12/07/2018 16:00 GMT+7

Ước mơ của hai cậu học trò miền núi Bắc Trà My

LÊ TRUNG
LÊ TRUNG

TTO - Dù cảnh đời nghèo khó, thiếu thốn đủ bề, hai cậu học trò người Ca Dong vùng núi huyện Bắc Trà My, Quảng Nam vẫn vươn lên nghịch cảnh, nuôi ước mơ con chữ.

Ước mơ của hai cậu học trò miền núi Bắc Trà My - Ảnh 1.

Ngày hè, Bảo chăn bò phụ giúp gia đình - Ảnh: LÊ TRUNG

Những ngày hè tháng bảy, khi những đứa trẻ khác ở thành thị đang vui chơi thảnh thơi, Nguyễn Ngọc Bảo, lớp 4 trường tiểu học Nông Văn Dền, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My lại làm bạn với đàn bò trên đồi núi hoang vu.

Vừa học, vừa chăn bò

Hằng ngày, người dân thôn 9, xã Trà Bui đều thấy hình ảnh cậu bé với dáng người gầy, đen đúa đang dắt con bò to gấp mấy người mình lên khu vực đồi ở thôn để chăn. "Mấy bữa học một buổi, buổi còn lại em chăn bò. Giờ nghỉ hè thì ngày nào cũng chăn", Bảo nhoẻn miệng cười.

Nhà Bảo nghèo lắm. Ở vùng núi cằn cỗi, cuộc sống của người Ca Dong chỉ biết bám rừng, làm nương rẫy. Nhưng nhà Bảo lại chẳng có đất rừng, ba mẹ em suốt ngày phải đi làm keo thuê cho người ta để kiếm tiền nuôi 3 đứa con ăn học.

Thầy Trần Ngọc Mẫn - hiệu trưởng trường tiểu học Nông Văn Dền - tâm sự rằng ở vùng núi khó khăn này, học sinh nào cũng thiếu thốn đủ bề, nhưng rất chịu khó. "Riêng Bảo và Thắng có hoàn cảnh gia đình quá đặc biệt, dù gia cảnh quá nghèo khó nhưng hai em vẫn vượt khó, nỗ lực trong học tập, đứa nào cũng chăm ngoan, học giỏi hết", thầy Mẫn nói.

Chị Hồ Thị Sửa, mẹ của Bảo - kể rằng gia đình thuộc diện hộ nghèo, hai vợ chồng quần quật suốt ngày làm thuê mà chẳng đủ tiền nuôi con. Ba em thì suốt ngày làm thuê, có khi phát keo thuê, khi thì phụ hồ, sáng đi tới tối mịt mới về. Bản thân chị cũng phải đi phát keo thuê, bươn chải để kiếm thêm tiền.

Ba mẹ đi làm thuê, anh em của Bảo phải ở nhà tự lo cho mình. Công việc nhà Bảo đều làm để phụ giúp mẹ. Và Bảo phải chăm thêm đàn bò một mẹ một con được gia đình em mua từ nguồn vay chính sách để kiếm thêm thu nhập. Bảo vừa học, lại vừa làm bạn với đàn bò và rừng núi hoang vu.

Ước mơ của hai cậu học trò miền núi Bắc Trà My - Ảnh 3.

Năm nào Bảo học cũng có giấy khen khiến mẹ rất vui - Ảnh: LÊ TRUNG

Dù gia cảnh khó khăn nhưng anh em Bảo đều học rất giỏi, đứa nào cũng chăm ngoan. Từ lớp 1 đến lớp 3, năm nào Bảo đều được nhà trường tặng giấy khen hoàn thành tốt các nội dung học hoặc có thành tích tiến bộ vượt bậc trong học tập.

"Dù nhà thiếu thốn đủ bề nhưng thấy các con học giỏi như vậy, hai vợ chồng tui có khổ gấp mấy cũng chịu. Hai vợ chồng nhất quyết làm lụng nuôi các con ăn học tới nơi tới chốn, bởi chỉ có học mới giúp chúng thoát khỏi cái nghèo cái đói ở vùng núi này thôi", chị Sửa tâm sự.

Riêng về phần mình, Bảo nói rằng em sẽ vừa học thật tốt, vừa chăn bò phụ giúp ba mẹ. "Ước mơ của em lớn lên là làm chú cảnh sát để bảo vệ sự bình yên cho mọi người", Bảo bộc bạch.

Nhà nghèo, đông con, khó chồng khó

Căn nhà sàn bằng gỗ cũ kỹ, tối om của cậu học trò Hồ Văn Thắng (lớp 5, trường tiểu học Nông Văn Dền) trong những ngày hè này lại càng nóng nực khi nhà em đông con. Ba mẹ Thắng có đến 6 đứa con, trong đó có 3 đứa nghỉ, còn ba đứa đang tuổi ăn tuổi học.

Khỏi phải nói cuộc sống gia đình này phải chật vật đến mức độ nào. Nhà có tám miệng ăn, hai vợ chồng phải suốt ngày quần quật làm thuê trên nương rẫy của thôn để kiếm tiền, chạy ăn từng bữa, vừa phải lo tiền cho các con ăn học.

Ước mơ của hai cậu học trò miền núi Bắc Trà My - Ảnh 4.

Thắng (thứ nhất từ phải qua) và các em- Ảnh LÊ TRUNG

Ông Hồ Văn Phước (46 tuổi, ba của Thắng) - kể rằng nhà quá đông con, cái nghèo chồng lên cái đói, hai vợ chồng suốt ngày lam lũ mà chẳng đủ để nuôi con.

Nhà quá khó, 3 anh chị của Thắng phải bỏ dỡ con chữ nửa chừng, đi làm thuê phụ ba mẹ, nhường cho ba đứa em thơ của mình nuôi ước mơ con chữ.

Hồ Văn Siêng (23 tuổi, anh trai của Thắng) - cho biết nhà đông miệng ăn, để phụ ba mẹ, em phải nghỉ học để lên rẫy phát keo thuê kiếm tiền.

"Mấy đứa tui thì con như xong, còn lại ba đứa nó phải cố gắng học để sau này có tương lai tốt hơn, không phải bám lấy núi rừng nghèo xơ này nữa", Siêng nói với vẻ đượm buồn.

Ước mơ của hai cậu học trò miền núi Bắc Trà My - Ảnh 5.

Em Hồ Văn Thắng - Ảnh: LÊ TRUNG

Giữa đại ngày núi nong trùng điệp, những đứa trẻ mới chút tuổi đầu, hồn nhiên như cành cây ngọn cỏ ở núi rừng đã phải tự lo mình khi ba mẹ vắng nhà. Thắng phải thay ba mẹ lo cơm nước giặt giũ cho hai đứa em nhỏ của mình.

Ấy thế mà cậu học rất tốt, lại chăm ngoan, được thầy yêu bạn quý. Bốn năm liền đều được nhà trường tặng giấy khen hoàn thành tốt các nội dung học, có tiến bộ vượt bậc. "Em ước mơ sau này thành kỹ sư, làm thật nhiều tiền để nuôi ba mẹ, lo cho các em", Thắng quả quyết.

100 suất học bổng Đèn đom đóm

Từ ngày 10-6 đến 30-8, Tuổi Trẻ Online sẽ giới thiệu 100 gương học sinh vượt khó vươn lên trong học tập. Mỗi tấm gương hiếu học sẽ nhận một suất học bổng Đèn đom đóm trị giá 3 triệu đồng. Chương trình do Công ty FrieslandCampina Việt Nam phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức.

Theo ông Trần Quốc Huân - phó tổng giám đốc Công ty FrieslandCampina Việt Nam, quỹ khuyến học Đèn đom đóm ra đời từ năm 2002 với sứ mệnh thắp lên ước mơ đến trường cho hàng ngàn trẻ em Việt Nam.

Đến nay, chương trình đã trao tặng 25.500 suất học bổng và xây mới, sửa chữa 21 trường học từ Nam ra Bắc. Quỹ Đèn đom đóm muốn lan tỏa tinh thần hiếu học, đem đến động lực học tập và niềm tin vào cuộc sống cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Lớn lên từ gánh bún của bà, của mẹ Lớn lên từ gánh bún của bà, của mẹ

TTO - Hai đứa trẻ lớn lên trong hai hoàn cảnh không cha, được nuôi lớn từ gánh bún của bà, của mẹ, sống cùng người thân bệnh tật nhưng vẫn cố gắng học hành, yêu thương gia đình.

LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên