07/07/2018 10:45 GMT+7

'Ngoại ơi, thương con ngoại đừng chết'

MAI VINH
MAI VINH

TTO - Bà ngoại ôm ngực ho sù sụ, nấc từng cơn rồi nằm vật ra tấm phản thở đầy khó khăn. Mỹ ôm bà, khóc hoảng lên: “Ngoại ơi, thương con ngoại đừng chết”.

Nguyễn Thị Thuỳ Mỹ (10 tuổi, Trường tiểu học Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng) nhớ lại chuyện đã xảy ra cách đây đã 4 năm nhưng ánh mắt vẫn còn rõ nét lo âu.

Ngoại ơi, thương con ngoại đừng chết - Ảnh 1.

Nguyễn Thị Thuỳ Mỹ (10 tuổi, phía trái ảnh) và em gái Nguyễn Thị Mỹ Linh (8 tuổi) cùng bà ngoại trong căn nhà tạm bợ - Ảnh: M.VINH

Lưng bà còng nặng gánh cháu nhỏ

Ngày đó, Mỹ và cô em gái hiện đang học cùng trường là Nguyễn Thị Mỹ Linh (8 tuổi) về sống cùng ngoại được ít lâu sau khi bố của cô nhận án tù 16 năm. Đó cũng là ngày mẹ cô lặng lẽ dắt anh trai rời khỏi nhà, vì không chịu nổi những khổ cực bủa vây trong căn nhà khó có thể gọi là nhà nằm cạnh rừng.

Bà ngoại Mỹ qua cơn nguy hiểm do chứng hen suyễn và suy tim nhờ hàng xóm đưa đi cấp cứu kịp thời, nhưng kể từ đó tần suất đổ bệnh của bà ngày một dày hơn. Mỗi lần bà ngoại ngất đi trong đau đớn, hai chị em lại khóc hoảng. Dẫu đã quen cảnh sống bên bà ngoại đau ốm, lo âu về cuộc sống bơ vơ không lúc nào dứt trong các em.

Ngoại ơi, thương con ngoại đừng chết - Ảnh 2.

Hai chị em Mỹ, Linh người nhỏ thó vì ăn uống thiếu thốn - Ảnh: M.VINH

Bà Nguyễn Thị Phường (75 tuổi) là bà ngoại của Mỹ và Linh bà thều thào nói: "Mẹ nó không chịu thấu lời qua tiếng lại bởi có chồng mang án tù nên phải bỏ đi. Tội cháu tôi. Thân già bệnh tật này biết sống sao".

Khi sống một mình, bà đã rất khó khăn bởi chi phí thuốc men đã quá sức của một người già sống nhờ vào vài con gà . Khi chúng tôi đến nhà thì bà Phường cũng vừa về. Bà phân trần: "Đi mượn tiền người quen mua thuốc". Nói rồi bà móc trong túi ra một ống thuốc dành cho người suyễn và một vỉ thuốc trợ tim.

Nhà của bà Phường nếu không có người ra vào, hẳn người ta sẽ không gọi nó là nhà. Căn nhà ấy nằm dưới tán cây điều, chắp ghép bằng tất cả những thứ đã bỏ đi. Xua vội đàn gà ra khỏi nhà, bà cười: "Gà sống chung với bà cháu tôi. Cũng ráng sống, nuôi được cơm hai đứa nhỏ là mừng rồi".

Bà Phường nói nuôi cơm theo đúng nghĩa đen. Linh kể em không nhớ rõ ngày gần đây nhất bữa cơm có thịt cá là ngày nào. Một ngày hai bữa cơm rau. Gạo chòm xóm cho, còn rau là rau dại mọc khắp bờ bụi. Cô giáo Phạm Thị Ngọc Linh (Trường tiểu học Quốc Oai) bảo: "Ăn uống thiếu thốn nên các em nhỏ thó, không giống bạn bè cùng lứa. Nhưng các em chăm và học giỏi".

Góc học tập là chiếc chiếu rách

Trong góc nhà tối om om, ánh sáng ban ngày rọi vào yếu ớt nhưng đủ để thấy chiếc chiếu sờn dựng ở đó. Chiếc chiếu thay cho bàn học. Mỗi tối, không đợi ai nhắc, hai chị em trải chiếu ở gần cửa ra vào rồi nằm sấp cùng học bài.

Cả căn nhà chỉ có một bóng đèn nhỏ treo ngay cửa ra vào, một phần ánh sáng rọi xuống chỗ chị em Mỹ, Linh đang học bài. Một phần ánh sáng hắt ra phía mái hiên, nơi bà Phường thường ngồi quạt muỗi cho cháu học bài.

Ngoại ơi, thương con ngoại đừng chết - Ảnh 3.

"Góc học tập" của hai chị em Mỹ và Linh - Ảnh: M.VINH

"Mỏi cổ với mỏi mắt, nhưng tụi con cũng quen rồi ạ", Mỹ nói. Từ khi được đến trường, nơi học bài ở nhà của hai chị em luôn là những tấm chiếu. Hai chị em đã ba lần thay chiếu kể từ khi đi học. Và không có lần thay đổi nào các em có được cho mình tấm chiếu lành lặn.

Để "góc học tập" dễ chịu hơn, mỗi khi xin được tấm chiếu cũ, hai chị em trải đè lên tấm chiếu đang dùng. Những vết lành rách trên các tấm chiếu đùm lấy nhau thành một tấm chiếu tạm dùng được. Vài tháng trước, hai chị em có chiếc chiếu lành lặn nhờ người hàng xóm tốt bụng mua cho.

Mỗi khi nhắc đến chuyện đi học của Mỹ, Linh, bà Phường lại mếu máo: "Tôi cũng mỏi mệt lắm, nhưng không để các cháu nghỉ học đâu. Bố mẹ tụi nó thất học mà thành ra thế này. Tụi nó không học hành biết sau này sẽ ra sao. Nếu thiếu tiền, tôi nhịn uống thuốc cho hai đứa đi học".

Ở tuổi gần đất xa trời, lại mắc bệnh nặng, bà Phường luôn có những dự cảm và lo âu cho tương lai Mỹ và Linh. "Một cơn hen, một phút ngưng tim là tôi sẽ bỏ tụi nhỏ đi thôi. Tôi chết, tôi sướng phần tôi. Còn tụi nhỏ không biết sẽ ra sao".

Ngoại ơi, thương con ngoại đừng chết - Ảnh 4.

Đôi dép "đẹp" của Mỹ. Em nhặt được ven đường mang về chà rửa rồi mang mỗi ngày. Linh cũng có một đôi tương tự - Ảnh: M.VINH

Ngoại ơi, thương con ngoại đừng chết - Ảnh 5.

Hai chị em gần như không đi chơi, chỉ quanh quẩn ở nhà dọn dẹp nhà cửa và chăm bà - Ảnh: M.VINH

100 suất học bổng Đèn Đom Đóm

Từ ngày 10-6 đến 30-8, Tuổi Trẻ Online sẽ giới thiệu 100 gương học sinh vượt khó vươn lên trong học tập. Mỗi tấm gương hiếu học sẽ nhận một suất học bổng Đèn đom đóm trị giá 3 triệu đồng. Chương trình do Công ty FrieslandCampina Việt Nam phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức.

Theo ông Trần Quốc Huân - phó tổng giám đốc Công ty FrieslandCampina Việt Nam, quỹ khuyến học Đèn đom đóm ra đời từ năm 2002 với sứ mệnh thắp lên ước mơ đến trường cho hàng ngàn trẻ em Việt Nam.

Đến nay, chương trình đã trao tặng 25.500 suất học bổng và xây mới, sửa chữa 21 trường học từ Nam ra Bắc. Quỹ Đèn đom đóm muốn lan tỏa tinh thần hiếu học, đem đến động lực học tập và niềm tin vào cuộc sống cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Độc giả quan tâm và muốn giúp đỡ hai em Mỹ và Linh, vui lòng liên hệ cô giáo Phạm Thị Ngọc Linh (Trường tiểu học Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng), điện thoại: 0968246806.

'Em muốn lớn nhanh để đi làm giúp mẹ'

TTO - Hai năm kể từ ngày chồng mất, làm việc quần quật bất kể ngày đêm, chị Hồ Thị Hữu (46 tuổi, trú xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) vẫn không kiếm đủ tiền để nuôi mấy đứa con đang tuổi ăn tuổi học.

MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên