Ban ngày đi làm mệt nhưng đêm về bà Màu vẫn tranh thủ kèm cháu nội là T. học bài - Ảnh: MINH PHƯỢNG
Nhà bé N.P.S.T. (7 tuổi) trong căn nhà nằm sâu trong con hẻm ở quận 10 (TP.HCM). Gọi là nhà nhưng đó chỉ là một ô vuông nhỏ xíu, ban ngày là nơi để sinh hoạt, tối về thì trải chiếu gối ra ngủ.
Cậu nhóc có gương mặt thông minh ấy ôm cổ bà nội thủ thỉ: "Chừng nào sinh nhật con, nội làm sinh nhật cho con nghen. Con chưa bao giờ được tổ chức sinh nhật".
Bà Nguyễn Thị Màu (63 tuổi) rươm rướm: "Nó kêu nội ơi con ước một lần được tổ chức sinh nhật. Con ước có một chiếc bánh kem, con thích bánh kem lắm". Mỗi lần nghe cháu thổ lộ cái mong ước giản dị ấy, bà thương thắt ruột, đinh ninh trong bụng nhất định sẽ mua cho cháu cái bánh kem nho nhỏ, nhưng rồi trăm nỗi lo bà lại lỡ hẹn với cháu.
Lo lắng luôn thường trực, đó là khi bà Màu một lúc đảm nhiệm nhiều vai: vừa làm bà vừa làm ông, vừa làm cha lại làm mẹ để yêu thương và chăm sóc T.
Cha mẹ T. phải vô trại giam thi hành án. Ngày ấy, T. chỉ là một cậu bé lẫm chẫm tập đi. Xa vòng tay cha mẹ, T. ở với nội, được nội chăm bẵm. Thế nhưng trong tâm trí cậu nhỏ, lúc nào cũng nhớ đến cha mẹ. Ai hỏi T. đều nói thương cha mẹ lắm, cha mẹ đang đi làm xa. Nhiều lúc nhớ quá, T. lại buồn buồn: "Sao cha mẹ đi hoài mà chưa về hả nội?".
Bà Màu kể T. là cậu bé ít nói nhưng sống tình cảm lắm. Hè nào bà Màu cũng dành dụm tiền đưa T. lên trạm giam thăm cha mẹ. Mua một cây kẹo để "dụ" T. ngồi một chỗ cho bà nói chuyện với cha của T. Thế nhưng T. cầm cây kẹo ấy, nhướn hết sức để đưa tay thật sâu vào trong khung sắt, dúi cây kẹo cho cha. "Nhìn thằng nhỏ lúc ấy, tui và mấy cô chú ở trại giam ai cũng ứa nước mắt", bà Màu nhớ lại.
Thương đứa cháu thốn thiếu tình cảm, người bà cố gắng gấp năm, gấp mười để lo cho cháu. Hằng ngày, bà đi giúp việc nhà để kiếm mỗi tháng 2,1 triệu đồng. Cùng đó, UBND phường hỗ trợ mỗi tháng 1,1 triệu đồng. Số tiền ấy bà dành dụm để đóng học cho T. vì mỗi tháng tiền học bán trú của T. hết hơn 1 triệu đồng. Còn lại bà cháu chắt chiu nuôi nhau. Đặc biệt, hiện nay bà Màu còn có một người con trai bị bệnh tâm thần, nên bà là người lao động chính trong nhà để nuôi con, nuôi cháu.
Tuổi già, trong người có đủ thứ bệnh như tim, khớp... nhưng bà Màu tự dặn không được để mình "tắt". Vì còn thằng cháu nội! Nhắc đến đứa cháu, mắt bà ánh lên sự quyết tâm: "Tui quyết tâm làm để có tiền lo cho thằng T. được đi học đầy đủ, chừng nào tui còn lo được thì tui sẽ không để nó phải thiệt thòi".
Ngồi cạnh bà và dựa vào bà - chỗ dựa vững chãi lúc này của T., cậu bé cho biết rất thích được đến trường đi học. Năm học vừa qua, T. mang về hai chiếc giấy khen và đó là món quà lớn nhất mà T. tặng cho nội mình. T. nói rất thích vẽ và mong muốn sau này được trở thành một họa sĩ.
Là một đứa trẻ, ai cũng có những mong muốn có món quà này, đồ chơi kia, được đi chỗ này chỗ kia. Nơi mà T. được đi xa nhất cũng chỉ là đi thăm cha mẹ, đến trường và sang nhà họ hàng, hàng xóm để chơi. Thế nhưng, T. chẳng bao giờ đòi hỏi gì, thích thì thích chứ nhưng T. hiểu hoàn cảnh của mình và vì T. thương nội của mình.
Chia tay cậu bé ra về, nghĩ về mong ước có một chiếc bánh kem, hộp bút màu và những cuốn tập tô màu có hình chú mèo Doreamon mà chợt cay khóe mắt…
100 suất học bổng Đèn Đom Đóm
Từ ngày 10-6 đến 30-8, Tuổi Trẻ Online sẽ giới thiệu 100 gương học sinh vượt khó vươn lên trong học tập. Mỗi tấm gương hiếu học sẽ nhận một suất học bổng Đèn đom đóm trị giá 3 triệu đồng. Chương trình do Công ty FrieslandCampina Việt Nam phối hợp cùng báo Tuổi Trẻtổ chức.
Theo ông Trần Quốc Huân - phó tổng giám đốc Công ty FrieslandCampina Việt Nam, quỹ khuyến học Đèn đom đóm ra đời từ năm 2002 với sứ mệnh thắp lên ước mơ đến trường cho hàng ngàn trẻ em Việt Nam.
Đến nay, chương trình đã trao tặng 25.500 suất học bổng và xây mới, sửa chữa 21 trường học từ Nam ra Bắc. Quỹ Đèn đom đóm muốn lan tỏa tinh thần hiếu học, đem đến động lực học tập và niềm tin vào cuộc sống cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận