09/03/2023 12:44 GMT+7

Sống khổ trong lăng mộ ba vua

Quần thể lăng mộ An Lăng rộng hơn 6ha này không chỉ là nơi yên nghỉ ngàn đời của ba vị quân vương mà còn là... nơi ở của 31 hộ dân đang chật vật mưu sinh, ngóng ngày được chính quyền di dời.

An Lăng với khu chen chúc nhà tạm bợ của người dân (bên phải hình) trong di tích  - Ảnh: TAM GIANG

An Lăng với khu chen chúc nhà tạm bợ của người dân (bên phải hình) trong di tích - Ảnh: TAM GIANG

Lăng mộ ba vua là An Lăng - nơi yên nghỉ của ba vị vua triều Nguyễn (Dục Đức, Thành Thái và Duy Tân) nằm trên tuyến đường Duy Tân (TP Huế) tấp nập xe cộ bậc nhất giữa lòng TP Huế.

Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cũng đã cho kiểm đếm lại số lượng người dân cũng như tài sản, nhà ở của họ ở An Lăng để có đề xuất phù hợp lên UBND tỉnh, nhằm sớm di dời những hộ dân này.

Ông Hoàng Việt Trung

Sống "bất an" trong lăng mộ ở An Lăng

Tiết trời xứ Huế chợt chuyển rét. Quán bánh ép đặc sản miệt biển Thuận An của chị Trần Thị Thơ nép ngay cạnh bờ tường nhà kho cũ nát trong khuôn viên An Lăng. Khách hướng mắt vào chiếc bếp than đượm hồng, chờ chị Thơ cho ra những chiếc bánh tròn nóng hổi nghi ngút khói để thưởng thức.

Bất ngờ một tiếng "rầm" vang lên. Một mảnh bê tông bên trong căn nhà kho cũ rơi ầm xuống đất vỡ vụn. "Chuyện thường ngày ở huyện. Nhà kho đó sắp sập rồi, chính quyền cũng đề bảng nguy hiểm. Dân chúng tôi ở đây mấy chục năm qua cũng quá quen với kiểu này", chị Thơ nói.

Chị sống trong khu di tích An Lăng ngót nghét cũng gần 20 năm từ ngày lấy chồng và về đây ở hẳn để buôn bán. Căn nhà nhỏ khoảng 27m2 là nơi sinh sống của năm người trong gia đình chị.

Ông Hoàng Văn Phỉ (bố chồng chị Thơ) nói rằng trước đây ông là cán bộ Ty Công nghiệp tỉnh Bình Trị Thiên. Căn nhà kho cũ đó ngày trước chính là khu nhà xưởng của Ty Công nghiệp này. Nhìn lên trần nhà chỉ cao hơn 2,5m loang lổ vết lủng, ông Phỉ kể cách đây khoảng 40 năm, ông được Nhà nước phân về khu An Lăng gần cơ quan để ở và cấp nhà tập thể. Bận đó phải là cán bộ thuộc diện cao cấp của Ty Công nghiệp và Sở Giáo dục tỉnh mới được chính quyền cho về ở đây.

Căn nhà ông Phỉ thuộc dạng "xịn" nhất khu tập thể thời đó bởi ở gần cửa hậu của An Lăng. "Giờ thì căn nhà này đang xuống cấp lắm rồi. Mỗi bận mưa to gió lớn là cả nhà tôi phải đi nơi khác trú tạm, chả dám ở vì sợ sập", ông Phỉ nói.

Cũng theo ông Phỉ, thời đó dân còn nghèo, chỉ lo chuyện cơm áo nên việc quản lý di tích còn lỏng lẻo. Người dân tứ xứ cũng từ đó mà kéo đến An Lăng, dựng chòi lợp mái rồi sống lấn chiếm trong di tích đến giờ.

Đến năm 1993, khi An Lăng nằm trong quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, khó khăn mới bắt đầu xuất hiện nhiều hơn với những người trần "tạm trú" ở An Lăng.

Nhà ông Trương Quang Phương trong An Lăng, ngay gần phần mộ vua Duy Tân và vua Thành Thái - Ảnh: NHẬT LINH

Nhà ông Trương Quang Phương trong An Lăng, ngay gần phần mộ vua Duy Tân và vua Thành Thái - Ảnh: NHẬT LINH

Đi không được, ở cũng chẳng xong

Trong hệ thống lăng tẩm của các bậc đế vương triều Nguyễn, An Lăng là khu lăng mộ đặc biệt nhất bởi nơi này nằm ngay giữa trung tâm TP Huế và là nơi an táng thi hài của ba vị vua là Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân.

Trong lịch sử, vua Dục Đức nối ngôi vua Tự Đức chưa được 3 ngày thì bị phế bỏ. Vua bị bắt giam vào ngục rồi bị bỏ đói cho đến chết. Sau khi vua chết, có hai người lính cuốn thi hài vua vào một tấm chiếu rồi khiêng đi chôn. Khi hai người đi đến cạnh một khe nước ở khu vực thuộc làng An Cựu thì bất ngờ dây buộc chiếc chiếu bị đứt, xác vua rơi xuống đất. Nghĩ rằng vua chọn nơi đây làm nơi an nghỉ, hai người lính này đã chôn cất thi hài vua Dục Đức ngay tại vị trí đó.

Về sau khi vua Thành Thái lên ngôi đã lệnh cho triều đình xây dựng lại khu lăng mộ của vua cha Dục Đức và đặt tên là An Lăng. Sau này khi vua Duy Tân và vua Thành Thái qua đời, thi hài hai vị vua này cũng được cải táng và đưa về trong khuôn viên An Lăng để an táng.

Chính vì gắn liền với giai đoạn "Tứ nguyệt tam vương" (Bốn tháng ba vua - PV) đầy biến động của sử Việt nên khu An Lăng trở thành một di tích đặc biệt khiến những người dân sống tạm bợ ở nơi đây gặp nhiều quy định chặt chẽ.

Ông Trương Quang Phương (70 tuổi) dẫn tôi trèo lên căn gác mái của căn nhà cấp 4 cũ nằm nép mình trong một góc An Lăng với lời dặn: "Chú đi ngay sau lưng tui chứ kèo, sàn bằng gỗ trên gác mục hết rồi, sẩy chân là rơi xuống bên dưới ngay đó".

Căn nhà nhỏ này của ông Phương được mua lại của Ty Công nghiệp Bình Trị Thiên vào năm 1991 với giá hơn 1 cây vàng. Ngót nghét cũng hơn 30 năm đã qua, căn nhà có kèo mái bằng gỗ đã xuống cấp trầm trọng, nhưng vì là nhà trong khu vực di tích nên ông Phương không được xét cấp sổ đỏ và không được... sửa nhà.

Theo ông Phương, trước đây muốn sửa nhà thì phải viết đơn xin rồi chạy lên phường xin xác nhận, sau đó chạy qua trung tâm di tích ở bờ bắc sông Hương để xin được sửa nhà.

"Trình lên bày xuống, viết cam kết là không đập phá căn nhà đi thì người ta mới "làm ngơ" cho sửa. Mà nói là sửa chứ thực ra chỉ là tô lại bức tường xi măng, lợp lại vài cái tấm tôn cũ cho đỡ dột thôi", ông Phương kể.

Cái khổ chung nhất với người dân An Lăng, theo ông Phương, đó là không thể vay mượn tiền lúc túng thiếu vì không có giấy tờ hợp pháp. "Có bận khó khăn, cần vài chục triệu đồng để lo công việc, vợ chồng tui muốn đem căn nhà này ra ngân hàng thế chấp vay tiền nhưng không được. Đâu ngân hàng nào dám cho dân "An Lăng" không giấy tờ sổ đỏ như tui vay tiền", ông Phương kể.

Cửa hậu An Lăng cũng là lối vào khu nhà ở tập thể xuống cấp - Ảnh: NHẬT LINH

Cửa hậu An Lăng cũng là lối vào khu nhà ở tập thể xuống cấp - Ảnh: NHẬT LINH

Vẫn phải... chờ

Theo thống kê của UBND phường An Cựu (TP Huế), hiện nay có khoảng 31 hộ dân đang còn sinh sống ở khu vực An Lăng. Những hộ dân này đều nằm trong "danh sách đỏ" di dời đến nơi an toàn của phường An Cựu khi đài báo có bão đổ bộ vào Huế. Trước đó con số này còn nhiều hơn, nhưng do đời sống khó khăn, hầu hết đều không có giấy tờ nhà đất nên nhiều người đã chuyển đến nơi khác sinh sống.

Ông Hoàng Việt Trung, giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết trước đó vào năm 2019 trung tâm đã tiến hành trùng tu lại toàn bộ hệ thống An Lăng với tổng vốn đầu tư hơn 40 tỉ đồng. Tuy nhiên, số tiền trên chỉ đủ để trùng tu lại hệ thống kiến trúc tại điện Long An và khu lăng mộ vua Dục Đức đang xuống cấp nghiêm trọng chứ không đủ để di dời dân cư ra khỏi khuôn viên lăng.

Ông Trung cho biết hiện nay phần lớn người dân ở An Lăng đều có mong muốn được di dời đến nơi ở mới để trả lại cảnh quan cho di tích. Tuy nhiên, việc này còn phải... chờ đến khi tỉnh Thừa Thiên Huế có một dự án di dời dân cư riêng khỏi khu vực di tích này. Theo ông Trung, hiện nay tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn đang tập trung mọi nguồn lực để sớm hoàn thành dự án di dân ra khỏi khu vực 1 di tích Kinh thành Huế.

Ông Hoàng Văn Phỉ tâm sự ước muốn lớn nhất của đời ông là được chính quyền... cho phép nâng nền nhà cao lên để mùa mưa lũ ở Huế cả nhà ông không còn phải sống trong cảnh bì bõm lội nước đến "thối cả chân".

"Chúng tôi đã nhiều lần làm đơn kiến nghị gửi lên các cấp có thẩm quyền để hỏi việc khi nào thì chính quyền có ý định di dời hay chí ít cũng cho chúng tôi sửa nhà cửa. Chứ ở trong cảnh nhà cửa xập xệ, chẳng biết sập xuống lúc nào như thế này thì làm sao mà chúng tôi yên tâm làm ăn được?", ông Phỉ nói.

Bí ẩn nghìn thu Thiên Thọ Lăng - Kỳ 4: Số phận lao đao của nhà địa lý tìm huyệt mộBí ẩn nghìn thu Thiên Thọ Lăng - Kỳ 4: Số phận lao đao của nhà địa lý tìm huyệt mộ

TTO - Người xưa nói thầy địa lý tìm huyệt mộ cho các bậc đế vương là nắm được bí mật của vua chúa và "thiên cơ", nên số phận không tránh khỏi gian truân.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên