khúc mía, bỏ đá vào ly… mỗi khi có khách.

Gia đình khánh kiệt

Những năm trước, Đinh Ngọc Quốc Bảo đều là học sinh giỏi, chỉ đến gần đây sức học của em bị xuống loại khá. Còn Đinh Ngọc Quốc Anh có sức học sụt hơn. "Cha mất, gia đình khánh kiệt mà mẹ lại vừa bị giảm biên chế, phải ngày đêm phụ mẹ kiếm tiền… nên chắc hai đứa vì vậy mà học sút", chị Đoàn Thị Long (mẹ của Quốc Bảo và Quốc Anh) sụt sùi nói.

Chị Long từng làm nhiều đầu việc cùng lúc, từ văn hóa xã song song bán bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ, còn chồng làm bảo vệ kiêm bưu tá… nên thu nhập lúc xưa vừa đủ cho gia đình bốn miệng ăn. Nhưng từ lúc chồng chị bị phát hiện ung thư thực quản giai đoạn ba, phải hóa trị liên tục, không còn đủ sức làm việc thì kinh tế gia đình tuột dốc hẳn.

"Chồng tôi đi bệnh viện trong khoảng hai năm, dù anh rất tằn tiện nhưng tiền cứ "đội nón mà đi". Lúc đó, mỗi lần bệnh trở nặng là ảnh tự chạy xe máy từ Bà Rịa lên TP.HCM, tự mình lo giấy tờ, thuốc men, ăn uống… Cả tháng vì tôi vừa phải quay mòng với việc mưu sinh, chăm hai đứa nhỏ nên không kề bên được.

Sau hai năm thì gia đình cạn kiệt sức lực, tài chính nên ảnh về nhà nằm và cầm cự bằng thuốc nam. Tháng tư vừa rồi, ảnh đi…", giọng chị Long chùng xuống, mắt xa xăm. Căn nhà nhỏ ở tạm vốn chỉ đủ che nắng mưa cho ba mẹ con, giờ dành riêng một góc để đặt bàn thờ, nhang khói…

Chẳng biết ngày mai ở đâu

Tám năm qua, cả gia đình sống tạm bợ ở trụ sở bưu điện Tóc Tiên, nhưng gần đây mặt bằng bị đòi lại suốt, đợt vừa rồi nhà có người lâm bệnh nặng rồi qua đời, chị Long có trình bày hoàn cảnh thì hiện mọi thứ tạm ổn.

Nhưng chị Long vẫn còn một khoản nợ vài chục triệu ủy ban xã tạo điều kiện cho vay trước đây. "Nếu còn việc làm thì may ra trả được, còn bây giờ ba mẹ con chỉ có nguồn thu nhập nhỏ giọt từ xe nước mía thì chẳng biết đào đâu ra tiền. Có những ngày chỉ bán được vài ly, nắng cũng khổ mà mưa cũng khổ vì ế.

Các đầu việc khác như phát bưu phẩm giờ cũng không còn cho ba mẹ con làm. Chỗ ở này thì cứ ở thêm được ngày nào hay ngày nấy, nhưng phập phồng lắm chú à", chị Long nói.

Hỏi Quốc Bảo về môn học giỏi nhất, em nói đó là môn toán. Hỏi về sở thích, Quốc Bảo nói đó là đọc sách truyện. "Nhưng hai em đi học không được cho đồng nào, sao mua sách truyện, đồ ăn vặt?", chúng tôi hỏi. "Dạ, không có cũng không sao ạ", Quốc Bảo trả lời, giọng buồn tênh.

Năm nay Quốc Bảo lên lớp 5, Quốc Anh vào lớp 6, hai anh em không còn học chung trường nên chị Long phải vất vả hơn trong việc chở đưa đón, cơm nước cho con. Biết mẹ khổ nên cả Quốc Bảo và Quốc Anh đều hứa năm nay sẽ cố gắng là học sinh giỏi để mẹ vui.

"Hồi xưa bố nó cũng kì vọng nhiều vào hai đứa lắm, bố con rất thương yêu, quấn quít nhau. Lúc bố nó chuẩn bị ra đi, anh có nhắn nhủ hai đứa cố gắng học cho giỏi, còn nhắn tôi phải lo cho hai đứa ăn học đàng hoàng để đời con tốt hơn đời bố. Tôi cũng muốn lắm nhưng chẳng biết nữa", chị Long nói, mắt đỏ hoe.

Từ ngày cha mất, tụi em ra đường bán nước mía… - Ảnh 2.

Ba mẹ con trước ngôi nhà ở tạm - Ảnh: CÔNG NHẬT

Đến nhà Quốc Bảo và Quốc Anh cùng chúng tôi là thầy hiệu trưởng trường tiểu học Tóc Tiên, thầy trầm ngâm: "Mong chương trình có thể hỗ trợ học bổng cho hai anh em. Năm học vừa rồi tuy hai anh em có được giảm học phí vì là hộ nghèo, nhưng gia đình vẫn còn khó khăn lắm", thầy nói.

100 suất học bổng Đèn đom đóm

Từ ngày 10-6 đến 30-8, Tuổi Trẻ Online giới thiệu 100 gương học sinh vượt khó vươn lên trong học tập. Mỗi tấm gương hiếu học sẽ nhận một suất học bổng Đèn đom đóm trị giá 3 triệu đồng. Chương trình do Công ty FrieslandCampina Việt Nam phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức.

Theo ông Trần Quốc Huân - phó tổng giám đốc Công ty FrieslandCampina Việt Nam, quỹ khuyến học Đèn đom đóm ra đời từ năm 2002 với sứ mệnh thắp lên ước mơ đến trường cho hàng ngàn trẻ em Việt Nam.

Đến nay, chương trình đã trao tặng 25.500 suất học bổng và xây mới, sửa chữa 21 trường học từ Nam ra Bắc. Quỹ Đèn đom đóm muốn lan tỏa tinh thần hiếu học, đem đến động lực học tập và niềm tin vào cuộc sống cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Những căn nhà không có mẹ Những căn nhà không có mẹ

TTO - Hai đứa trẻ với hai câu chuyện khác nhau, nhưng điểm chung của chúng là cuộc sống thiếu vắng đi tình thương của người mẹ và sự khao khát được bám lấy con chữ.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên