10/06/2018 09:32 GMT+7

‘Em muốn đi học chứ không muốn làm osin’

CÔNG TRIỆU
CÔNG TRIỆU

TTO - Để có tiền đi học, Lê Thị Ngọc Yến, học sinh lớp 4, Trường tiểu học Phong Thu (Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) từng phải đi làm giúp việc cho một nhà khá giả trong vùng.

Gia cảnh khó khăn khiến con đường học của Yến ngày một đi vào ngõ cụt.

‘Em muốn đi học chứ không muốn làm osin’ - Ảnh 1.

Được làm cô giáo và ca sĩ là ước mơ của chị em Ngọc Yến - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Thay ba mẹ chăm sóc em

Trưa hè đầu tháng 6 nóng như đổ lửa, chúng tôi tìm về nhà cấp 4 của chị Phạm Thị Lê (mẹ Ngọc Yến) ở thôn Đông Lái (xã Đông Thu, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế).

Từ ngày chồng mất, mọi gánh nặng cuộc sống dồn lên đôi vai gầy yếu của chị Lê. Có lúc tưởng chừng như gục ngã trước những khó khăn của cuộc sống nhưng vì xót chồng, thương con, chị Lê phải gắng mà gượng dậy. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, chị Lê đã xin được vào làm công nhân may tại một xưởng may trong vùng.

Đồng lương chưa đầy 3,5 triệu đồng/tháng không đủ cho 3 miệng ăn. Chưa kể 2 con nhỏ của chị Lê đang tuổi ăn, tuổi học.

"Cũng vì quá khó khăn, hè năm vừa rồi tôi đã thuyết phục và cho Yến vào làm osin tại nhà một người quen trong vùng. Nói là làm giúp việc, nhưng công việc chủ yếu chỉ là ngồi trò chuyện cùng người già và trẻ nhỏ. Ở đó Yến lại được ăn ngủ và học trong điều kiện tốt hơn", chị Lê ngậm ngùi.

Ngọc Yến vừa nói vừa mếu máo: "Ngày bố mất, em nhớ mãi lời mẹ nói là Con là chị, từ nay phải cố gắng nhiều hơn nữa để phụ mẹ thay ba chăm sóc em nghe con".

Lấy đó làm nguyên tắc sống và cũng chính là động lực, Ngọc Yến luôn là một học sinh gương mẫu và có học lực khá của lớp. Ở nhà, em cũng luôn là một người con, người chị đúng mực, biết chăm sóc, bảo ban và dạy em học mỗi ngày.

‘Em muốn đi học chứ không muốn làm osin’ - Ảnh 2.

Căn nhà nhỏ nơi mẹ con chị Lê sống - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Mong được làm cô giáo

Khi được hỏi về công việc yêu thích, Ngọc Yến kể rằng em rất thích được làm cô giáo, được đứng trên bục giảng. Hiện thực hóa ước mơ của mình, hàng ngày sau khi đã làm xong việc nhà, Yến thường chỉ bài cho cậu em trai của mình là Gia Kiệt.

Gia Kiệt tuy không học giỏi bằng chị, cũng luôn cố gắng để đạt học sinh tiên tiến trong lớp. "Có bài gì không hiểu em hỏi chị hướng dẫn giúp em. Em cũng thích được làm công an. Nếu không được làm công an, lớn lên con mơ ước làm ca sĩ để lo cho mẹ và chị", Gia Kiệt nói.

"Thú thật là tui định cho con Yến nghỉ học để phụ mẹ làm việc, vì cả 2 đứa đi học mình tui lo không nổi.." – nói đến đây, giọng chị Lê nghẹn lại.

Bà Trần Thị Cúc, trưởng thôn Đông Lái, cho biết gia đình chị Lê thuộc diện hộ nghèo. Chị Lê lại hay đau ốm nhưng đã rất chịu khó đi làm nuôi con ăn học. Chính quyền thôn, xã luôn luôn đưa gia đình chị Lê vào diện cần được quan tâm, đứng đầu trong những hộ được nhận quà của thôn mỗi khi có các chương trình từ thiện về thôn nghèo này.

100 suất học bổng Đèn đom đóm

Từ ngày 10-6 đến 30-8, Tuổi Trẻ Online sẽ giới thiệu 100 gương học sinh vượt khó vươn lên trong học tập. Mỗi tấm gương hiếu học sẽ nhận một suất học bổng Đèn đom đóm trị giá 3 triệu đồng. Chương trình do Công ty FrieslandCampina Việt Nam phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức.

Theo ông Trần Quốc Huân - phó tổng giám đốc Công ty FrieslandCampina Việt Nam, quỹ khuyến học Đèn đom đóm ra đời từ năm 2002 với sứ mệnh thắp lên ước mơ đến trường cho hàng ngàn trẻ em Việt Nam.

Đến nay, chương trình đã trao tặng 25.500 suất học bổng và xây mới, sửa chữa 21 trường học từ Nam ra Bắc. Quỹ Đèn đom đóm muốn lan tỏa tinh thần hiếu học, đem đến động lực học tập và niềm tin vào cuộc sống cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Đến trường bằng tình thương của bà, tờ vé số của ba Đến trường bằng tình thương của bà, tờ vé số của ba

TTO - Dù là những buổi sáng đầu kỳ nghỉ hè nhưng Ngân vẫn dậy sớm như thường nhật để theo chân bà ngoại phụ bán hủ tiếu ở đường số 11 (Q.Gò Vấp, TP.HCM).

CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên