12/07/2018 09:30 GMT+7

Lớn lên từ gánh bún của bà, của mẹ

THẢO NGÂN
THẢO NGÂN

TTO - Hai đứa trẻ lớn lên trong hai hoàn cảnh không cha, được nuôi lớn từ gánh bún của bà, của mẹ, sống cùng người thân bệnh tật nhưng vẫn cố gắng học hành, yêu thương gia đình.

Lớn lên từ gánh bún của bà, của mẹ - Ảnh 1.

Hiếu học bài trên căn gác xép nhà bà ngoại - Ảnh: THẢO NGÂN

Trưa hè nóng như đổ lửa, chúng tôi tìm về một căn nhà nhỏ cấp 4 nằm trong con hẻm trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận Hải Châu, Đà Nẵng.

"Em muốn làm công an để bảo vệ mọi người"

Ngôi nhà chi chít những mảng bám đen sì cùng nồi nước lèo đang sôi ùng ục ngoài hiên là tổ ấm của cả ba thế hệ gia đình em Nguyễn Ngọc Hiếu, lớp 2/6, trường Tiểu học Phù Đổng.

Bà Mai Thị Đó (53 tuổi), bà ngoại của Hiếu, kể từ khi lọt lòng, Hiếu đã không có được hạnh phúc trọn vẹn từ cha mẹ. Em là kết quả một lần "dại" của người mẹ tâm thần và người thanh niên cùng xóm.

Bà ngoại là người cưu mang Hiếu từ khi em mới ra đời. "Khi tôi mang thai con bé (mẹ Hiếu) 9 tháng thì xảy ra dịch sởi, mà tôi lại không được tiêm phòng. Đến khi lên 3, thấy nó ngơ ngơ thì tôi mới ngỡ ra con mình bị bại não", bà Đó kể lại.

Mẹ Hiếu không thể chăm lo được cho bản thân và tuyệt nhiên chưa bao giờ thực hiện được thiên chức của người làm mẹ. Hiếu vẫn biết cha em là ai, nhưng bà Đó không cho nhận vì đấy là người đàn ông suốt ngày say xỉn. Cũng vì quyết định ấy, bà Đó dành tình thương cho cháu nhiều hơn. Bà chỉ mong duy nhất một điều Hiếu được học hành đến nơi đến chốn, dù cho bà rất vất vả mưu sinh để nuôi cháu.

Lớn lên từ gánh bún của bà, của mẹ - Ảnh 2.

Dù còn nhỏ, Hiếu luôn chăm ngoan, biết phụ bà công việc - Ảnh: THẢO NGÂN

Lớn lên nhờ gánh bún của bà ngoại và đồng lương ít ỏi khi chạy xe thồ của ông, Hiếu thương ông bà khổ cực ngược xuôi. Vì vậy, em càng cố gắng học tập.

Kết quả cho sự nỗ lực của Hiếu là cuối năm lớp 2 em được khen thưởng "học sinh có tiến bộ vượt bậc môn toán". Ở lớp, Hiếu luôn được khen ngợi và yêu quý bởi không chỉ học giỏi, Hiếu còn hiền lành, thông minh và hay giúp đỡ bạn.

Hè là lúc sẻ chia gánh nặng mưu sinh với bà. Sáng sáng, Hiếu dậy sớm phụ bán bún cùng ông bà ngoại, bưng bê dọn dẹp quán sá rồi mới đến lớp học thêm. Đến chiều, Hiếu lại cùng bà chuẩn bị nguyên liệu cho gánh bún ngày mai.

"Dù không có tình thương của ba nhưng em không cảm thấy buồn, bởi bên cạnh em vẫn có ông bà và mẹ yêu thương. Sau này lớn em sẽ làm công an, bắt kẻ xấu, để giúp ích cho xã hội, bảo vệ mọi người" - Hiếu vui vẻ trả lời khi được hỏi về ước mơ.

"Con muốn chóng lớn…"

Cùng hoàn cảnh như Ngọc Hiếu, em Phan Quốc Thịnh (học lớp 1/3, trường TH Núi Thành) còn phải hằng ngày chứng kiến một mình mẹ tần tảo nuôi anh trai bị tâm thần, bà ngoại bệnh tật.

Chị Nguyễn Hồng Ân (mẹ Thịnh) từ ngày kết hôn, sinh được con trai đầu (9 tuổi) lại mang trong mình căn bệnh khuyết tật thần kinh loại nặng (tâm thần).

Lớn lên từ gánh bún của bà, của mẹ - Ảnh 3.

Thịnh phụ mẹ bưng bún cho khách - Ảnh: THẢO NGÂN

Gia đình chồng ghét bỏ, người cha không một lần nhìn mặt con, gánh nặng mưu sinh một mình đè trên đôi vai nhọc nhằn của chị.

Từ ngày Thịnh ra đời, em đã không một lần được biết mặt cha, không được hưởng hơi ấm của vòng tay cha ôm ấp. Một mình mẹ chống đỡ xuôi ngược chữa bệnh cho anh trai, cho bà ngoại.

Không có nhà cửa ổn định, hộ khẩu phải ké tạm nhà cậu, thu nhập chính của cả gia đình là gánh bún sáng, và những công việc làm thêm buổi chiều đến tận 7-8 giờ tối của mẹ.

Thu nhập chưa đầy 3,5 triệu đồng/tháng không đủ cho 4 miệng ăn, chưa kể 2 con nhỏ đang tuổi đi học.

Thương mẹ ngày đêm chèo chống cả gia đình, còn ở cái tuổi được ăn được chơi nhưng Thịnh lại trông chững chạc hơn so với những đứa trẻ đồng lứa.

Em đã biết sáng sáng phụ mẹ buôn bán, giúp mẹ trông chừng anh trai. Thịnh lại gầy nhẵng, thấp bé như đứa trẻ con 5 tuổi nhưng vẫn nhanh nhẹn, bước chân thoăn thoắt nhanh nhẹn bưng bê bên gánh bún của mẹ.

Nụ cười luôn trên môi cậu bé. Khi được hỏi về ước mơ sau này, Thịnh có vẻ suy nghĩ rất kĩ rồi nói: "Con chỉ muốn chóng lớn để mẹ đỡ vất vả mà thôi".

100 suất học bổng Đèn đom đóm

Từ ngày 10-6 đến 30-8, Tuổi Trẻ Online sẽ giới thiệu 100 gương học sinh vượt khó vươn lên trong học tập. Mỗi tấm gương hiếu học sẽ nhận một suất học bổng Đèn đom đóm trị giá 3 triệu đồng. Chương trình do Công ty FrieslandCampina Việt Nam phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức.

Theo ông Trần Quốc Huân - phó tổng giám đốc Công ty FrieslandCampina Việt Nam, quỹ khuyến học Đèn đom đóm ra đời từ năm 2002 với sứ mệnh thắp lên ước mơ đến trường cho hàng ngàn trẻ em Việt Nam.

Đến nay, chương trình đã trao tặng 25.500 suất học bổng và xây mới, sửa chữa 21 trường học từ Nam ra Bắc. Quỹ Đèn đom đóm muốn lan tỏa tinh thần hiếu học, đem đến động lực học tập và niềm tin vào cuộc sống cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Mong manh con chữ nơi cù lao nghèo Mong manh con chữ nơi cù lao nghèo

TTO - Ngày hè, trong khi nhiều bè bạn cùng trang lứa được vui chơi, Bùi Thị Tuyết Xuân và Nguyễn Văn Khởi, học sinh lớp 8, Trường THCS Phú Thuận B (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) lại cặm cụi phụ giúp gia đình.

THẢO NGÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên